Vì sao Mỹ phải phá hủy trực thăng triệu đô trong chiến dịch tiêu diệt trùm thủ lĩnh IS?

ANTD.VN - Mỹ phải phá hủy trực thăng triệu đô MH-60M gặp sự cố trong chiến dịch đột kích thủ lĩnh IS ở Syria do lo ngại công nghệ bí mật bị rò rỉ.
Đặc nhiệm và tiêm kích F-16 Mỹ buộc phải phá hủy một trực thăng MH-60M gặp sự cố trong chiến dịch đột kích thủ lĩnh IS al-Qurashi ở Syria.

Lầu Năm Góc ngày 3/2/2022 cho biết, trực thăng MH-60M gặp vấn đề khi tham gia chiến dịch đột kích nơi ở của thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurashi tại Atmeh, tây bắc Syria.

Chiếc MH-60M buộc phải hạ cánh, sau đó bị các đặc nhiệm phá hủy bằng thuốc nổ và đòn không kích của tiêm kích F-16 và máy bay không người lái MQ-9 Mỹ.

Có thể thấy chiếc máy bay trực thăng đã bị phá hủy hoàn toàn để các đối thủ dù có đến cũng không thu thập được gì.

Đại tướng Frank McKenzie, tư lệnh Bộ chỉ huy Trung tâm của Mỹ, cho biết họ làm vậy "để không thiết bị nhạy cảm nào bị bỏ lại Syria".

Chưa rõ nguyên nhân chiếc MH-60M gặp sự cố. Ảnh và video hiện trường cho thấy ngoài cánh quạt đuôi thì mọi thứ đã bị phá hủy toàn bộ.

Cụm radar và cảm biến dường như đã được tháo khỏi phần mũi, chưa rõ do lực lượng mặt đất của Mỹ hay bên khác làm.


Tổng thống Joe Biden ngày 3/2 thông báo "mối đe dọa khủng bố toàn cầu đã bị loại bỏ" sau khi al-Qurashi kích nổ đai bom tự sát trong cuộc đột kích của đặc nhiệm Mỹ.
Cái chết của al-Qurashi là thiệt hại lớn nhất đối với IS sau khi thủ lĩnh trước là Abu Bakr al-Baghdadi chết trong cuộc đột kích năm 2019.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, cuộc đột kích là nhiệm vụ chống khủng bố thành công và Mỹ không chịu thương vong nào.
Trực thăng MH-60M chở đặc nhiệm Mỹ xuất phát từ căn cứ quân sự tại thành phố Kobani của Syria, nơi lực lượng người Kurd kiểm soát.

Sikorsky MH-60M là một máy bay trực thăng đa nhiệm, hai động cơ, tầm trung được các lực lượng đặc nhiệm Mỹ sử dụng rộng rãi.

MH-60M là một trong số các biến thể hiện đại nhất được phát triển từ dòng trực thăng đa nhiệm UH-60.

So với các biến thể cũ, MH-60M được trang bị hệ thống điện tử hiện đại, nâng cấp động cơ mới cho khả năng hoạt động ổn định hơn.

Các nâng cấp bao gồm lắp đặt các hệ thống cảm biến quang điện tử và hồng ngoại, lắp thêm hệ thống radar theo dõi mục tiêu cũng như tăng cường khả năng tấn công từ trên không.
Ngoài ra gói nâng cấp này cũng có thể lắp thêm cần tiếp nhiên liệu khi cần thiết, bên cạnh việc lắp đặt hệ thống phóng mồi bẫy để đánh lừa tên lửa tìm nhiệt đối phương.

MH-60M được trang bị hai động cơ T700-GE-701C tuốc bin khí với tổng công suất gần 4.000 mã lực.

MH-60M có khả năng bay với vận tốc tối đa 295km/h, tốc độ hành trình 278km/h, bán kính chiến đấu 600km.

MH-60M được trang bị vũ khí hạng nhẹ bao gồm súng máy đa nòng M134, súng máy GAU-19 và súng máy M240H.

Ngoài ra chúng có thể lắp được rocket Hyfdra 70, tên lửa dẫn đường laser AGM-114 Hellfire.

MH-60M có chiều dài 19,76m, chiều rộng 2,36m, chiều cao 5,13m, trọng lượng rỗng 4.819kg, trọng tải cất cánh tối đa 10.660kg.

MH-60M được điều khiển bởi 2 phi công cùng với 2 xạ thủ súng máy, ngoài ra chúng còn có khả năng chở theo 11 binh sĩ hoặc 6 cáng cứu thương.

Tải trọng của MH-60M là 3.600kg, khi treo thêm bên ngoài thì tổng trọng tải lên tới 4.100 kg.