Vì sao Mỹ cấm thiết giáp lội nước AAV7A1…xuống nước?

ANTD.VN -  Thủy quân lục chiến Mỹ yêu cầu không để xe thiết giáp lội nước AAV7A1 tham gia hoạt động dưới nước, hạn chế đáng kể năng lực của loại vũ khí này. 

Được biết lệnh này được đưa ra sau khi thiết giáp lội nước AAV7A1 gặp một tai nạn nghiêm trọng dẫn tới chìm xe làm 8 binh sĩ Mỹ thiệt mạng.

"Tư lệnh thủy quân lục chiến quyết định đình chỉ hoạt động của Phương tiện Tấn công đổ bộ (AAV7A1) trong các hoạt động triển khai thường xuyên theo lịch trình hoặc huấn luyện dưới nước trong diễn tập quân sự", Thiếu tá James Stenger, phát ngôn viên thủy quân lục chiến Mỹ, cho biết ngày 15/12.

"Chúng chỉ quay lại hoạt động dưới nước nếu cần để ứng phó khủng hoảng", Thiếu tá James Stenger nhấn mạnh.

Thiếu tá Stenger cho biết Tư lệnh thủy quân lục chiến Mỹ hạn chế cho AAV7A1 xuống nước "vì lợi ích lâu dài của các chương trình xe lội nước và năng lực tương lai", nhưng không nêu chi tiết.

Quyết định được đưa ra dựa trên khuyến nghị từ nhiều cuộc điều tra về lỗi trong thiết kế của AAV7A1.
AAV7 được biên chế từ năm 1972 với nhiều biến thể khác nhau và vẫn được thủy quân lục chiến Mỹ coi là phương tiện chủ lực trong các chiến dịch đổ bộ.
Thủy quân lục chiến Mỹ cho biết 76% nhiệm vụ của loại phương tiện chiến đấu này là trên đất liền.

Quyết định cấm AAV7A1 xuống nước được đưa ra hai tháng sau khi thủy quân lục chiến và hải quân Mỹ công bố báo cáo 4 cuộc điều tra về sự cố một chiếc bị chìm hồi tháng 7/2020.

Các điều tra viên kết luận chiếc AAV7A1 bị chìm do một loạt sai sót, bao gồm bảo trì và huấn luyện kém, không chấp hành quy trình an toàn và trục trặc kỹ thuật, dẫn đến sự cố chết người.

Thủy quân lục chiến Mỹ cho biết tai nạn này là hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu các khâu bảo trì và sử dụng được làm tốt.

AAV7A1 bị đình chỉ hoạt động dưới nước trong bối cảnh chương trình phát triển mẫu thiết giáp thay thế mang tên xe chiến đấu Lội nước (ACV) cũng gặp trục trặc kỹ thuật, khiến chúng bị đình chỉ hoạt động tại các vùng biển khơi.
AAV7A1 là phương tiện chuyên chở chủ lực của các tiểu đoàn tấn công đổ bộ thủy quân lục chiến Mỹ, có nhiệm vụ đưa binh sĩ và trang bị chiến đấu từ tàu đổ bộ vào bờ biển, cũng như tham gia các chiến dịch bộ binh cơ giới trên đất liền.
AAV7A1 hiện là biến thể cuối cùng của dòng xe thiết giáp đổ bộ AAV7 vốn đi vào phục vụ trong quân đội Mỹ từ những thập niên 1970.
So với các loại xe thiết giáp đổ quân cùng thời, xe AAV7A1 được đánh giá với nhiều ưu điểm như có khả năng mang theo 21 binh sĩ.
Khi chạy trên đường nhựa, thiết giáp này đạt vận tốc tối đa 72km/h và gần 14 km/h khi bơi (nhanh gấp đôi so với xe của Nga).
Hỏa lực hỗ trợ xe bọc thép lội nước này cũng rất mạnh, xe có thể trang bị súng phóng lựu liên thanh Mk-19 dùng cỡ đạn 40mm, cho tầm sát thương khủng khiếp; đại liên M2HB hoặc súng máy M240D cũng được trang bị để hỗ trợ việc đổ quân.

Xe có cửa đổ quân ở trên nóc hoặc bộ binh cũng có thể di chuyển ra khỏi xe từ phía cửa lớn phía sau xe.

Ngoài Mỹ còn có hơn chục quốc gia khác sử dụng dòng xe này, tại Đông Nam Á xe bọc thép AAV7A1 được sử dụng bởi hải quân Indonesia và Philippines.