Vì sao Chuẩn tướng Iran phàn nàn về hệ thống phòng không S-400?

ANTD.VN - Trong khi báo giới phương Tây nói nhiều về khả năng Iran sẽ mua sắm hệ thống phòng không S-400 Nga để tăng cường năng lực bảo vệ bầu trời thì lại có những thông tin ngược chiều, xuất phát từ ý kiến của giới chức quốc phòng Iran.

Chuẩn tướng Dawood Sheikhian - Phó Tư lệnh Lực lượng hàng không vũ trụ của Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã phàn nàn về hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông địa phương.

“Các hệ thống phòng không nội địa do Iran sản xuất có tính năng kỹ chiến thuật tốt hơn nhiều so với S-400”, Chuẩn tướng Sheikhian nhấn mạnh và nói thêm Iran đang sử dụng hệ thống S-300 và thấy không cần thiết phải có thêm S-400.

Đáng chú ý hơn, Chuẩn tướng Dawood Sheikhian nhận xét lý do chủ đạo khiến Iran đặt niềm tin vào các hệ thống phòng không nội địa bắt nguồn từ việc khó mua vũ khí do nước ngoài chế tạo.

Vị chỉ huy IRGC nhắc đến trường hợp xảy ra trong quá khứ, khi các quan chức Nga viện dẫn các lệnh trừng phạt và gây khó khăn cho những hợp đồng mua sắm vũ khí. Bên cạnh đó, tổ hợp phòng không S-300 còn có nhược điểm là chi phí rất cao của tên lửa đánh chặn.

Tuy nhiên khác với khẳng định của Tướng Sheikhian về việc Iran chưa có ý định mua S-400, một số hãng thông tấn phương Tây cho biết Tehran đang tìm cách mua vũ khí tiên tiến từ Nga, bao gồm tiêm kích đa năng Su-35 và hệ thống phòng không S-400.

Đầu tháng 8/2024, tờ New York Times cho biết giới lãnh đạo Iran lo ngại viễn cảnh Israel tấn công nên đã đề nghị Nga cung cấp các hệ thống phòng không tiên tiến, yêu cầu này được đưa ra trong chuyến thăm Tehran của Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia - ông Sergei Shoigu.

Chưa dừng lại đây, một số tờ báo của Iran cũng thường đề cập đến những cuộc đàm phán liên quan đến việc mua hệ thống phòng không S-400, và thậm chí có thông tin cho biết Moskva đã giao tên lửa cho Tehran.

Trong diễn biến liên quan, theo Cơ quan xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga, họ đã hoàn thành việc giao hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran vào năm 2016 sau một thời gian dài phải trì hoãn do áp lực quốc tế.

Ban đầu, Nga đã phải đình chỉ hợp đồng mua sắm S-300 với Iran vào năm 2010 dưới áp lực từ phương Tây, nhưng Tổng thống Putin đã dỡ bỏ lệnh trên vào năm 2016 sau một thỏa thuận tạm thời với Tehran.

Quyết định tiếp tục thực hiện hợp đồng đã gây lo ngại lớn đối với Israel tại thời điểm đó, bởi vì theo nhận xét, hệ thống S-300 có thể giúp lực lượng phòng không Iran đẩy lui mọi cuộc tấn công đường không.

Nhưng lo ngại về hiệu quả của các hệ thống S-300 đã không thành hiện thực khi có nhiều thông tin cho biết Tel Aviv đã phá hủy hoặc vô hiệu hóa 3 tổ hợp S-300 tại Sân bay Quốc tế Imam Khomeini trong cuộc tấn công ngày 26/10 vừa qua.

Trước đó vào tháng 4 năm nay, trong một cuộc tấn công tương tự, Israel đã vô hiệu hóa một hệ thống S-300 khác sau vụ tập kích vào căn cứ quân sự ở tỉnh Isfahan, có thông tin cho biết các tổ hợp S-300 này là bộ khí tài cuối cùng trong kho vũ khí của Tehran.

Việc thất vọng với S-300 và chứng kiến những màn thể hiện gây thất vọng trên chiến trường Ukraine của tổ hợp S-400 có thể là nguyên nhân chính dẫn tới lời phàn nàn của Chuẩn tướng Dawood Sheikhian.

Mới đây nhất vào hôm 23/11, cả một khẩu đội S-400 của Nga đã bị đánh tê liệt và chịu thiệt hại nặng nề cả về khí tài lẫn nhân sự, sau khi không thể chống đỡ nổi đòn tập kích bằng tên lửa ATACMS - một vũ khí đã bị Mỹ loại biên.