Pháo phản lực phóng loạt (MLRS) Polonez là vũ khí sở hữu uy lực rất mạnh, đây là sản phẩm hợp tác của ngành công nghiệp quốc phòng Belarus và Trung Quốc.
Hiện tại Polonez là hệ thống MLRS hàng đầu thế giới, có khả năng tấn công mục tiêu cách xa tới 300 km, tức là tương đương M270 MLRS và M142 HIMARS của Mỹ khi sử dụng tên lửa ATACMS, nhưng trong tương lai vũ khí này còn mạnh hơn nhiều.
Bên lề Triển lãm hàng không quốc tế Airshow China 2024, phái đoàn Belarus đã tổ chức một số cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp quốc phòng địa phương, trong đó đáng chú ý là cuộc đàm phán với đại diện Viện Nghiên cứu Tên lửa Trung Quốc.
Hợp tác sản xuất vũ khí giữa các doanh nghiệp Belarus và Trung Quốc sẽ được đẩy mạnh, mặc dù các cuộc đàm phán diễn ra trong bí mật và không cung cấp thông tin rộng rãi cho báo chí, nhưng hai bên có vẻ đã cố tình "để rò rỉ" một vài chi tiết quan trọng.
Cụ thể hai bên sẽ tiếp tục phát triển một nền tảng vũ khí tấn công tầm xa mới, kết hợp các yếu tố của pháo phản lực phóng loạt, tên lửa đạn đạo chiến thuật và tên lửa hành trình chống hạm vào một bệ phóng duy nhất.
Hệ thống này sẽ có khả năng sử dụng nhiều loại tên lửa khác nhau, bao gồm tên lửa đạn đạo M20 cải tiến tầm bắn tới 500 km, cũng như tên lửa hành trình chống hạm siêu âm CX-1 có cự ly tác chiến 280 km, hoặc một loại tương đương.
Tổ hợp B-200 Polonez của Belarus, chính thức đưa vào sử dụng từ năm 2016, được trang bị 8 tên lửa A200 cỡ 301 mm của Trung Quốc với tầm bắn hơn 200 km, đây là sản phẩm do một công ty con của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc sản xuất.
Sau đó Belarus đã đạt thỏa thuận chế tạo phiên bản nâng cấp Polonez-M, sử dụng tên lửa A300 có cùng kích cỡ nhưng tầm bắn đã lên tới 300 km. Cần lưu ý nguyên mẫu A300 chính là tên lửa đạn đạo chiến thuật M20 của Trung Quốc.
Với chương trình hợp tác mới, thông qua hỗ trợ kỹ thuật từ phía Trung Quốc Belarus sẽ hướng tới việc tự chế tạo một loại tên lửa đạn đạo có tầm xa tương đương Iskander-M của Nga.
Những quả đạn này sẽ được triển khai trên một nền tảng xe mang phóng tự hành có tính linh hoạt cao hơn nhiều, cũng do Belarus tự chế tạo trong nước, đây là hướng đi rất đáng chú ý của Minsk.
Vấn đề nữa cần nhắc tới ở đây đó là hệ thống Polonez MLRS của Belarus đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ phía Nga, khi Moskva nhận định vũ khí này sở hữu nhiều ưu điểm hơn hẳn Tornado-S của mình và đã nhiều lần đề nghị Minsk cung cấp.
Tuy vậy vấn đề Belarus viện trợ hệ thống pháo phản lực phóng loạt Polonez cho Nga để sử dụng trên chiến trường Ukraine đã gặp phải trở ngại nghiêm trọng khi bắt buộc có sự đồng ý của Trung Quốc.
Hệ thống MLRS Polonez được Belarus phát triển với sự tham gia của các chuyên gia Trung Quốc. Theo các điều khoản của thỏa thuận cấp phép sản xuất, bất kỳ hợp đồng xuất khẩu nào liên quan đến tổ hợp vũ khí này đều phải có sự chấp thuận từ phía Bắc Kinh.
Chính vì vậy, mặc dù mới đây Belarus đã phải huy động xe tăng, thiết giáp, pháo binh từ các đơn vị đang làm nhiệm vụ trực chiến của mình để giao cho Nga, nhưng hệ thống Polonez vẫn còn nằm ngoài danh sách trên, cho dù Minsk đã huấn luyện sẵn binh sĩ Nga cách sử dụng.