Vì sao cần xử lý hình sự người trốn gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan đến việc Bộ Quốc phòng trả lời kiến nghị 'hình sự hóa' trốn gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, theo các chuyên gia pháp lý, việc bổ sung quy định về hành vi này vào BLHS 2015 là hoàn toàn cần thiết nhằm đảm bảo tính răn đe.

Không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe NVQS, bị phạt tới 35 triệu đồng

Thời gian qua, hiện tượng không đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự (NVQS) khi có lệnh gọi diễn ra khá phổ biến ở một số địa phương. Về chế tài xử lý hành chính đối với hành vi này, khoản 8 Điều 1 Nghị định 37/2022 về vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Theo đó, phạt tiền từ 1-12 triệu đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện mà không có lý do chính đáng.

Phạt tiền từ 12-15 triệu đồng đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

Phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;

Đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2 triệu đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

Phạt tiền từ 25-35 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự - luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Tham gia nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của mọi công dân
Tham gia nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của mọi công dân

Về chế tài xử lý hình sự, Điều 332 BLHS 2015 sửa đổi quy định, người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình; phạm tội trong thời chiến; lôi kéo người khác phạm tội thì bị phạt tù từ 1-5 năm.

Như vậy, điều luật trên chỉ quy định về hành vi không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, mà không quy định về việc không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

Do đó công dân không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự thì chỉ dừng lại ở việc xử lý hành chính, không thể xử lý hình sự.

Bổ sung quy định xử lý hình sự để răn đe

Cũng theo luật sư Lê Hồng Vân, khoản 8 Điều 3 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 lại quy định, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự là hành vi không chấp hành lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu.

Tổ chức, cá nhân có hành vi trốn tránh, chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, có sự không đồng nhất về phần quy định hành vi giữa Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 và BLHS 2015. Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 332 BLHS 2015 quy định: “… đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này… mà còn vi phạm…”. Đây là điều kiện đủ để cấu thành tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

Trong khi đó, Luật Xử phạt vi phạm hành chính lại nêu rõ, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 1 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính - luật sư Hồng Vân phân tích.

Để áp dụng pháp luật thống nhất và hiệu quả, luật sư Hồng Vân kiến nghị, cần sửa đổi, bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự, Điều 332 BLHS 2015 theo hướng không liệt kê hành vi hoặc quy định thêm hành vi "không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe" trong phần quy định của điều luật; bỏ quy định điều kiện đủ trong phần quy định hành vi. Có như vậy, tình trạng cố tình trốn tránh, không đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự khi có lệnh gọi mới được giải quyết triệt để.