Vì sao bộ ba vũ khí hạt nhân không còn giúp Mỹ gây áp lực lên đối phương?

ANTD.VN - Bộ ba vũ khí hạt nhân đang được Mỹ tích cực sử dụng để kiềm chế Nga và một số nước khác, tuy nhiên mọi thứ đang diễn ra không như Washington mong đợi.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chơi "ván bài hạt nhân" trước người đồng cấp Nga Vladimir Putin với sự trợ giúp của bộ ba chiến lược. Điều này được viết bởi các nhà phân tích của tờ Newsweek là Tom O'Connor, Naveed Jamali và Alex J. Ruhande.

Bài viết cho hay, Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ (STRATCOM) đang theo dõi chặt chẽ các hành động của Nga và sẵn sàng sử dụng kho vũ khí hạt nhân của nước này bất cứ lúc nào theo lệnh của nhà chức trách.

"Các lực lượng trên biển, trên bộ và không quân sẵn sàng 24 giờ một ngày, 365 ngày một năm để ngăn chặn mọi kẻ thù tiềm tàng tấn công Mỹ hoặc các đồng minh của chúng ta", Đại úy Ronald Flanders, người đứng đầu các vấn đề công cộng của STRATCOM cho biết.

Ngày nay, Nga và Mỹ sở hữu khoảng 90% kho vũ khí hạt nhân của thế giới. Bên cạnh đó,, cả hai quốc gia đều có những hệ thống tinh vi nhất trong bộ ba hạt nhân, bao gồm đầy đủ trên bộ, trên không và trên biển.

Các nhà phân tích của tờ Newsweek đã đưa ra một số đánh giá nhằm làm sáng tỏ việc Tổng thống Mỹ đang dùng những "quân bài" nào để gây ảnh hưởng đến giới lãnh đạo Nga.

Đầu tiên, Mỹ đã trở thành quốc gia duy nhất hiện triển khai vũ khí hạt nhân của mình ở các nước khác. Chúng ta đang nói về những quả bom mà họ bố trí ở một số nước NATO, như một phần của chính sách "chia sẻ vũ khí hạt nhân".

Công cụ khác của Mỹ trong thế trận răn đe hạt nhân là máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress. Khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, Tổng thống Biden đã ra lệnh cho "pháo đài bay" cất cánh để tuần tra biên giới phía Đông NATO.

Mặc dù chiếc B-52 đã bước sang tuổi 70 nhưng nó vẫn hoàn hảo để thực hiện nhiệm vụ. Như Đại úy David Prakash, người đã lái chiếc máy bay ném bom này 10 năm giải thích: "Một chiếc B-52 mang vũ khí hạt nhân có lợi khi sử dụng như một công cụ răn đe,".

“Máy bay ném bom chiến lược B-52 là công cụ duy nhất trong bộ ba hạt nhân cho phép bạn triển khai vũ khí một cách dễ thấy và vẫn có quyền chỉ huy và kiểm soát để rút nó đi".

"Đi bộ nhẹ nhàng và cầm một cây gậy lớn trong tay, đó là những gì B-52 thực hiện, bạn có thể nhìn thấy và nghe thấy, nó gửi một thông điệp cứng rắn mà không cần phải phóng vũ khí thực sự”, Đại úy David Prakash nói.

Tiếp theo là công cụ răn đe chiến lược bí mật nhất của Mỹ, chúng ta đang nói đến các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN). Theo Đô đốc Hải quân Mỹ James G. Foggo, các SSBN bí mật có tác dụng gây hiệu ứng tâm lý rất rõ rệt.

“Khả năng tàng hình cao của các SSBN cho phép Mỹ sử dụng làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán, vì đối phương không biết Washington có thể phản công nhanh đến mức nào”, Đô đốc Foggo nhấn mạnh.

Thành phần tiếp theo của bộ ba hạt nhân là các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM)đặt trong silo được triển khai trên mặt đất. Đặc điểm nổi bật của chúng là tốc độ cao, ông Cole Smith - người từng chịu trách nhiệm vận hành tên lửa hạt nhân trong 5 năm cho biết.

“ICBM có thời gian phản ứng nhanh nhất trong bộ ba hạt nhân. Chúng cũng cho phép lựa chọn tấn công tầm xa. Điều này được so sánh với tàu ngầm, vốn mất thời gian để cơ động vào vị trí nhưng 'sống sót' hơn trong trường hợp bị tấn công hạt nhân".

"So với ICBM thì máy bay ném bom cũng cần thời gian để cơ động vào vị trí, nhưng nó sở hữu một lợi thế là có thể thu hồi được", ông Cole Smith cho biết thêm

Đồng thời, ông Smith lưu ý rằng bộ ba hạt nhân ngày nay không giúp Mỹ gây áp lực lên Nga và các quốc gia khác mà Washington coi là đối thủ của mình. Như vậy nước này đang đánh mất chính "ván bài hạt nhân" mà họ đang cố gắng giành chiến thắng.

“Khi Triều Tiên, Nga hoặc Iran vượt qua ranh giới với các chương trình hạt nhân của họ, những lời cảnh báo của Mỹ trở nên không có sức nặng và không thể thay đổi quyết tâm của họ".

"Lý do là bởi vì những nước này biết rằng chúng tôi (người Mỹ) đang gia tăng lực lượng hạt nhân của mình, trong khi trong khi chính Washington lại yêu cầu họ giảm bớt”, ông Smith giải thích.