Phi đội gồm 6 cường kích A-10C Thunderbolt II thuộc Không quân Vệ binh Quốc gia Mỹ (4 chiếc đến từ Maryland và 2 chiếc nữa đến từ Michigan) đã bị mắc kẹt tại châu Âu, cụ thể là ở căn cứ không quân Sigonella trên đất Italia kể từ tháng 11/2024.
Điều gì đã xảy ra đối với những chiếc oanh tạc cơ nói trên không được nêu rõ, nhưng theo thông tin sơ bộ, vấn đề liên quan đến bảo trì đã khiến các máy bay nói trên buộc phải tạm thời nằm lại đất Italia để chờ phụ tùng thay thế.
Ấn phẩm chuyên ngành Aviationist cho biết, những chiến đấu cơ này cùng với 6 chiếc cường kích tấn công mặt đất A-10 nữa (tổng cộng 12 chiếc) đang trên đường về Mỹ sau khi phục vụ tại Trung Đông.
Phi đội dự kiến sẽ có hai điểm dừng ở châu Âu, đầu tiên là ở Italia và sau đó tại Bồ Đào Nha, tuy nhiên do gặp sự cố kỹ thuật mà chỉ có một nửa phi đội hoàn thành được lộ trình theo kế hoạch.
Hơn nữa theo thông tin từ Không quân Mỹ, 5 máy bay cần phải sửa chữa, do vậy 1 chiếc phải chờ đợi theo quy định hoạt động, lý do là bởi vì các chuyến bay tiêu chuẩn xuyên đại dương phải thực hiện với sự tham gia của biên đội gồm 6 chiếc.
Mới đây có thông tin cho biết các kỹ thuật viên của lực lượng Vệ binh Quốc gia đã tới căn cứ không quân NAS Sigonella - nơi biên đội cường kích A-10 bị mắc kẹt để hoàn tất công việc sửa chữa.
Theo thông tin sơ bộ, các máy bay lẽ ra phải tiếp tục hành trình vào ngày 16/1, nhưng do gặp phải trục trặc nhiều hơn dự kiến mà công việc sẽ phải kéo dài tới ít nhất là cuối tháng này.
Trước đó truyền thông quốc tế đã biết về việc Không quân Mỹ tăng gấp đôi tốc độ loại biên đối với máy bay cường kích A-10, thậm chí việc thay thế cánh mới nhằm kéo dài thời hạn phục vụ cũng không cứu vãn được tình hình.
Cường kích tấn công mặt đất A-10 lẽ ra có thể được đại tu toàn diện vào năm 2014, nhưng ý tưởng này đã bị loại bỏ ngay từ đầu bởi giới chức quân sự Mỹ, khi họ cho rằng chúng không còn cần thiết trong chiến tranh hiện đại.
Mặc dù bị Lầu Năm Góc "hắt hủi" nhưng dòng máy bay này vẫn được nhiều quốc gia đồng minh của Washington quan tâm đặc biệt vì chúng có hỏa lực mạnh cũng như khả năng bền bỉ đáng kinh ngạc.
Một đích đến của phi đội cường kích A-10 Mỹ sau khi loại biên có thể là Ukraine, khi chính quyền Kyiv từ lâu đã muốn nhận loại chiến đấu cơ này để đối đầu với lực lượng xe tăng đông đảo của Nga.
So với một chiếc cường kích khác của Liên Xô/Nga vẫn còn được sử dụng rộng rãi trên chiến trường là Su-25SM3 thì A-10C rõ ràng không hề thua kém, thậm chí còn có một số điểm nổi trội, cho nên loại biên hoàn toàn bị nhận xét là "quá lãng phí".