Venezuela có nguy cơ phải thanh lý không ít vũ khí Nga?

ANTD.VN - Do không có khả năng tự bảo trì cũng như được nhà sản xuất giúp đỡ, số lượng vũ khí Nga khổng lồ đã dần trở thành gánh nặng đối với Venezuela.

Giới chức quân sự Venezuela đang phải xây dựng lại chiến lược phát triển lực lượng vũ trang khi không thể có được phụ tùng thay thế cho các loại vũ khí Nga sản xuất, họ đang quay lại tập trung vào trang bị có nguồn gốc phương Tây.

Quân đội Venezuela mới đây đã nhận ra rằng họ sẽ dễ dàng có được phụ tùng thay thế cho xe tăng AMX-30 của Pháp hơn là T-72B của Nga, bất chấp thực tế AMX-30 là phương tiện chiến đấu cũ hơn nhiều.

Theo tin từ InfoDefense, Bộ Quốc phòng Venezuela đã áp dụng chiến lược mới nhằm phát triển tất cả các nhánh thuộc lực lượng vũ trang của mình, họ dựa trên hai nền tảng quan trọng nhất.

Vấn đề đầu tiên cần nhắc đến là lệnh cấm vận vũ khí được Mỹ áp đặt đối với nước này vẫn có hiệu lực và thứ hai là các nhà cung cấp khí tài quân sự đáng tin cậy có liên quan đến xung đột quân sự quốc tế, khiến khả năng chuyển giao bị hạn chế.

Vấn đề thứ hai mà Venezuela đưa ra rõ ràng đang đề cập đến tổ hợp công nghiệp quân sự Nga, bởi khi đã vướng vào cuộc chiến Ukraine, Moskva không thể cung cấp đầy đủ linh kiện thay thế cho số vũ khí mà họ đã bán cho Caracas như cam kết trước đó.

Đối diện tình hình trên, các quan chức quân sự và cả chính trị Venezuela cho rằng cần tập trung vào việc duy trì khả năng chiến đấu của các loại thiết bị và vũ khí nguồn gốc phương Tây đang nắm giữ trong tay, cho dù phần lớn đã lạc hậu.

Lực lượng vũ trang của Venezuela có trong thành phần tác chiến rất nhiều phương tiện chiến đấu nguồn gốc khác nhau, cả vũ khí của Nga và phương Tây sản xuất, một số trong đó có thể được phân loại không chỉ là hàng hiếm, mà còn bị xem như "mẫu vật bảo tàng".

Theo số liệu do trang Military Balance 2024 cung cấp, Quân đội Venezuela có trong thành phần chiến đấu 92 xe tăng T-72B, 81 chiếc AMX-30, 78 xe tăng hạng nhẹ Scorpion-90 và 31 chiếc AMX-13.

Về xe bọc thép chở quân và xe chiến đấu bộ binh, họ có trong tay 123 chiếc BMP-3, 114 chiếc BTR-80A, đi kèm với gần 80 xe bọc thép bánh lốp Dragoon 300 do Mỹ sản xuất cùng với 80 chiếc V-100 và V-150.

Về lực lượng pháo binh, Quân đội Venezuela có trong tay 48 hệ thống pháo tự hành Msta-S, 13 cối tự hành Nona-SVK, 24 pháo phản lực phóng loạt BM-21 Grad và 12 hệ thống BM-30 Smerch tối tân hơn.

Ngoài ra quốc gia Nam Mỹ này còn có 13 pháo tự hành Mk F3 cỡ 155 mm của Pháp (đặt trên khung gầm xe tăng AMX-13) và 12 pháo kéo 155 mm M114, 40 khẩu pháo M101 105 mm và Oto Melara Mod 56, 20 tổ hợp LAR-160 MLRS.

Đối với Không quân Venezuela, lực lượng này “trên giấy tờ” vẫn duy trì 21 máy bay chiến đấu hạng nặng Su-30MKV mua từ Nga và 18 tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất (chưa rõ mức độ năng lực chiến đấu thực tế).

Khác với không quân, đối với lực lượng phòng không, Venezuela phụ thuộc hoàn toàn vào các hệ thống tầm ngắn và tầm trung của Nga, bao gồm 44 bệ phóng S-125 Pechora-2M, 9 tổ hợp Buk- M2E và 12 bệ phóng S-300VM.

Để có tiền mua sắm phụ tùng nhằm đảm bảo kỹ thuật cho số vũ khí phương Tây, có ý kiến cho rằng Venezuela sẽ phải thanh lý phần lớn trang bị do Nga chế tạo, đây là tiếc nuối lớn với họ khi trong thời gian qua gần như bỏ quên việc xây dựng năng lực tự bảo trì.