- "Nhật ký Thiện Nhân - Hành trình yêu thương"
- Bác sĩ Roberto De Castro: "Tôi nhớ những nụ cười, những giọt nước mắt của hy vọng và đợi chờ"
Tại triển lãm, người xem sẽ được xem những bức tranh do các em nhỏ thể hiện với chủ đề “cổ tích” rộng lớn. Cũng tại đây chương trình đấu giá tranh để gây quỹ cho việc tái tạo cơ quan sinh dục của nhiều bạn nhỏ kém may mắn sẽ được diễn ra.
Các em nhỏ thể hiện tài năng hội họa của mình với chủ đề “cổ tích” rộng lớn
Từ năm 2016 tới nay, với sự tham gia chuyên môn của các hoạ sĩ Tô Chiêm, Đỗ Hương cùng nhiều hoạ sĩ tên tuổi khác, "Vẽ lên cổ tích" đã thu hút được hơn 600 trăm bạn nhỏ tham gia qua các năm, trưng bày hàng trăm tác phẩm và gây quỹ được hơn 300 triệu đồng cho hoạt động phẫu thuật của Chương trình Thiện Nhân.
Năm 2020, khác với những lần tổ chức tập trung trước đây, do bối cảnh của dịch bệnh Covid-19, "Vẽ lên cổ tích" có sự tham gia từ xa của nhiều họa sĩ nhỏ tuổi và không chuyên từ khắp miền tổ quốc.
"Vẽ lên cổ tích" có sự tham gia từ xa của nhiều họa sĩ nhỏ tuổi và không chuyên từ khắp miền tổ quốc
Câu chuyện của quỹ "Thiện Nhân và các bạn" là biểu tượng cho việc điều kỳ diệu có thể tạo nên từ ước mơ thuần túy. Năm 2011, bác sĩ Roberto De Castro nhận lời phẫu thuật cho cậu bé Thiện Nhân, một bệnh nhân nhỏ, một chú bé bị bỏ rơi cùng nhiều tổn thương cơ thể, đã trở thành chương đầu tiên của một hành trình cổ tích. Cũng từ đó, hàng nghìn trẻ em thiếu may mắn tại Việt Nam đã được khám và tái tạo cơ quan sinh dục bởi bác sĩ Roberto De Castro cùng những người bạn.
Triển lãm với sự tham dự của những em nhỏ yêu hội hoạ thuộc Làng trẻ em SOS Việt Nam tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh
Câu chuyện không chỉ được viết lên bởi nghị lực của Thiện Nhân, mẹ Mai Anh hay tấm lòng của các bác sĩ. Những điều kỳ diệu trong hành trình của quỹ “Thiện Nhân và các bạn” được tạo ra bởi sự chung sức của hàng nghìn con người từ khắp mọi miền.
“Cổ tích” trong hành trình Thiện Nhân mang một nét nghĩa khác truyền thống. Điều tốt đẹp được lan tỏa, biến thành ước mơ của cả một cộng đồng và tạo thành sức mạnh thay đổi số phận của hàng nghìn con người trong đời thật.
Năm 2011, chỉ vài tháng sau ca phẫu thuật đầu tiên mà bác sĩ Roberto De Castro thực hiện cho Thiện Nhân, hàng trăm trường hợp khiếm khuyết cơ quan sinh dục đã được thăm khám. Những hồ sơ, bệnh án từ khắp miền đất nước xếp đầy trên bàn mẹ nuôi Trần Mai Anh – người sau này sáng lập dự án.
"Cho đến khi những đứa trẻ kém may mắn giống Thiện Nhân xuất hiện, tôi còn chưa bao giờ biết rằng khiếm khuyết ấy phổ biến đến thế. Chưa từng có ai, kể cả trên thế giới, coi đó là một vấn đề và muốn giải quyết một cách tập trung. Nhưng tôi vẫn tin mình sẽ làm được, thay đổi số phận nhiều đứa trẻ, vì tôi không chỉ có một mình" – nhà báo Trần Mai Anh chia sẻ về chương trình – "Những đơn vị và cá nhân đồng hành như NXB Kim Đồng, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, các hoạ sĩ tên tuổi, Làng trẻ em SOS Việt Nam, Palm Art Space, Sol Art, Tiny Art & Craft… những chương trình như Vẽ lên cổ tích và tấm lòng của các bạn nhỏ khắp đất nước thực sự sẽ vẽ lên cổ tích đời thực từ trang giấy trắng".
Với hơn 50 bạn nhỏ có khả năng vẽ tranh và yêu hội hoạ thuộc Làng trẻ em SOS Việt Nam tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh tham gia góp sức, triển lãm "Vẽ lên cổ tích" lần thứ 5 sẽ là một sân chơi nhân dịp Tết Thiếu nhi 2020 cho các em, vừa mang ý nghĩa, ai cũng có thể giúp thay đổi số phận của những người khác trở nên tốt đẹp hơn.
Bà Lê Minh Giang, Giám đốc Quốc gia Làng Trẻ em SOS Việt Nam chia sẻ: "Điều đặc biệt là chính các em nhỏ đang được giúp đỡ tại Làng trẻ SOS có cơ hội được tham gia giúp các bạn nhỏ kém may mắn khác trong cộng đồng. Các em sẽ cảm nhận được ý nghĩa của việc cho đi và nhận lại, ý nghĩa của việc mang lại hạnh phúc cho người khác, và đặc biệt là trân quý hơn những gì các em đang có".