"Nhật ký Thiện Nhân - Hành trình yêu thương"

ANTD.VN - Suốt 10 năm qua, câu chuyện về Thiện Nhân - cậu bé bị bỏ lại vườn chuối với nhiều vết thương trên mình và con đường Thiện Nhân cùng mẹ Mai Anh đi khắp các bệnh viện lớn trên thế giới được liên tục nhắc đến trên truyền thông.

Thiện Nhân và gia đình nhỏ của mình

Cậu bé đã trở thành một tấm gương của nghị lực sống phi thường. Và bây giờ, cậu vẫn cùng mẹ  rong ruổi trên hành trình xoa dịu những nỗi đau cho nhiều trẻ em thiệt thòi khác.

Từ trái tim đến trái tim

Tôi đã rơi nước mắt khi nghe cậu bé Thiện Nhân tỉnh dậy sau ca phẫu thuật kéo dài mấy chục tiếng đồng hồ, nói với mẹ Mai Anh rằng: “Sau này con sẽ chăm sóc mẹ”. Trái tim tôi cũng đã nghẹn lại, khi chị Mai Anh trả lời câu hỏi của Thiện Nhân rằng, mẹ sinh con ra từ đâu: “Mẹ sinh con ra từ trái tim”… Bây giờ thì Thiện Nhân đã lớn, chỉ với một chân thôi mà đi lại nhoay nhoáy, tinh nghịch, hóm hỉnh cười đùa với hai người anh của mình.

Thi thoảng nịnh mẹ, thi thoảng “chất vấn” bà ngoại (nhà thơ Bùi Kim Anh) chuyện thế sự. Nhìn cậu bé khôi ngô ấy, tôi chắc những bà mẹ có con kém may mắn sẽ được tiếp thêm sức mạnh, để vững lòng hơn đồng hành cùng con trên con đường giành lại những điều tốt đẹp nhất cho những “trái tim” của mình. 

10 năm đối với người ngoài nhanh như một cái chớp mắt, nhưng với hai mẹ con cậu bé nghị lực là một quãng đường dài, với nhiều cung bậc cảm xúc. Từ lần đầu tiên người ta tìm thấy thằng bé tím đen, kiến bu đầy, mất chân phải và bộ phận sinh dục, bị bỏ lại trên 2 cái lá đu đủ, che kín bằng cái mẹt rách, ở một nơi chẳng mấy người qua lại, đến hành trình đi khắp các bệnh viện trên thế giới... Tất cả những chuỗi ngày đó được tiết lộ trong  tập sách mang tên “Hành trình yêu thương” vừa được NXB Kim Đồng ấn hành và giới thiệu tới bạn đọc.

Thiện Nhân bây giờ đã lớn

Những ghi chép đời thường

Cuốn sách này được viết ra không phải mục đích để trở thành một xuất bản phẩm. Nó đơn giản chỉ là ghi chép đời thường của mẹ Mai Anh và bà ngoại Kim Anh. Trong đó có những chi tiết quan trọng trong hành trình điều trị của Thiện Nhân, phần lớn còn lại là những dòng bình dị của một người mẹ. Khi Mai Anh đồng ý để NXB Kim Đồng xuất bản nhật ký nuôi con của mình, mục đích của chị, đầu tiên là niềm tự hào giản dị về quá trình nuôi dưỡng một đứa trẻ. Mỗi phần đời của người mẹ là điều luôn có thể tạo cảm hứng cho bất kỳ ai đủ yêu thương.

Thế nhưng, cùng với sự trưởng thành của Thiện Nhân, không thể tách rời những hành trình điều trị gian nan mà cậu bé và mẹ đã trải qua. Từ một đứa trẻ bị bỏ nơi bìa rừng đến niềm vui của cả gia đình, bác sĩ, hộ lý khi cậu bé đã có thể tự đi tè và còn hài hước, hướng dẫn cô y tá bế làm sao để cậu có thể tè một cách thoải mái nhất.

Điều đáng nói ở đây, cuốn sách không phải là sự xót xa cho đứa con của riêng mình, nhiều năm qua, sau những chuyến đi dài chữa trị cho “chú lính chì”, Trần Mai Anh đã khoác lên mình sứ mệnh với những trẻ em chịu khuyết tật ở cơ quan sinh dục. Nhận thức về dạng khuyết tật này cho đến nay vẫn chưa đầy đủ. Bây giờ, chị Mai Anh và các đồng sự đã và đang cùng điều hành chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” - một chương trình được thành lập từ kinh nghiệm chữa trị cho Thiện Nhân.

Từ tháng 8-2011 tới nay, trong vòng 6 năm đã có 10 đợt bác sĩ Roberto và các bác sĩ từ Mỹ, Ý sang Việt Nam phẫu thuật 230 ca, khám tư vấn miễn phí cho 800 em nhỏ không may khiếm khuyết bộ phận sinh dục. Đến thời điểm này, chương trình có hơn 1.000 hồ sơ đang chờ khám. Năm 2017, “Thiện Nhân và những người bạn” sẽ tổ chức 2 đợt phẫu thuật tại 3 thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM với tổng số bệnh nhi được phẫu thuật và thăm khám là 500 bé.

Chị Trần Mai Anh chia sẻ, mỗi năm với nhiều nguồn hỗ trợ, chương trình chỉ có thể mổ cho vài chục trường hợp. Vẫn đang còn hàng nghìn hồ sơ chờ thăm khám và phẫu thuật, cùng với đó là số lượng rất lớn các trẻ em chịu khuyết tật ở bộ phận sinh dục trên cả nước chưa được quan tâm đúng mức. Việc xuất bản cuốn sách “Hành trình yêu thương” chị và NXB Kim Đồng mong muốn, toàn bộ lợi nhuận từ cuốn sách sẽ được ủng hộ chương trình “Thiện Nhân và những người bạn”.

“Đây là hành trình mà tôi sẽ tự hào khi nhìn lại. Nhưng ước mơ của tôi là không một người mẹ nào phải trải qua sự vất vả như thế  khi phải điều trị cho đứa con không may mắn của mình” - chị Mai Anh cho biết.