Vai trò của lực lượng công an cơ sở trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Tăng cường vai trò của lực lượng Công an cơ sở trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng trên không gian mạng góp phần kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.

Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ vừa mang tính thường xuyên, vừa mang tính cấp bách, cần quyết tâm chính trị cao và sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Công an cơ sở là lực lượng gần dân, sát dân nhất, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở. Tăng cường vai trò của lực lượng Công an cơ sở trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng trên không gian mạng góp phần kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.

Nhận diện hoạt động phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng

Sự ra đời và phát triển của internet cùng những yếu tố, như hạ tầng thông tin, công nghệ,... tạo nên không gian mạng, đã và đang giúp tăng khả năng thu thập dữ liệu, lan truyền thông tin, bảo vệ thông tin cũng như làm gián đoạn thông tin, đồng thời tạo ra các cơ hội dễ dàng trong việc tiếp cận thông tin đến từng người dân ở khắp nơi trên thế giới, cộng đồng quốc tế và quan hệ giữa các chủ thể (nhà nước, phi nhà nước) trong quan hệ quốc tế. Với tốc độ đường truyền nhanh, độ bao phủ rộng và chi phí thấp, các chiến dịch thông tin truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội tương tác ở tất cả các cấp độ đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống chính trị, an ninh, kinh tế và xã hội trên toàn cầu.

Không gian mạng (Facebook, Zalo, Youtube, Instagram, Linkedin, Zingme, Google…) đang phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều lợi ích đối với các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, do có tính mở, với đặc trưng tự do, đa dạng, bình đẳng, nhiều khi bị xóa nhoà ranh giới giữa thực và ảo, vì vậy không gian mạng mang đến không ít thách thức đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Chúng đã và đang trở thành công cụ hàng đầu để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá, chuyển hóa chính trị, khủng bố. Đây thực sự là một mặt trận quan trọng và không thể buông lỏng. Đấu tranh tư tưởng trên không gian mạng hiện nay là vấn đề khách quan, nhiệm vụ trọng yếu, đòi hỏi mọi người, lực lượng thực thi nhiệm vụ này trên không gian mạng phải luôn nhận thức đầy đủ những thách thức và yêu cầu của nhiệm vụ, xây dựng bản lĩnh, trách nhiệm và quyết tâm cao, góp phần giữ vững nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng trước tình hình mới.

Lực lượng công an cơ sở luôn gần dân, sát dân

Lực lượng công an cơ sở luôn gần dân, sát dân

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trung bình mỗi tháng có hàng chục nghìn bài viết, video trên internet, mạng xã hội có nội dung liên quan đến Việt Nam, trong đó tỷ lệ không nhỏ các bài viết, video có nội dung xuyên tạc, chống phá cách mạng nước ta (có khoảng 67% bài viết được phát tán trên mạng xã hội Facebook, số còn lại phát tán trên các kênh mạng xã hội Youtube, Blog cá nhân hoặc các kênh tin tức phản động). Để thực hiện âm mưu chống phá trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động thường sử dụng một số thủ đoạn sau:

Một là, Các thế lực thù địch, phản động lợi dụng triệt để ưu thế nổi trội của các trang mạng xã hội có lượng lớn người sử dụng như Facebook, Zalo, Tiktok, Youtube… biến thành công cụ đắc lực thực hiện âm mưu chống phá. Chúng bám sát rất kỹ vào các biến động tình hình đời sống xã hội Việt Nam. Chúng luôn tìm các sự kiện “nóng” diễn ra trong xã hội được đông đảo quần chúng nhân dân quan tâm; các sơ hở, sai phạm và bức xúc của xã hội để tung ra nhiều bài viết xuyên tạc, bịa đặt, đổi trắng thay đen, suy diễn một cách vô căn cứ. Nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, chủ quyền, đất đai, quốc phòng - an ninh… bị các đối tượng thù địch cắt ghép, pha trộn thông tin thật - giả nhằm làm nhiễu loạn thông tin, tạo sự hoang mang cho người đọc, kích động gây rối an ninh, trật tự.

Hai là, Tạo lập các tài khoản giả mạo các trang mạng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để đăng tải các thông tin xuyên tạc tình hình chính trị, kinh tế, xã hội. Nguỵ tạo thông tin, giả danh các trang mạng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước bằng cách cắt ghép hình ảnh của cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ cao cấp gắn với những phát ngôn gây “sốc” để đánh lạc hướng dư luận. Đây đều không phải là trang tin chính thức, có thể gây nhiễu loạn thông tin và ẩn chứa những động cơ đen tối. Người tiếp xúc với các trang mạng này do thiếu kỹ năng nên không biết đây là trang giả mạo, mà nghĩ đây là trang chính thức của tổ chức đảng, cơ quan nhà nước nên các trang đăng tải thông tin này được nhiều người đọc theo dõi, vì thế các thế lực thù địch lợi dụng để gieo rắc tâm lý hoài nghi, gây bất ổn trong dư luận.

Ba là, Lợi dụng một số vấn đề liên quan đến nhân quyền, dân chủ, tín ngưỡng, tôn giáo, các đối tượng thành lập các tài khoản, fanpage phát tán rộng rãi các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung xấu độc, phản động, từ đó lôi kéo, kêu gọi biểu tình, tụ tập trái phép, gây rối an ninh trật tự, kích động bạo loạn và có các hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt trong thời gian qua, chúng kích động, “hà hơi tiếp sức” cho những kẻ nhân danh “lòng yêu nước” để biểu tình gây rối trật tự, trị an; “triệt để lợi dụng các vụ án phức tạp, nhạy cảm để kích động, xuyên tạc, quy kết, vu cáo Đảng, Nhà nước yếu kém, đả kích các cơ quan tư pháp, kích động “bất tuân dân sự” trong xã hội”. Chúng lúc ngấm ngầm, lúc công khai ra mặt tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta và đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao trong hệ thống chính trị hòng làm giảm uy tín và niềm tin đối với Đảng, chế độ. Chiêu bài của chúng là tung ra một bài viết có nội dung bảo vệ Đảng hay một cán bộ cấp cao nào đó của Đảng, Nhà nước, rồi để mặc nhiên cho các phần tử phản động, thù địch vào bình luận, chia sẻ những thông tin trái chiều không đúng sự thật.

Bốn là, Khai thác lỗ hổng bảo mật của các website, cổng thông tin điện tử để sửa chữa, chèn thêm đường dẫn đăng tại nội dung, thông tin giả mạo, xấu, độc; chèn, chỉnh sửa nội dung bài viết, hình ảnh trên các website, cổng thông tin điện tử làm sai lệch bản chất thông tin, làm người đọc mơ hồ mất cảnh giác. Sự tinh vi của các thế lực thù địch, phản động được thể hiện ở chỗ, chúng trích dẫn cắt xén, thông tin nửa vời những quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đan cài bằng những quan điểm giả danh mác-xít, làm cho người đọc mất phương hướng, lẫn lộn, không phân biệt được đúng - sai.

Đối tượng tác động, lôi kéo của hoạt động âm mưu chống phá của các thế lực thù địch thường hướng tới là tầng lớp trí thức; đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ, đảng viên có biểu hiện bất mãn, suy thoái tư tưởng chính trị; văn nghệ sĩ; thanh niên, học sinh, sinh viên, nhất là đội ngũ thanh thiếu niên vì đây là những thế hệ tương lai của đất nước. Lợi dụng bối cảnh đất nước mở cửa, hội nhập quốc tế, các đối tượng thù địch không ngừng rao giảng, đề cao tư tưởng phương Tây, khoác áo “khách quan học thuật”, “văn hóa, văn minh” để quảng bá về cái gọi là “các giá trị phương Tây” nhằm làm phai nhạt lý tưởng cách mạng của thế hệ trẻ. Những thủ đoạn lợi dụng nền tảng số nêu trên của các thế lực thù địch, phản động, phần tử bất mãn đã dẫn dụ và lừa dối được một bộ phận người dân, nhất là những người có tâm lý hiếu kỳ, tò mò muốn dò tìm các thông tin không chính thống. Những cái “bẫy thông tin” mà các đối tượng thù địch, phản động, tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam tung ra cũng đã khiến cho nhiều người nước ngoài không phân biệt được thật giả và bị những dòng thông tin sai lệch này dẫn dắt.

Tuyên truyền cho người dân nhận diện, phòng ngừa thủ đoạn của các đối tượng xấu

Tuyên truyền cho người dân nhận diện, phòng ngừa thủ đoạn của các đối tượng xấu

Phát huy vai trò của lực lượng Công an cơ sở trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng

Thực tiễn chỉ ra vai trò đặc biệt quan trọng của lực lượng Công an cấp cơ sở trong công tác bảo đảm an toàn trật tự nói chung, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong đó có công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng ngay từ cơ sở. Ðảng, Nhà nước và ngành Công an đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng về xây dựng lực lượng Công an nhân dân, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng lực lượng công an cơ sở, như: Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Thời gian qua, Ðảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an xác định, việc tăng cường cho công an cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.

Với mục tiêu tổng quát là “Xây dựng Công an xã, thị trấn toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ, hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, cơ chế lãnh đạo, chỉ huy, phân công, phân cấp và cơ sở vật chất, hậu cần, kỹ thuật… đủ sức giải quyết các vấn đề về an ninh, trật tự ngay từ đầu và tại cơ sở”, Nghị quyết số 12-NQ/ĐUCA ngày 25/7/2022 của Đảng ủy Công an Trung ương và Chỉ thị số 11/CT-BCA ngày 28/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Công an xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới là những văn bản mang tính chiến lược. Qua đó cho thấy, công tác xây dựng lực lượng Công an cấp cơ sở nằm trong thể thống nhất công tác xây dựng lực lượng CAND theo tinh thần của Nghị quyết số 12 ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Sau 1 năm triển khai, đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc, toàn diện trong xây dựng lực lượng công an ở cơ sở.

Trong những năm qua, tình hình hoạt động của các thế lực thù địch và đối tượng phản động lưu vong nước ngoài, luôn tìm cách câu kết, móc nối với các đối tượng trong nước, lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền” thực hiện “diễn biến hòa bình” nhằm gây mất ổn định chính trị, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tạo thành các điểm nóng về an ninh trật tự, hòng làm giảm niềm tin của nhân dân với Đảng. Chính vì vây, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an xác định bố trí Công an xã chính quy là cách để lực lượng Công an chính quy về cơ sở được gần dân hơn, nắm chắc tình hình, phục vụ nhân dân tốt hơn, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc hơn, đi đôi với đổi mới phương thức hoạt động để Công an xã chính quy thực sự là chỗ dựa của nhân dân. Hiện nay, trên toàn quốc có 10.598 Công an xã, phường, thị trấn với tổng số hơn 73 nghìn cán bộ đảm nhận nhiều vị trí công tác khác nhau như: Cảnh sát khu vực, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phòng chống tội phạm, Công an xã. Bộ Công an tích cực điều động cán bộ, bố trí, tăng cường cho đội ngũ Công an cơ sở, nhất là tại các xã, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục sử dụng hơn trên 73 nghìn Công an xã bán chuyên trách tham gia công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở. Như vậy, lực lượng Công an cơ sở trực tiếp gần với nhân dân hơn, gắn bó mật thiết với nhân dân, giải quyết những bức xúc, những khó khăn của nhân dân ngay từ cơ sở, nhanh chóng nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và tham mưu cho Chính quyền địa phương tại cơ sở. Đó là cầu nối quan trọng, giúp cho nhân dân hiểu, nâng cao nhận thức về các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, nâng cao sức để kháng trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, của các đối tượng cơ hội bất mãn và trước những thông tin xấu, thông tin độc hại trên các phương tiện thông tin đại chúng

Theo thống kê, Bộ Công an thời gian qua đã phối hợp với Bộ thông tin và Truyền thông chủ trì xử lý những trường hợp vi phạm. Cụ thể năm 2017 xử phạt 27 trường hợp với số tiền 1.150.000.000 đồng, năm 2018 xử phạt 27 trường hợp với số tiền 814.000.000, năm 2019 xử phạt 21 trường hợp với số tiền là 748.000.000 đồng; riêng 9 tháng đầu năm 2020, xử phạt 11 trường hợp với tổng số tiền 553.000.000 đồng. Trong thời gian có dịch Covid-19, Bộ TT-TT đã đề nghị Google, You tube, Facebook gỡ 11 tài khoản giả mạo Bộ Y tế, 152 bài viết đưa tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19. Thanh tra Bộ TT-TT cũng đã xử lý vi phạm về cung cấp thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 trên mạng xã hội tại một số địa phương, cụ thể năm 2020 đã xử lý 122 vụ việc tại 21 tỉnh/thành phố; quý I/2021 xử lý 57 vụ việc tại 13 tỉnh/thành phố. Trong đó có những vụ đáng chú ý như: Xử phạt kênh You tube Hoàng Anh – Timmy tại TP. HCM, Kênh Thơ Nguyễn tại Bình Dương. Hưng Troll tại Bắc Giang…vvv. Trong năm 2020, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an đã gỡ bỏ hơn 300 bài viết, bình luận có nội dung xấu độc. Đối với thông tin được đăng tải trên Facebook, You tube, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng yêu cầu Google gỡ bỏ, vô hiệu hóa 6.337 video clip; yêu cầu Facebook gỡ bỏ 544 bài viết, tài khoản cá nhân và fanpage trên Facebook có nội dung xấu độc, mua bán tiền giả, hướng dẫn chế tạo vũ khí, tuyên truyền, đưa những nội dung sai sự thật đến người đọc… Rất nhiều trong số vụ vi phạm đều được xử lý từ Công an cơ sở thông qua công tác nắm tình hình và hoạt động phản ánh từ quần chúng nhân dân.

Nâng cao hiệu quả, vai trò của lực lượng Công an cơ sở trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng

Do tính chất, yêu cầu đặt ra trong công tác bảo đảm an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở cho thấy, xây dựng công an cấp cơ sở hiện nay cần theo hướng: "Xây dựng công an xã, thị trấn toàn diện", cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ, hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, cơ chế lãnh đạo, chỉ huy, phân công, phân cấp và cơ sở vật chất, hậu cần, kỹ thuật… mới có thể đủ sức giải quyết các vấn đề về an ninh, trật tự ngay từ đầu. Đồng thời phát huy vai trò hết sức quan trọng của lực lượng Công an trong tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng từ cơ sở. Dự báo trong thời gian tới, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình an ninh thế giới, khu vực biến đổi khó lường, khó dự đoán, thời cơ và thách thức, đối tượng và đối tác đan xen, chuyển hóa lẫn nhau; các thế lực thù địch, phản động tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá về tư tưởng, chính trị. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hoạt động chống phá của chúng ngày càng quyết liệt hơn, nhất là thời điểm trước, trong và sau diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Cùng với đó, chúng sẽ triệt để lợi dụng những hạn chế, yếu kém trong triển khai các chính sách cụ thể ở từng địa phương; sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; tình trạng tham nhũng, tiêu cực, tai nạn, tệ nạn xã hội, thiên tai, ô nhiễm môi trường… để tuyên truyền, kích động chia rẽ nội bộ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Trước tình hình đó, để phát huy vai trò của lực lượng Công an trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng ngay tại cơ sở, cần nâng cao nhận thức, kiến thức, tư tưởng và đạo đức của thanh niên đối với nền tảng tư tưởng của Đảng, từ đó, giúp lực lượng Công an phát huy vai trò của mình trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ngay từ cơ sở. Thời gian tới, Bộ Công an cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt chỉ huy công an các cấp trong triển khai kiện toàn tổ chức bộ máy, rà soát, phân loại cán bộ, chiến sĩ nhằm điều chỉnh, bố trí lại lực lượng, cán bộ theo hướng tăng cường cho công an cấp cơ sở. Tiếp tục phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các đơn vị trong lực lượng công an cũng như sự ủng hộ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng thuận của nhân dân. Lãnh đạo, chỉ đạo gắn với kiểm tra, đôn đốc, giải quyết nhanh nhất những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong xây dựng cũng như hoạt động của lực lượng công an cấp cơ sở.

Ðặc biệt, cần đẩy mạnh việc học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh để có hiểu biết sâu sắc về quy luật vận động của sự vật, hiện tượng, từ đó nhận diện các luận điểm chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động. Đồng thời, tích cực học tập, quán triệt Cương lĩnh, đường lối, chiến lược, sách lược của Đảng, Nhà nước trên mọi lĩnh vực; chủ động nghiên cứu nâng cao năng lực chuyên môn, tạo dựng cho bản thân nền tảng tri thức chính trị - xã hội đúng đắn, khoa học, cách mạng, đủ trình độ đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động trên mạng xã hội. Lực lượng Công an cơ sở cần chủ động bám sát các vấn đề, sự kiện, cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng, tạo thế chủ động trong mặt trận đấu tranh trên mạng xã hội. Quán triệt thực hiện phương châm chỉ đạo công tác tư tưởng phải đi trước, đón đầu; không để “khoảng trống” thông tin để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc chống phá. Luôn đề cao cảnh giác, chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội, đồng thời chú trọng nghiên cứu, phân tích, đánh giá, dự báo để xây dựng kế hoạch, nội dung, phương thức đấu tranh.

Trang bị các kỹ năng nhận diện thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, sàng lọc những thông tin tiêu cực để đấu tranh phản bác. Xây dựng hệ bài chuyên luận chuyên sâu, phản bác từ gốc những luận điệu xuyên tạc, những quan điểm sai trái, thù địch bằng lý luận và thực tiễn khoa học với hệ thống luận cứ, luận chứng chặt chẽ, có tính thuyết phục cao giúp độc giả hiểu sâu sắc, thấy rõ bản chất vấn đề, từ đó có niềm tin khoa học vững chắc vào nền tảng tư tưởng của Đảng. Cán bộ, đảng viên CAND, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, người đứng đầu cấp ủy, đơn vị tại cơ sở nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, vai trò, trách nhiệm, tiền phong, gương mẫu trong việc khai thác, sử dụng Internet và mạng xã hội; phát huy tính hiệu quả, thiết thực việc sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, truyền tải, nhân rộng những yếu tố tích cực, tấm gương tiêu biểu, người tốt, việc tốt, những giá trị văn hóa nhân văn, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc...

Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc Đổi mới và 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, phải thừa nhận, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay”… Tuy nhiên, cuộc đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đang tiếp tục diễn ra hết sức phức tạp, tác động rất lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội. Song, với vai trò nòng cốt trên mặt trận chính trị, tư tưởng, văn hóa vai trò của lực lượng Công an nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng ngay từ cơ sở góp phần đấu tranh phòng, chống với những âm mưu, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, xứng đáng là “thanh bảo kiếm” tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong sự nghiệp bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.