Bộ Công an: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở không làm tăng số người, chi phí

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nếu 84.721 thôn, tổ dân phố đều thành lập Tổ bảo vệ ANTT thì dự kiến kinh phí là 3505 tỷ đồng/năm. Trung bình 1 tỉnh, thành phố cần bảo đảm khoảng 55,6 tỷ đồng/năm (4,6 tỷ đồng/tháng)...

Liên quan đến Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, về chế độ, chính sách, kinh phí, nguồn nhân lực bảo đảm thực hiện, Bộ Công an cho biết, đến hết tháng 12-2022, tổng số thôn, tổ dân phố trong toàn quốc đã giảm xuống còn 84.721 thôn, tổ dân phố và mức lương cơ sở từ 1-7 đã điều chỉnh tăng lên là 1.800.000 đồng.

Trường hợp 84.721 thôn, tổ dân phố đều thành lập Tổ bảo vệ ANTT thì cả nước có 84.721 tổ (trung bình mỗi tổ 3 người) và dự kiến tổng kinh phí cần bảo đảm để thực hiện theo quy định của dự thảo Luật là 3505 tỷ đồng/năm. Trung bình 1 tỉnh, thành phố cần bảo đảm khoảng 55,6 tỷ đồng/năm, tương ứng khoảng 4,6 tỷ đồng/tháng.

Tuy nhiên, do dự thảo Luật quy định mỗi Tổ bảo vệ ANTT có thể phụ trách một hoặc một số thôn, tổ dân phố thuộc cấp xã hoặc tại huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã nên khi triển khai thi hành Luật thì tổng số Tổ bảo vệ ANTT có thể giảm xuống, kéo theo tổng kinh phí bảo đảm cũng sẽ giảm theo.

Như vậy, nếu thành lập Tổ bảo vệ ANTT với nguồn nhân lực trước hết là được kiện toàn từ lực lượng Bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng, Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng và với cách dự tính nêu trên thì sẽ không tăng về số lượng người tham gia hoạt động và không tăng về tổng kinh phí bảo đảm so với thực tiễn đang chi trả hiện nay.

Về lâu dài, tổng số lượng thôn, tổ dân phố tiếp tục giảm do sáp nhập nên các địa phương sẽ có điều kiện tập trung bảo đảm chế độ, chính sách tốt hơn nữa cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở - Bộ Công an khẳng định.

Lực lượng bảo vệ dân phố tham gia tích cực vào công tác bảo vệ ANTT tại cơ sở

Lực lượng bảo vệ dân phố tham gia tích cực vào công tác bảo vệ ANTT tại cơ sở

Bên cạnh đó, Bộ này cũng đề nghị không quy định khung, quy định cụ thể mức tối thiểu hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế trong dự thảo Luật.

Lý do được đưa ra là lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là lực lượng quần chúng được tuyển chọn tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, dưới sự quản lý và do chính quyền cơ sở bảo đảm kinh phí chi trả chế độ, chính sách.

Nếu quy định “cứng” trong Luật về khung mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng và khung mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế sẽ không phù hợp với thực tế, nhất là ở các địa phương còn khó khăn về kinh tế, xã hội và có thể là áp lực về ngân sách đối với các địa phương chưa tự chủ được ngân sách.

Do đó, Bộ Công an đề nghị quy định theo hướng mở để chính quyền địa phương quyết định mức hỗ trợ này đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở để phù hợp với thực tế điều kiện ở từng địa phương và bảo đảm tính khả thi của Luật.

Tin cùng chuyên mục