- Làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác Việt Nam - Australia
- Nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện: Lịch sử quan hệ Việt Nam - Australia bước sang chương mới
Trật đích “mũi tên” phá hoại quan hệ Việt Nam - Australia
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) mới đây đã gửi cái gọi là một tờ trình cho Chính phủ Australia, trong đó yêu cầu “gây sức ép” với Chính phủ Việt Nam trong các cuộc gặp sắp tới tại sự kiện Đối thoại Nhân quyền Australia - Việt Nam lần thứ 19 diễn ra vào ngày 30-7 tại Thủ đô Canberra. Trong cái gọi là tờ trình này, HRW đưa ra những thông tin sai lệch, xuyên tạc về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam để từ đó “đòi” Chính phủ Australia phải gây áp lực với Việt Nam, trong đó có đòi thả những người vi phạm pháp luật bị bắt giữ, kết án hay chấm dứt những hạn chế đối với tự do tôn giáo, tín ngưỡng…
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese trao đổi Tuyên bố nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện hồi tháng 3-2024 |
Việc HRW tung thông tin sai lệch, bóp méo, xuyên tạc nhằm chống phá Việt Nam trong vấn đề dân chủ, nhân quyền không có gì mới. Đó là “món ăn” khoái khẩu của tổ chức này lâu nay. Tuy nhiên, việc HRW gây áp lực với Chính phủ Australia ngay trước thềm Đối thoại Nhân quyền Australia - Việt Nam lần thứ 19 là một thủ đoạn mới, một âm mưu thâm hiểm hòng “bắn một mũi tên, trúng hai mục tiêu” nhằm vừa kích động, phá hoại mối quan hệ đối tác đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước, vừa đồng thời chống phá Việt Nam trong vấn đề quyền con người.
Ai cũng thấy, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Australia - Việt Nam đang phát triển tốt đẹp. Hơn 50 năm qua kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức (ngày 26-2-1973), quan hệ hợp tác giữa hai nước đã có những bước tiến vượt bậc, không chỉ vượt qua những khác biệt trong quá khứ để thiết lập quan hệ ngoại giao mà còn thiết lập sự hợp tác nhiều mặt với mức độ tin cậy chính trị rất cao, thậm chí được đánh giá là cao nhất từ trước đến nay.
Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, nhất là trong năm 2023 vừa qua. Trong đó, về phía Australia, Toàn quyền David Hurley thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam vào tháng 4-2023; Thủ tướng Anthony Albanese thăm chính thức Việt Nam tháng 6-2023… Về phía Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Australia vào tháng 3-2024.
Hợp tác giữa Việt Nam và Australia phát triển rất toàn diện. Hợp tác quốc phòng - an ninh phát triển thực chất và hiệu quả. Về hợp tác kinh tế - thương mại, hai nước đã trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 13,8 tỷ USD năm qua. Tính tới hết tháng 12-2023, Australia có 621 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam với tổng số vốn khoảng 2 tỷ USD, trong khi Việt Nam có 92 dự án đầu tư FDI tại Australia với tổng số vốn hơn 550 triệu USD…
Về du lịch, Australia luôn nằm trong nhóm 15 thị trường có lượng khách hàng đầu đến Việt Nam. Hiện, hai nước thúc đẩy hợp tác trong một số lĩnh vực mới, tiềm năng như ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, năng lượng xanh… Bên cạnh hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư, Australia còn là một trong những đối tác cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, với những biểu tượng như cầu Mỹ Thuận, hay hàng nghìn học bổng cho sinh viên Việt Nam sang du học tại Australia…
Sự phát triển tốt đẹp, tin cậy cao của quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Australia đã được nâng lên một bước về chất khi thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược vào tháng 3-2018. Đặc biệt, trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng 3 vừa qua, hai nước đã nâng tầm lên quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện. Có thể khẳng định, mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Australia đang phát triển rất tốt đẹp và mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá hòng cản trở, đẩy lùi đều chắc chắn sẽ thất bại thảm hại cho dù có thâm hiểm đến đâu.
Không thể phủ nhận thành tựu bảo vệ quyền con người
“Mũi tên” phá hoại quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Australia trật đích thì mũi tên chống phá Việt Nam trong vấn đề dân chủ, nhân quyền cũng chịu chung số phận. Sự chống phá này thất bại trước những thực tiễn đảm bảo, phát triển quyền con người không thể xuyên tạc, phủ nhận của Việt Nam.
Xuyên suốt kể từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời năm 1945 cho đến nay, việc bảo đảm, thúc đẩy quyền con người luôn được Đảng, Nhà nước ta chú trọng và không ngừng bổ sung, phát triển qua các thời kỳ. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Việt Nam có quyền tự hào khi đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển và bảo vệ quyền con người.
Bên cạnh những nỗ lực không ngừng nghỉ xây dựng và hoàn thiện thể chế về quyền con người, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong bảo đảm quyền con người trên các phương diện của đời sống xã hội. Các quyền con người về dân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa ở Việt Nam được quy định rõ trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Quyền bầu cử, ứng cử và tham gia quản lý Nhà nước và xã hội của người dân được phát huy. Các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền bình đẳng của các dân tộc; quyền sống, được tôn trọng về nhân phẩm và bất khả xâm phạm về thân thể; quyền tự do đi lại và cư trú… của người dân được tôn trọng và bảo đảm trên thực tế.
Việt Nam đã thành công về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người. Trong đó, công cuộc xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả nổi bật; đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo từ gần 60% vào năm 1986 giảm xuống còn dưới 3% vào năm 2022. Tổng thu nhập quốc dân (GDP) bình quân đầu người tăng từ 86 USD năm 1986 lên 4.284,5 USD năm 2023. Nước ta về đích trước thời hạn theo mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) và phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc; thực sự trở thành điểm sáng của thế giới, được nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Theo Liên hợp quốc, chỉ số phát triển con người (HDI) ở Việt Nam liên tục tăng qua từng năm và hiện lọt vào nhóm phát triển con người cao, xếp thứ 115/191 quốc gia và vùng lãnh thổ…
Chất lượng an sinh xã hội của người dân ngày càng được nâng cao. Việc bảo đảm an sinh xã hội đã chuyển từ hỗ trợ nhân đạo sang bảo đảm quyền an sinh của công dân. Người dân tiếp cận ngày càng tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, y tế, nhà ở… Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân được tôn trọng và đảm bảo. Tính đến nay, Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau với khoảng 27 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước; trên 55 nghìn chức sắc, khoảng 135 nghìn chức việc; trên 29 nghìn cơ sở thờ tự. Ngoài ra, hàng năm ở nước ta có trên 8.000 lễ hội về tín ngưỡng, tôn giáo, quy tụ hàng vạn tín đồ tham gia; cơ quan Nhà nước tạo điều kiện tối đa cho các hoạt động tự do tín ngưỡng tôn giáo, đúng pháp luật.
Cùng với những thành tựu về quyền con người trong nước, Việt Nam còn tham gia tích cực, là thành viên có trách nhiệm trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc từ khi cơ quan này được thành lập từ năm 2006 đến nay. Trong đó, nổi bật là chúng ta đã tham gia tích cực các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền trong 2 nhiệm kỳ 2014-2016 và 2023-2025 hiện nay, thúc đẩy nhiều sáng kiến, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Những thành tựu đáng tự hào trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của chúng ta chính là sự đáp trả thuyết phục nhất, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá từ trước đến nay trong vấn đề này.