V-League 2021 cán đích theo kịch bản nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - 12h ngày 23-7 là hạn cuối để các cổ đông - CLB gửi ý kiến về cho ban tổ chức tổng hợp, chọn ra một phương án cho phần còn lại của V-League 2021.

Hệ thống giải chuyên nghiệp quốc gia đang phải hoãn vì dịch Covid-19, song mới đây "dậy sóng" khi Hội đồng quản trị Công ty VPF - đơn vị tổ chức - biểu quyết thông qua đề xuất hoãn V-League 2021 tới tháng 2-2022.

Theo phương án này, sau 12 vòng đấu, giải "đóng băng" từ ngày 6-5-2021 đến 12-2-2022 sẽ thi đấu tập trung liền mạch tới 12-3-2022. Mùa giải 2022 dự kiến diễn ra sau đó 4 tháng.

HAGL (trái) đang tạm dẫn đều bảng xếp hạng V-League 2021 sau 12 vòng đấu

HAGL (trái) đang tạm dẫn đều bảng xếp hạng V-League 2021 sau 12 vòng đấu

Động thái này từ VPF ngay lập tức vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ phía các CLB, hầu hết đều không đồng tình việc hoãn giải tới 7 tháng.

Trong số các nguyên nhân được chỉ ra, thiệt hài tài chính được nhắc đến nhiều nhất. Bởi trong bối cảnh phải thắt chặt chi tiêu vì dịch Covid-19, các CLB khó gánh nổi quỹ lương, chi tiêu sinh hoạt hàng ngày cho đội bóng suốt 7 tháng mà không để phục vụ trận đấu nào.

Nan giải hơn là hợp đồng với các ngoại binh, khi đa số đều đáo hạn trong năm 2021. Nếu giải kéo sang 2022 thì thanh lý hay gia hạn hợp đồng ngoại binh đều khiến CLB chịu thiệt thòi.

Có ý kiến đòi huỷ lịch phần còn lại của giải, công nhận chức vô địch cho HAGL và không có đội xuống hạng. Có người đề xuất chỉ tổ chức cho 2 đội đang xếp đầu là Viettel và HAGL đá xác định chức vô địch mùa giải cùng suất dự AFC Champions League, AFC Cup mùa sau.

Nhưng nếu thực hiện một trong 2 đề xuất trên sẽ phát sinh một bài toán tài chính khác mà ban tổ chức và các CLB cùng chịu thiệt, đó là phải bồi thường vì vi phạm hợp đồng với các nhà tài trợ, nhất là khi các khoản tiền chi cho V-League 2021 đã được giải ngân.

Bên cạnh bài toán thiệt hại tài chính còn là những tranh luận quanh việc ưu tiên V-League hay đội tuyển quốc gia. Và từ đây, xuất hiện thêm một đề xuất: ĐT Việt Nam cứ đá, còn V-League vẫn lăn bóng song song. Phương án này có thể đảm bảo về tiến độ thi đấu, song chắc chắn giảm chất lượng chuyên môn, nhất là với đội tuyển quốc gia trong lần đầu tiên góp mặt vòng loại thứ ba World Cup 2022.

Đó là chưa kể, đội tuyển quốc gia được chấp thuận cơ chế đặc biệt để đá vòng loại World Cup, còn V-League thì chưa chắc, bởi mức độ ưu tiên và độ phức tạp cao hơn.

Chắc chắn không có giải pháp nào hoàn hảo, có chăng chỉ là chọn phương án nào an toàn, giảm thiểu thiệt hại tài chính nhất có thể. Nhưng trên hết là cần sự đồng thuận, chia sẻ từ các bên, mà ở đó, VPF đóng vai trò then chốt.

Thái Lan từng hoãn giải VĐQG gần 7 tháng

Mùa 2020, trước tác động của dịch Covid-19, giải VĐQG Thái Lan (Thai-League 1) sau 4 vòng đấu đầu tiên đã phải hoãn từ đầu tháng 3 tới giữa tháng 9-2020 mới có thể lăn bóng trở lại và phải tới 28-3-2021 mới kết thúc.

Đi cùng quyết định hoãn giải này, Liên đoàn bóng đá Thái Lan cùng ban tổ chức giải có hỗ trợ một phần tài chính giúp các CLB giảm thiệt hại tài chính, song không thấm là bao. Nhiều cầu thủ mất việc do bị CLB thanh lý hợp đồng, số còn lại bị cắt giảm thu nhập. Đổi lại, ban tổ chức và CLB trả đủ quyền lợi cho nhà tài trợ và giải đấu không bị huỷ bỏ.