Ước mơ của người dân nơi "ốc đảo"

ANTĐ - Thôn Đông Bình (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) từ lâu được xem như “ốc đảo” nằm biệt lập với những vùng xung quanh. Phương tiện duy nhất để người dân trong thôn trao đổi, liên lạc với bên ngoài là cây cầu phao Đông Bình bắc qua sông Duy Vinh (một nhánh của sông Thu Bồn). 

Tuy nhiên, trận lũ vào tháng 11 vừa qua đã cuốn trôi chiếc cầu khiến 400 hộ dân với gần 1.500 người dân thôn Đông Bình phải “lụy” đò để liên lạc với bên ngoài trong điều kiện khó khăn, bất tiện và đầy nguy hiểm. Mong mỏi có một cây cầu kiên cố là niềm mơ ước lớn lao từng ngày của người dân nơi đây.

Ông Nguyễn Văn Cường là người được sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Đông Bình, năm nay đã ngoài 70 tuổi, tay thoăn thoắt chẻ tre cùng cả làng nhưng những tâm sự ngược dòng của ông đã toát lên được cuộc sống đầy cơ cực của người dân nơi đây. Ngược dòng thời gian ông nói xưa Đông Bình không phải là “ốc đảo”, vùng đất này nối liền đến chợ Bàn Thạch nhưng rồi chiến tranh, bom đạn, thuỷ triều, sạt lở…nhiều yếu tố tác động đã cắt đứt Đông Bình với mọi vùng xung quanh và nằm lơ lửng giữa “3 sông” (sông Thu Bồn, sông Ly Ly và sông Trường Giang) từ bao đời nay.

Những người dân thôn Đông Bình gần như chưa một ngày được hưởng một cuộc sống trọn vẹn. Họ chỉ có thể mơ chứ không dám nghĩ đến  ngày “ốc đảo” sẽ có cầu, có nước sạch, có điện, đường,  trường, trạm…Mãi đến năm 1997 điện mới về làng, năm 2009 nước sinh hoạt mới có. Và rồi cây cầu tre được bắc qua sông cũng bị gãy đứt. Năm 2003 cây cầu phao được làm nên, người dân thôn Đông Bình muốn vượt sông Thu Bồn thường ngày vẫn đi qua cây cầu phao cũ kỹ. Thế nhưng, lũ lụt đã cuốn mất cây cầu “huyết mạch” này. Đông Bình trở lại là ốc đảo bởi nằm giữa 3 dòng sông. Cuộc sống người dân lại cơ cực vì không có cầu.

Ước mơ của người dân nơi "ốc đảo" ảnh 1

Ước mơ của người dân nơi "ốc đảo" ảnh 2
Người dân dầm mình dưới con nước bạc đắp đê sông

Đồng chi Huỳnh Văn Tuấn, trưởng Công an xã Duy Vinh cho biết người dân ở thôn này hầu hết sống bằng nghề nông và dệt chiếu. Hơn 50% số hộ dân trong thôn thuộc diện nghèo. Số còn lại cũng nằm ở diện... cận nghèo. “Sống bằng nghề nông nhưng không có đất sản xuất. Người dân muốn đi lại, làm ăn thì phải sang thôn khác bằng đò”.

Hiện nay, muốn sang sông, người dân Đông Bình phải dùng đò; mỗi lượt đi về tốn 4.000 đồng/người. Tuy nhiên, đò chỉ hoạt động từ 5 giờ sáng đến 19 giờ. “Quá lụy vào đò nhưng phương tiện này cũng chất chứa bao nguy hiểm. Nếu lỡ một chuyến đò thì người buôn bán lỡ buổi chợ, công nhân nghỉ làm, học sinh nghỉ học. Sợ nhất là những trường hợp người bị ốm đau khi qua đò phải mất hàng giờ nên rất nguy hiểm đến tính mạng” - bà Nguyễn Thị Đà, một người dân nơi đây, cho biết.

Hiện nay, UBND xã Duy Vinh có phương án xây cầu cho người dân thôn Đông Bình. Theo đó, sẽ đắp đập mỗi bên dài 100 m ra giữa sông, còn 100 m ở giữa sông làm cầu bê-tông rộng 2,5 m. Kinh phí cho cầu này khoảng 1,4 tỉ đồng. Người dân trong thôn phải đóng góp khoảng 300 triệu đồng, số còn lại UBND xã xin kinh phí từ cấp trên.

Trước những bức xúc của con em mà chính bản thân những người dân Đông Bình dù còn nghèo lắm, phải chạy ăn từng ngày nhưng cũng quyết tâm gom góp mỗi hộ gần 1 triệu đồng, 4 cây tre, góp công góp sức cùng nhau đắp đê sông. Mỗi ngày từ 30-40 người từ già đến trẻ, mỗi người một tay đóng tre, buộc bạt, đắp đất đê sông với mong mỏi cùng địa phương nhanh chóng có một cây cầu tạm bởi cho dù cố gắng của người dân không thể chống lại sự tàn phá của thiên nhiên mỗi mùa mưa bão.

Ông Phan Công Nhanh, Chủ tịch UBND Xã Duy Vinh, cho rằng việc vận động người dân đóng góp 300 triệu đồng rất khó thực hiện bởi người dân còn rất nghèo, chỉ đủ sống qua ngày thì làm gì có tiền đóng góp xây cầu.

Mơ về một chiếc cầu vượt sông Trường Giang là ước mơ bao đời nay của người dân thôn Đông Bình. Cuộc sống của 400 hộ dân đang bị đe doạ từng ngày, từng giờ, nhất là khi mùa lũ đang về. Trong khi chờ đợi dự án xây cầu được cấp trên chấp thuận thì những người dân vẫn lặng lẽ dầm mình dưới con nước bạc đắp sông và con đò xập xệ này hàng ngày vẫn “lặng lẽ” chở người qua sông mà không một lời “than vãn” với bao hiểm nguy rình rập.