Hiện tại vẫn chưa biết Quân đội Nga đã nhận bao nhiêu tổ hợp pháo tự hành M1989 Koksan từ Triều Tiên, cho dù hình ảnh vũ khí này trên đất Nga khi được vận chuyển bằng đường sắt đã được đăng tải.
Trước tình hình trên, câu hỏi đặt ra là làm sao lực lượng vũ trang Ukraine có thể chiến đấu chống lại pháo tự hành M1989 Koksan, cũng như loại vũ khí nào thích hợp nhất, cần phải yêu cầu các đồng minh viện trợ đã được báo chí nước này đặt ra.
Đầu tiên, cần lưu ý một vài đặc điểm kỹ chiến thuật cơ bản của M1989 Koksan: Tầm bắn 40 km với đạn thông thường và 60 km khi dùng đạn tăng tầm lắp tầng đẩy phụ, tốc độ bắn 2 phát trên 5 phút; số lượng đạn có thể mang theo vẫn chưa được xác định.
Để chiến đấu chống lại những tổ hợp pháo tự hành Koksan của Triều Tiên do Quân đội Nga sử dụng, Ukraine cần có những hệ thống vũ khí với đặc tính cao hơn cả về tầm bắn cũng như độ chính xác.
Theo gợi ý, hệ thống pháo phản lực dẫn đường M270 MLRS và M142 HIMARS có thể bắn tên lửa có độ chính xác cao GLMRS ở cự ly lên tới 84 km, về mặt lý thuyết đủ khả năng chống lại M1989 Koksan như một công cụ phản pháo.
Lực lượng vũ trang Ukraine còn sở hữu pháo tự hành 2S7 Pion cỡ 203 mm cũng như PzH 2000, Krab, CAESAR, Archer... có thể tấn công đối phương ở cự ly lên tới 40 km.
Ngoài ra, thông tin về pháo tự hành Koksan hiện chưa rõ ràng cả về mặt chỉ số định tính (chưa biết Nga có nhận được đạn tăng tầm hay không), cũng như về định lượng (Quân đội Nga sở hữu bao nhiêu tổ hợp pháo tự hành loại này từ Triều Tiên).
Do vậy trong bối cảnh trên, báo chí Ukraine nhận xét điều quan trọng là phải nhận được từ Hàn Quốc hệ thống pháo phản lực K239 Chunmoo, bởi tổ hợp MLRS này được thiết kế như một công cụ phản công để "đặc trị" pháo binh Triều Tiên.
Truyền thông Ukraine kết luận, khả năng pháo phản lực K239 Chunmoo đối đầu pháo tự hành M1989 Koksan trên chiến trường Ukraine và giành chiến thắng sẽ giúp nâng cao danh tiếng của vũ khí Hàn Quốc.
Viễn cảnh trên nếu xảy ra sẽ mang tới nhiều hợp đồng hơn cho Seoul khi vũ khí của họ chứng tỏ ưu thế vượt trội, bởi vậy Kyiv cần nhanh chóng vận động để được tiếp nhận vũ khí từ quốc gia Đông Bắc Á.
Đối với Chunmoo K239, đây là hệ thống pháo phản lực dẫn đường (MRLS) của Hàn Quốc, được Tập đoàn Hanwha Defense phát triển vào năm 2013 để thay thế loại K136 Kooryong đã lỗi thời.
Hệ thống Chunmoo K239 MRLS có thể bắn các loại đạn tên lửa với nhiều cỡ nòng khác nhau, giúp nó có tính linh hoạt cao trong việc sử dụng để tiêu diệt từng đối tượng cụ thể, đây là đặc tính nổi trội so với M142 HMARS hay M270 MLRS.
Chunmoo K239 được trang bị tên lửa cỡ 131 mm (K33), 230 mm (KM26A2), 239 mm (GPS-aided INS), 400 mm (GPS-aided INS) và 600 mm (KTSSM-II) với phạm vi hoạt động khác nhau, bắt đầu từ 36 km và đạt tới con số xa nhất là 290 km.
Tên lửa mới nhất và lớn nhất của hệ thống này - loại KTSSM-II đường kính 600 mm là một tên lửa đạn đạo chiến thuật đang được phát triển với tính năng tương tự MG-140 ATACMS của Mỹ.
Tổ hợp pháo phản lực dẫn đường này có trọng lượng 31 tấn, chiều dài 9 mét, được vận hành bởi kíp chiến đấu 3 người.