Ukraine tuyên bố tên lửa AGM-88 HARM phá hủy đài radar Nebo-M 'siêu khủng' của Nga

ANTD.VN - Đài radar Nebo-M cực kỳ tối tân của Nga theo thông báo từ phía Ukraine đã trở thành nạn nhân tên lửa AGM-88 HARM.

Tên lửa chống bức xạ AGM-88 HARM do tiêm kích MiG-29 của Không quân Ukraine phóng đi được thông báo là tác giả hạ gục đài radar Nebo-M có tính năng kỹ chiến thuật cực kỳ ưu việt của Quân đội Nga.

Bộ chỉ huy tác chiến phía Nam của Ukraine trong bản tóm tắt tình hình chiến sự hàng ngày cho biết, binh sĩ của họ đã phá hủy 4 hệ thống phòng không của Nga, bao gồm 2 tổ hợp S-300, một trạm radar dẫn đường - chiếu xạ, và một radar cơ động kiểu Nebo-M.

Sự kiện Ukraine tuyên bố phá hủy trạm radar Nebo-M xứng đáng được quan tâm đặc biệt, bởi vì nếu thông tin là chính xác, Nga đã mất đài radar hiếm có, được cho là có khả năng phát hiện tên lửa đạn đạo ở khoảng cách xa.

Nga chỉ bắt đầu sản xuất hàng loạt radar Nebo-M vào năm 2012, số lượng trạm radar loại này đã xuất xưởng không được tiết lộ nhưng có lẽ rất hạn chế bởi giá thành cao.

Theo nguồn mở, vào năm 2017, radar Nebo-M bắt đầu được các đơn vị phòng không thuộc Quân khu Trung tâm của Lực lượng vũ trang Nga tiếp nhận, khí tài này được bố trí chủ yếu theo hướng khu vực Ural và Bắc Cực.

Hệ thống radar 55Zh6M Nebo-M đặt trên khung gầm xe tải BAZ 8x8 trọng lượng 24 tấn, có khả năng định vị, phân biệt được mục tiêu là máy bay hay tên lửa, cũng như hoạt động được một cách hoàn toàn độc lập và tự động.

Tổ hợp bao gồm khối thiết bị điện tử, một dàn ăng ten dạng cột và một xe điều khiển. Ngoài ra còn có xe phát điện 19U6 cùng cáp nguồn nối với xe điều khiển và hệ thống điều khiển tự động, bộ dụng cụ sửa chữa và phụ tùng thay thế.

Đài radar Nebo-M có thể vận hành trong mọi điều kiện khí hậu có nhiệt độ từ -50 đến 50°C, độ ẩm không khí tới 98% và tốc độ gió tới cấp 6 (45 m/s), tại độ cao 1.000 m so với mực nước biển.

Hệ thống radar này có thể phát hiện ra các khí cụ bay có diện tích phản xạ radar 2,5 m2, khi bay ở khoảng cách 65 km với độ cao trên 500 m hoặc khoảng cách 310 km với độ cao trên 10.000 m.

Đối với tên lửa hành trình siêu âm có diện tích phản xạ radar 0,9 m2, nó có thể phát hiện ra mục tiêu ở khoảng cách 250 km nếu tên lửa bay ở độ cao trên 10.000 m và 300 km nếu tên lửa bay trên 20.000 m.

Các chuyên gia không loại trừ khả năng radar Nebo-M đang đảm nhiệm vai trò như một phần của hệ thống phòng không S-300, nhằm sẵn sàng đánh chặn tên lửa MGM-140 ATACMS của lực lượng vũ trang Ukraine.

Theo báo chí Ukraine, có vẻ như quân Nga đã quá sợ hãi trước viễn cảnh có sự xuất hiện của tên lửa ATACMS trong thành phần tác chiến của lực lượng vũ trang Ukraine, ngay cả khi báo cáo về điều này chưa được xác nhận.

Nga đã phải điều động những đài radar hiếm hoi của mình từ các vị trí ngoài Ural và ở Bắc Cực ra trận. Nhưng thay vì ATACMS, lính Nga lại phải đối diện tên lửa chống bức xạ AGM-88 HARM và họ phải chịu thiệt hại nặng nề.

Theo thông báo từ phía Mỹ, họ đã chỉnh sửa một số tiêm kích MiG-29 của Không quân Ukraine để chúng có thể mang phóng tên lửa AGM-88 HARM, đây nhiều khả năng là máy bay mà Kyiv nhận từ các đồng minh trong NATO.