Ukraine nói Nga chỉ còn 120 tên lửa Iskander-M sau các cuộc tập kích dồn dập

ANTD.VN - Cơ quan tình báo Ukraine nói rằng, Nga dường như đã sử dụng phần lớn kho tên lửa đạn đạo Iskander-M sau khi thực hiện các cuộc tập kích quy mô lớn vào các mục tiêu của phía Kiev. Hiện Mosccow chưa bình luận về thông tin trên.
Vadym Skibitskyi, quan chức Cục tình báo chính của Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, Nga được cho đã sử dụng 80% kho dự trữ tên lửa Iskander-M trong các cuộc tập kích diện rộng nhằm vào nước láng giềng trong thời gian qua.
Theo quan chức trên, Nga dường như chỉ còn lại khoảng 120 quả tên lửa loại này.

Ngoài ra, ông Skibitskyi cho biết, cơ quan tình báo Ukraine đã nắm được thông tin về nghi vấn rằng Nga dường như có kế hoạch mua tên lửa đạn đạo Fateh-110 và Zolfaghar từ Iran và chuyển tới Crimea bằng đường hàng không và biển Caspi của Nga qua đường biển.

"Chúng tôi biết rằng 2 bên đã đạt được thỏa thuận", quan chức trên nói.

Nga chưa bình luận về thông tin mà Ukraine cung cấp.

Hồi tháng 8/2022, Ukraine từng nhận định Nga đang dần cạn tên lửa hành trình tấn công mặt đất 3M14 Kalibr, trong khi tên lửa hành trình tầm ngắn 9K720 Iskander-M chỉ còn khoảng 20%.
Tuy nhiên, tới tháng 10, Nga đã mở chiến dịch tập kích trên diện rộng sử dụng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) tự sát tấn công ồ ạt các mục tiêu quân sự, năng lượng, thông tin liên lạc của Ukraine, khiến phía Kiev chịu thiệt hại nặng nề.

Theo The Drive, một số thông tin cho thấy Nga có thể đang thiếu tên lửa tấn công mặt đất. Bằng chứng là, Nga dường như đã sử dụng tên lửa chuyên dùng tấn công máy bay như S-300 hay các tên lửa chống hạm từ thời Chiến tranh Lạnh để thực hiện nhiệm vụ phá hủy các mục tiêu đất liền của Ukraine.

Việc bù đắp nhanh chóng kho tên lửa tấn công mặt đất có thể sẽ là thách thức cho Nga khi các lệnh trừng phạt của phương Tây tác động lên lĩnh vực sản xuất công nghệ cao của Moscow.
Tổ hợp tên lửa 9K720 Iskander-M được thiết kế để thay thế các tổ hợp tên lửa 9K79-1 Tochka-U đã lỗi thời. Chúng được thiết kế để tạo sức mạnh răn đe trước đối thủ.
Cho tới thời điểm hiện tại, Iskander-M được coi là loại tên lửa đạn đạo chiến thuật mạnh nhất của Nga hiện nay, cũng như của thế giới.
Hiện Mỹ và các nước phương Tây vẫn chưa có loại tên lửa tương đương. Các loại tên lửa hiện có của Mỹ thường có tầm bắn ngắn hơn, cũng như sức công phá nhỏ hơn.
Trong khi tên lửa Iskander-M được coi là biểu tượng sức mạnh của lục quân Nga trước các đối thủ.
Bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu mà Nga triển khai loại vũ khí này tới, đều nhận được chú ý đặc biệt của Mỹ và các nước phương Tây.
Tầm bao quát của loại vũ khí này khi đặt tại Nga có thể bao phủ cả Đức, Ba Lan và một số quốc gia châu Âu khác.
Tên lửa Iskander (định danh NATO gọi là SS-X-26), là tên lửa đạn đạo cấp chiến dịch - chiến thuật hiện đại nhất được trang bị trong quân đội Nga hiện nay.
Loại tên lửa này chính thức đi vào biên chế quân đội Nga từ năm 2006.
Khác hoàn toàn với tất cả các chủng loại tên lửa đạn đạo đã từng được biết đến trước đó, “kẻ hủy diệt đến sau” - tên lửa Iskander được chế tạo trên cơ sở công nghệ “tàng hình” độc đáo của riêng người Nga – công nghệ tàng hình plasma.
Toàn bộ hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander bao gồm 6 thành phần chính đặt trên các xe tải chuyên dụng.
Đạn tên lửa Iskander được đặt trên xe cơ động, với mỗi xe mang được 2 tên lửa.
Có ba biến thể sửa đổi, đó là biến thể Iskander-E cho xuất khẩu, đạt tầm bắn tối đa 280 km, tầm bắn tối thiểu 50 km.
Biến thể Iskander-M được quân đội Nga sử dụng, có tầm bắn lên tới 500 km.
Trong khi phiên bản Iskander-K có thể đạt tầm bắn tới 1.000km.
Xe mang phóng tên lửa được đặt trên khung gầm xe tải hạng nặng MZKT-7930. Xe tải hạng nặng vốn được dùng để chuyên chở các loại vũ khí lớn, bao gồm cả một số phiên bản S-300, lẫn S-400.
Xe trang bị động cơ YaMZ-864 có công suất 500 mã lực, cho phép vận tốc tối đa khi hành tiến trên đường nhựa là 70km/h và 40km/h khi chạy trên đường địa hình. Tầm hoạt động lên tới 1.000km.
Đạn tên lửa của hệ thống Iskander-M có trọng lượng 3,8 tấn, chiều dài 7,3m và đường kính 0,93mm. Trong khi đó loại đạn dành cho phiên bản Iskander-K có trọng lượng cũng như kích thước nhỏ hơn.
Để di chuyển đạn thuộc phiên bản Iskander-M, mỗi xe chở đạn được trang bị một cần cẩu chuyên dụng.
Sau khi nhấn nút, quả đạn lao vút lên với vận tốc cực lớn. Tên lửa được trang bị đầu đạn nặng tới 700 kg, phiên bản xuất khẩu đầu đạn rút xuống chỉ còn đầu đạn nặng 480 kg.
Tên lửa Iskander kết hợp nhiều phương thức dẫn đường và điều khiển như: dẫn đường bằng ảnh vệ tinh GPS/GLONASS và điều khiển quán tính trên đường bay.
Khi chỉ dẫn đường và điều khiển bằng quán tính, sai số mục tiêu ở khoảng cách 280km là 30 mét, còn khi sử dụng điều khiển kết hợp cả ảnh vệ tinh và quán tính, sai số chỉ khoảng 2 m.
Thời gian để hệ thống triển khai chiến đấu chỉ mất 2 phút, và chỉ 10 giây sau khi phóng là nó đã hoàn tất các nội dung công việc phức tạp, bao gồm: xác định điểm phóng, tính toán tham số đường bay, đầu dẫn quang học rà soát xong các thông tin địa hình, địa vật.
Đầu dẫn quang học của tên lửa (đoạn cuối phối hợp thêm ảnh vệ tinh hoặc các phương tiện truyền dẫn số liệu trinh sát trên không, trên mặt đất) có thể hoạt động tốt trong điều kiện đêm tối và nhiễu điện từ dày đặc.
Iskander-M có đầu đạn dạng chùm, đầu đạn mẹ chứa 54 đầu đạn con, có thể mang 10 loại đầu đạn khác nhau.
Trong đó có đầu đạn phá; đầu đạn xuyên thép để chống xe thiết giáp; đầu đạn cassette có lắp các bộ phận tự tìm mục tiêu để chống xe tăng; đầu đạn xuyên boong ke, hầm ngầm; đầu đạn cháy chống bộ binh.
Ngoài ra còn có đầu đạn xung điện từ (để phá vỡ và đốt cháy các công trình điện, điện tử, các hệ thống máy tính…)
Tại chiến trường Ukraine, Nga triển khai cả hai biến thể Iskander-M và Iskander-K để tập kích vào quân đội Ukraine.
Với sức công phá lớn, độ chính xác cao, đây là loại vũ khí của Nga khiến cho Ukraine tổn thất không ít.