Ukraine không còn khả năng chế tạo bất kỳ máy bay Ruslan nào

ANTD.VN - Đối với phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp trong "không gian hậu Xô Viết", sự tan rã của Liên Xô, trên thực tế đã trở thành một "bản án", trong đó Antonov cũng chẳng phải ngoại lệ.

Antonov - Nhà sản xuất toàn bộ dòng máy bay chở hàng và chở khách như An-2 Colt, An-22 Antey, An-225 Mriya cũng như nhiều loại phi cơ khác đã nhanh chóng nhận thấy mình đang đứng bên bờ vực của sự sống còn.

Có lẽ lý do chính bắt nguồn từ mối quan hệ với Nga đang suy yếu và rạn nứt nhanh chóng. Một trong những ví dụ rõ ràng nhất cho thấy sự phát triển của Antonov chỉ có thể thực hiện trong khuôn khổ hợp tác khoa học và công nghiệp với Moskva chính là vận tải cơ An-124 Ruslan.

Quyết định tạo ra An-124 bắt nguồn từ việc Liên Xô có nhu cầu trang bị một dòng máy bay vận tải trọng lượng lớn, dự án chính thức được thông qua vào năm 1960.

An-124 đã huy động một số lượng lớn chưa từng có các chuyên gia và doanh nghiệp trong toàn Liên bang Xô Viết tham gia vào việc chế tạo nó. Trong quá trình thiết kế và sản xuất, lần đầu tiên một chương trình mục tiêu toàn diện đã được áp dụng để cải tiến tất cả các bộ phận của máy bay.

Việc trực tiếp lắp ráp An-124 được giao cho hai nhà máy đặt tại Ulyanovsk và Kiev. Tổng cộng cho đến năm 1994, họ đã cung cấp 40 chiếc Ruslan, được sử dụng trong cả vận tải quân sự và dân sự.

Những "bước đi" đầu tiên của An-124 được đánh dấu bằng việc thiết lập hàng loạt kỷ lục thế giới, khiến nó trở thành một trong những vận tải cơ có triển vọng và được yêu cầu nhiều nhất trong cùng phân lớp.

Tuy nhiên các sự kiện của năm 2014, kết thúc bằng sự rạn nứt cuối cùng của mối quan hệ giữa Nga và Ukraine khiến việc sản xuất thêm An-124 là không thể.

Cách đây ít lâu, trong một cuộc phỏng vấn, Tổng giám đốc Antonov - ông Sergei Bychkov đã thẳng thắn tuyên bố: “Bạn có thể chấm dứt thời kỳ Ruslan”. Cụ thể, Ukraine không còn khả năng chế tạo bất kỳ loại máy bay nào như vậy.

Lý do mà ông Bychkov đưa ra rất đơn giản - cơ sở cho việc sản xuất những cỗ máy này trước đây thuộc quyền quản lý của Doanh nghiệp Nhà nước Antonov, nay đã hoàn toàn vắng bóng.

Đã có lúc do sự hấp tấp và thiếu suy tính, các hành động trái quy định của ban lãnh đạo doanh nghiệp lúc bấy giờ dẫn tới việc tất cả thiết bị máy móc cần thiết đều bị phá hủy và mang bán phế liệu.

Hơn nữa, những chiếc Ruslan được thiết kế vào những năm 60 của thế kỷ trước đã được tạo ra dựa trên những thành tựu đạt được sau đó của ngành hàng không.

Ngày nay để có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới, họ cần đưa ra sự hiện đại hóa mang tính quyết định nhất, có tính đến những phát triển hiện tại trong lĩnh vực này.

Thực tế trên đòi hỏi cơ sở khoa học, kỹ thuật và năng lực sản xuất, trong khi Antonov bị nhà nước Ukraine bỏ mặc cho số phận, ngày nay doanh nghiệp không có được tiềm lực như dưới thời Liên Xô.

Để thực hiện những phát triển liên quan, việc triển khai, thử nghiệm và "tinh chỉnh" đến mức có thể trở thành cơ sở để tạo ra các máy bay mới, hoặc ít nhất là cải tiến căn bản của các mẫu cũ thì những khoản đầu tư tài chính khổng lồ là vô cùng cần thiết.

Chẳng hạn những dự án về “hợp tác với các tập đoàn chế tạo máy bay thế giới” như với công ty Boeing của Mỹ mà chính quyền Kiev từng đặt rất nhiều kỳ vọng cuối cùng chỉ là những giấc mơ trống rỗng.

Phương Tây hoàn toàn không quan tâm đến việc giải cứu và hỗ trợ đối thủ cạnh tranh tiềm năng. Phương hướng thực sự duy nhất cho sự sống còn của Antonov là nối lại hợp tác với Nga lại không thể vì lý do chính trị. Đây rõ ràng là một ngõ cụt.

Doanh nghiệp đã sản xuất hàng nghìn chiếc máy bay vận tải trong những năm thuộc Liên Xô, chỉ tạo ra 22 chiếc trong giai đoạn từ 2009 đến 2019. Sau năm 2016, không một phi cơ nào rời khỏi dây chuyển lắp ráp của Antonov.

Công việc tốt nhất mà doanh nghiệp có thể thực hiện vào lúc này là buộc phải kéo dài tuổi thọ của các máy bay cũ, nhưng điều này mang lại giá trị thấp và không có tính chất lâu dài.