Ukraine gặp rắc rối lớn khi đầu tự dẫn tối mật của tên lửa HIMARS lọt vào tay Nga?

ANTD.VN - Nga đã thu được phần đầu tự dẫn của tên lửa GMLRS thuộc tổ hợp HIMARS và chi tiết này đã được mang về để nghiên cứu.

Thông qua việc thu giữ được chiến lợi phẩm là đầu tự dẫn của tên lửa GMLRS trang bị cho tổ hợp M142 HIMARS, Nga có thể tìm sẽ ra cách khắc chế thứ vũ khí vô cùng lợi hại nói trên.

Báo chí Nga mới đây đăng tải thông tin cho biết, một tên lửa GMLRS do Mỹ sản xuất đã rơi vào tay Quân đội Nga - loại đạn này được sử dụng trên hệ thống pháo phản lực dẫn đường M142 HIMARS (MLRS).

Loại vũ khí cực kỳ đáng sợ nói trên, như đã biết, được sử dụng tích cực bởi Quân đội Ukraine. Nhiều tổ hợp MLRS như vậy và hàng nghìn tên lửa cho chúng đã được phía Mỹ cung cấp như một phần của gói hỗ trợ quân sự cho chính quyền Kyiv.

Theo các nguồn tin khác nhau (đặc biệt là từ kênh Telegram có tên Boris Rozhin), phần đầu tự dẫn trên tên lửa GMLRS của tổ hợp HIMARS đã được các cơ quan đặc nhiệm của Nga tiếp nhận "thông qua một kênh bí mật".

Thậm chí còn có thông tin cho rằng đây không phải là một quả đạn được sử dụng trên chiến trường Ukraine, mà cơ quan tình báo Nga đã tận dụng quan hệ của mình để mua từ một nước thứ ba về nhằm nghiên cứu.

Nhận định trên tỏ ra tương đối có cơ sở, bởi căn cứ theo tấm ảnh mà truyền thông nhà nước Nga công bố, dễ dàng nhận thấy phần đầu tự dẫn của quả đạn không bị bất cứ một thiệt hại nào, khác hẳn với một quả đạn không nổ do gặp lỗi.

Hiện tại, báo chí Nga chỉ rõ rằng tên lửa do Mỹ sản xuất đã được giao cho một trong các văn phòng thiết kế của nước này, nơi có đủ khả năng truy cập vào "kho dữ liệu" của nó. Việc nghiên cứu sẽ được các chuyên gia Nga tìm hiểu kỹ lưỡng.

Trước thực tế trên, có ý kiến ​​cho rằng trong tương lai gần, có thể xuất hiện cả một loạt những biện pháp đầy đủ hiệu quả để chống lại các loại đạn tên lửa trang bị cho HIMARS, thậm chí cả những loại lớn hơn như ATACMS khi công nghệ dẫn đường của chúng là tương đồng.

Nhưng bên cạnh đó cũng có nhận xét cho rằng Nga khó lòng khai thác được bí mật của tên lửa GMLRS chỉ thông qua việc thu được đầu tự dẫn, bởi mức độ bảo mật công nghệ của vũ khí do Mỹ chế tạo là rất cao.

Ví dụ điển hình được nêu ra đây chính là trường hợp tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin cũng như tên lửa phòng không vác vai FIM-92 Stinger, khi quân Nga cũng đã thu được khá nhiều quả đạn trong tình trạng nguyên vẹn.

Nhưng bất chấp đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, Nga vẫn không có cách nào bảo vệ xe tăng cũng như máy bay của mình khỏi đầu tự dẫn của những quả đạn tên lửa tối tân do Mỹ chế tạo, họ vẫn phải dùng giải pháp đơn sơ như hàn mái che trên nóc tháp pháo.

Về phần Ukraine, các quan chức quân sự cấp cao nước này cũng tỏ ra không một chút lo lắng trước thông tin Nga có thể sẽ khai thác được bí mật của tên lửa GMLRS để từ đó tìm ra cách khắc chế.

Yêu cầu duy nhất của Ukraine chỉ là Mỹ và đồng minh hãy cung cấp cho họ thêm nhiều tổ hợp HIMARS nữa, cùng với đủ cơ số đạn đi kèm để tiếp tục duy trì những cuộc tấn công vào căn cứ hậu cần của đối phương.

Hiệu quả của đạn tên lửa GMLRS trang bị cho tổ hợp pháo phản lực dẫn đường HIMARS rõ ràng không phải bàn cãi, đây thực sự là vũ khí mang tới bước ngoặt trong những cuộc giao tranh trên chiến trường Ukraine.