Ukraine "đe" cấm cựu Tổng thống Liên Xô đặt chân vào châu Âu

ANTĐ - Cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine Anton Gerashchenko vừa cho hay, chính quyền nước này sẽ cố gắng ngăn chặn cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev đặt chân tới châu Âu, sau khi ông Gorbachev nói rằng ông ủng hộ sự “đoàn tụ” của bán đảo Crimea với Nga.

Trước đó, vào sớm ngày 22-5-2016, tờ nhật báo Sunday Times của Anh đã đăng tải bài phỏng vấn với nhà cựu lãnh đạo Xô Viết, trong đó ông Gorbachev lên tiếng ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý năm 2014 dẫn đến kết quả là người dân Crimea chọn rời Ukraine để sáp nhập vào Nga.

“Chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác châu Âu của mình thông qua những kênh ngoại giao có thể để đảm bảo rằng, ông ta [Gorbachev] không được chào đón ở châu Âu, đồng thời quỹ tài trợ của ông ta vốn kích động sự thù hằn giữa Nga và Ukraine sẽ không nhận được đầu tư”, vị cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine Gerashchenko bày tỏ.

Dù không còn ở vị trí quyền lực, cựu Tổng thống Liên Xô Gorbachev vẫn được rất nhiều tờ báo săn đón và phỏng vấn quan điểm chính trị

Lúc trước, ông Gorbachev đã nói với báo giới là ông “luôn luôn tôn trọng ý chí tự do của con người, và hầu hết người dân ở Crimea muốn đoàn tụ với Nga”. Vị cựu tổng thống Liên Xô này cũng nói rằng mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và phương Tây có thể được giải thích bằng sự ngạo mạn mà Mỹ thể hiện trong thời kỳ hậu Xô Viết.

Theo ông Gorbachev, Washington đã quá thích thú với ý nghĩ “chúng tôi giành chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Lạnh”, và “hiện giờ chúng tôi là ông chủ của thế giới”. Ông Gorbachev cũng cáo buộc Mỹ không hề có ý định giúp đỡ Nga phát triển nền dân chủ ổn định và mạnh mẽ trong kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh.

Trong cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức hồi tháng 3-2014, có tới hơn 96% số người dân ở Criema bỏ phiếu ủng hộ việc tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga. Điều này là dễ hiểu, bởi phần lớn người dân tại đây tự nhận mình thuộc dân tộc Nga, và nói tiếng Nga như ngôn ngữ mẹ đẻ.

Trong khi đó, Ukraine vẫn tiếp tục coi Crimea là “lãnh thổ tạm thời bị chiếm đóng” của họ - và quan điểm này được một số quốc gia phương Tây ủng hộ. Còn Nga khẳng định quy trình sáp nhập Crimea hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế.