- Châu Á trước “bão” heroin nhiều màu sắc
- IS “cung ứng” 50% số heroin vào châu Âu
- Bắt giữ tàu buôn lậu heroin lớn nhất trong lịch sử
Brian, một thanh niên Nigeria 29 tuổi vốn đang học ngành thú y tại một trường đại học thì bỏ ngang, tham gia vào đường dây buôn lậu heroin với phí vận chuyển mỗi chuyến lên tới 5.000 USD.
Đầu tiên, Brian phải đến đảo Zanzibar của Tanzania để lấy heroin. Một người đàn ông Arập đã đưa 1kg thuốc cho Brian trong một phòng khách sạn ở Zanzibar. Trong 15 phút, Brian phải nuốt 100 viên heroin được bọc cứng như đá cùng với nước. Anh không hề biết rằng việc này có thể cướp đi mạng sống của anh.
“Mỗi điểm đến sẽ có người chỉ dẫn bước tiếp theo, phải đi tới đâu”, Brian kể. Sau đó, Brian đi xe buýt liên tục 48 giờ từ Tanzania qua Burundi, Cộng hòa Congo rồi tới Uganda. Những viên thuốc này sẽ được đóng gói lại và chuyển sang châu Âu trên tuyến đường vận chuyển heroin mới qua Đông Phi tới châu Âu. Brian Ameto đã tham gia vận chuyển ma túy 4 năm cho tới khi bị bắt năm 2014 và chịu 9 tháng tù giam, không phải vì tội buôn lậu mà do tàng trữ lượng cocain nhỏ tại một câu lạc bộ đêm. Trong vòng 4 năm đó, anh ta vận chuyển khoảng 70kg ma túy.
Độ an toàn hiếm có
Liên hợp quốc ước tính mỗi năm có tới 70.000 kg heroin được buôn lậu từ Afghanistan tới châu Âu. Heroin từ Afghanistan được tập kết tại vùng bờ biển Makran của khu vực Baloschistan, Pakistan. Sau đó nó được giấu trong những chiếc thuyền đánh cá truyền thống để chuyển qua Ấn Độ Dương sang Đông Phi.
“Vấn đề đáng lo ngại vì các băng nhóm buôn lậu đã có được một tuyến đường hoàn hảo không có lực lượng thực thi pháp luật nào ngăn chặn được”.
Ông Shanaka Jayasekara - Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC)
“Tuyến đường phía nam” là cái tên mà người ta vẫn gọi cho tuyến đường buôn lậu ma túy nói trên, bây giờ nó được xem là con đường chính để heroin Afghanistan đổ vào châu Âu. Tuyến đường này giúp cho kẻ buôn lậu có được sự an toàn hiếm có bởi ngay cả khi bị bắt trong vùng biển quốc tế, lực lượng tuần tra chống buôn lậu ma túy và vũ khí thuộc Các lực lượng hải quân kết hợp của 31 nước (CMF) cũng không thể bắt giữ hay truy tố. Thuốc phiện được phân tích sau đó đổ xuống biển, thuyền và người sẽ được thả tự do.
Khối lượng ma túy được buôn lậu bằng thuyền trên Ấn Độ Dương đã tăng mức kỷ lục gần đây. Năm 2014, một tàu chiến của Australia đã bắt giữ hơn 1 tấn ma túy của các thuyền đánh cá ngoài khơi bờ biển phía Đông châu Phi. Trong vòng 4 năm qua, CMF đã bắt được 9.736,6 kg heroin. Con số đó chỉ là một phần nhỏ trong nguồn hàng tuồn vào Đông Phi.
Ngoài bờ biển Đông Phi, heroin được chuyển từ thuyền gỗ lên xuồng máy ở vùng biển quốc tế và mang tới Kenya, Tanzania hay gần đây là đến cả Mozambique và Madagascar. Thuốc sẽ được chia nhỏ để rồi buôn lậu sang châu Âu.
“Điểm nóng” Đông Phi
Theo Cục chống ma túy của lực lượng cảnh sát Uganda, sân bay Entebbe đã trở thành điểm vận chuyển chính cho hoạt động buôn lậu heroin và cocain tới châu Âu và châu Á. Theo ông Tinka Zarugaba, thuộc cơ quan này, năm qua họ chỉ phát hiện được 20kg heroin và đây chỉ là một phần rất nhỏ so với lượng ma túy buôn lậu vì lực lượng thực thi pháp luật còn mỏng, được đào tạo kém và còn nhận hối lộ.
Những kẻ buôn lậu còn lợi dụng luật pháp lỏng lẻo của Uganda, theo đó dù bị bắt với số lượng ít hay nhiều thì chỉ cần bỏ ra 300 USD tiền phạt là được thả tự do. Tuy nhiên, theo ông Zarugaba, các nhà chức trách Uganda đang tăng cường pháp luật, trang bị thêm cho lực lượng an ninh, tuyên truyền cho người dân về mối nguy hiểm của việc buôn lậu và sử dụng ma túy.
Trong khi đó, Liên hợp quốc cũng cảnh báo rằng những kẻ buôn lậu đang tăng cường sự ảnh hưởng của mình ở Đông Phi và đe dọa đời sống chính trị, an ninh và mạng sống của người dân nơi đây.