Từ 1-7: Áp dụng hàng loạt quy định mới về nhập hộ khẩu vào nhà người thân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Luật Cư trú 2020, từ 1-7, quy định về cơ quan đăng ký thường trú, việc nhập hộ khẩu vào nhà người thân sẽ có nhiều thay đổi đáng chú ý.

Theo quy định hiện hành, việc nhập hộ khẩu về các tỉnh không cần đến mối quan hệ người thân. Công dân chỉ cần có chỗ ở hợp pháp và được đồng ý cho thuê, mượn, ở nhờ thì được nhập khẩu. Với thành phố trực thuộc Trung ương phát sinh trường hợp nhập hộ khẩu về nhà người thân nếu được người có sổ hộ khẩu đồng ý và thuộc một số trường hợp nhất định.

Còn theo khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú 2020, việc nhập hộ khẩu về nhà người thân được thực hiện đối với tất cả tỉnh, thành trong các trường hợp sau (nếu chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý): Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;

Người cao tuổi về ở với anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột; người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không có khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột, người giám hộ;

Người chưa thành niên được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý hoặc không còn cha, mẹ về ở với cụ nội, cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; người chưa thành niên về ở với người giám hộ.

Từ 1-7, việc nhập hộ khẩu vào nhà người thân sẽ có nhiều thay đổi

Từ 1-7, việc nhập hộ khẩu vào nhà người thân sẽ có nhiều thay đổi

Như vậy, Luật Cư trú mới đã bổ sung thêm một số trường hợp được nhập hộ khẩu về nhà người thân như: Người cao tuổi về ở với cháu ruột; người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không có khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức về ở với ông, bà nội ngoại; Người chưa thành niên được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về ở với người thân…

Ngoài ra, Luật mới cũng thay đổi một số đối tượng về ở với người thân. Bên cạnh đó, đối tượng người thành niên độc thân về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột cũng đã bị bãi bỏ

Đặc biệt, từ 1-7 thủ tục nhập hộ khẩu về nhà người thân cũng được đơn giản hóa, thời gian giải quyết đăng ký thường trú chỉ còn 7 ngày làm việc thay vì 15 ngày như Luật cũ.

Ngoài nội dung trên, từ 1-7 sẽ có sự thay đổi về cơ quan đăng ký thường trú. Khoản 4 Điều 2 Luật Cư trú 2020 nêu rõ, cơ quan đăng ký cư trú là cơ quan quản lý cư trú trực tiếp thực hiện việc đăng ký cư trú của công dân, bao gồm Công an xã, phường, thị trấn; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, khi làm thủ tục đăng ký thường trú, cơ quan công an có thẩm quyền thực hiện là: Công an huyện, quận, thị xã (với thành phố trực thuộc Trung ương); Công an xã, thị trấn thuộc huyện, công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh (với tỉnh)

Như vậy, theo quy định này, từ 1-7, cơ quan đăng ký thường trú của công dân là công an xã, phường, thị trấn. Chỉ riêng ở các thành phố trực thuộc Trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã thì thẩm quyền thuộc về công an huyện, quận, thị xã, thành phố.