Truyền máu nhiễm HIV: Sự tắc trách chết người

ANTĐ - Ngày 20-2-2013 vừa qua, CNN đưa tin Bệnh viện đa khoa Jazan tại Ả Rập Xê Út đã phạm phải sai lầm vô cùng nghiêm trọng khi truyền máu nhiễm HIV cho một bệnh nhân 13 tuổi. Điều khủng khiếp là đây không phải lần đầu tiên xảy sự việc đau đớn này. Trước đó, sai lầm chết người đã từng xảy ra ở những nước vẫn được biết đến là có nền y học phát triển, có dịch vụ chăm sóc bệnh nhân cẩn thận, chu đáo như: Pháp, Nhật Bản hay Trung Quốc với số lượng nạn nhân đến con số hàng nghìn.

Truyền máu nhiễm HIV khiến cho nhiều người trở thành “nạn nhân” của căn bệnh thế kỷ

Bộ trưởng Bộ y tế từ chức, sa thải 7 nhân viên y tế

Ngày 12-2-2013, bé Reham al-Hakimi được gia đình đưa đến Bệnh viện thành phố Jizan, phía Tây Nam Ả Rập Xê Út để truyền máu, vì căn bệnh thiếu hồng cầu hình liềm. Tuy nhiên, chỉ một giờ sau, nhân viên bệnh viện đã thông báo cho gia đình bệnh nhân một tin sét đánh rằng họ đã truyền máu nhiễm HIV cho bé. Họ thật sự xin lỗi về sự bất cẩn này. Ngay sau tin sốc, Reham đã được chuyển đến Bệnh viện King Faisal Specialist ở Thủ đô Riyadh bằng máy bay để làm các xét nghiệm. Đến nay, vẫn chưa có thông tin về việc liệu em có nhiễm HIV hay chưa. 

Trường hợp của cô bé Reham đã dẫn đến một làn sóng phản ứng mạnh mẽ tại Vương quốc Hồi giáo, trên các trang mạng xã hội và phương tiện truyền thông. Hội Nhân quyền Quốc gia (NSHR) đã yêu cầu các nhà chức trách tiến hành điều tra nghiêm túc vụ việc và tuyên bố sẽ đấu tranh đòi công lý xứng đáng cho nạn nhân cùng gia đình, đồng thời kêu gọi các nhà chức trách bắt giữ các nhân viên y tế có dính líu. Ngày 17-2 vừa qua, Bộ trưởng Y tế Abdullah al-Rabiah phải từ chức, đồng thời, Bộ Y tế cũng đã sa thải 7 quan chức y tế cấp cao tại Jazan. Bộ Y tế tiếp tục mở những cuộc điều tra có liên quan để tìm nguyên nhân dẫn đến sai lầm chết người trên.

Liên quan đến công tác điều tra, CNN dẫn lời Mohammed Almadi thuộc Ủy ban Nhân quyền của chính phủ Ả Rập Xê Út, cơ quan đang điều tra vụ việc, xác nhận rằng, vụ bê bối là do hành động “tắc trách”. Trong khi đó, tờ tin tức Saudi Gazette của Ả Rập Xê Út dẫn báo cáo của NSHR cho biết, trình độ năng lực yếu kém của đội ngũ y, bác sĩ cũng như việc không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong việc hiến máu, xét nghiệm máu của bệnh viện đa khoa Jazan là nguyên do tại sao một sai phạm nghiệm trọng như vậy xảy ra. Hiện, Bộ Y tế nước này đã buộc Bệnh viện đa khoa Jazan ngừng tất cả các hoạt động hiến máu để bảo đảm an toàn. 

Eham al-Hakami đang chờ kết quả xét nghiệm có dương tính với HIV hay không

Sự tắc trách đã có tiền lệ

Điều đáng nói là sự việc truyền nhầm máu nhiễm HIV không chỉ xảy ra với bé Reham ở Ả Rập Xê Út. Ở Pháp, vào giữa thập niên 80 của thế kỷ XX xảy ra một vụ scandal chấn động khi Trung tâm truyền máu quốc gia Centre National de Trasfusion Sanguine (CNTS) đã sử dụng máu nhiễm HIV, làm cho khoảng 4.000 - 5.000 bệnh nhân bị chảy máu, mất máu lây nhiễm HIV. Khi sự việc xảy ra, giới quan chức tìm mọi cách bưng bít, xoa dịu dư luận. Nhưng một scandal liên quan đến 5.000 bệnh nhân như thể không thể giấu nổi được mãi khi nhà báo Anne-Marie Casterest công bố bài viết trên tạp chí L’Evenement de Jeude số ra tháng 4-1999. Những con số, những nhân chứng sống, các chi tiết liên quan. Tính đến tháng 3-1999, có 625 người trong số 1.348 người bị bệnh chảy máu bị tử vong. Sự việc có bị đưa ra tòa án truy tố, nhưng kết cục thì chẳng ai bị kết tội. Bộ trưởng y tế khăng khăng đổ lỗi cho khách quan, đặc biệt là kỹ thuật sàng lọc máu không đồng bộ, mỗi phương pháp thử test lại có yêu cầu khác nhau, không thống nhất. Trong hồ sơ truy tố, các cơ quan điều tra, giám định chỉ trích các nhân viên của CNTS đã đi quyên góp nguồn máu có rủi ro nhiễm bệnh cao, kể cả máu của tù nhân. Theo thống kê, có tới 10% tù nhân nghiện hút nên tỷ lệ nhiễm bệnh rất cao và cả những người làm nghề tự do nên rủi ro truyền bệnh là rất lớn. Tuy nhiên, bằng chứng này chưa đủ để định tội bộ trưởng và các nhân viên của CNTS.

Ở Nhật Bản, vụ truyền máu nhiễm HIV được người dân Nhật Bản gọi là Yakugai eizu Jiken diễn ra vào những năm thập niên 1980, hậu quả có khoảng 2.000 người bị bệnh chảy máu ở quốc gia này nhiễm HIV. Theo điều tra, đây là những mẫu máu không qua xử lý nhiệt để vô trùng. Những người đứng đầu Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản, giám đốc các công ty cung ứng máu, chữa bệnh đã bị buộc tội ngộ sát. Cuối cùng, năm 2005, Abe Takeshi lại được tuyên án là vô tội và chỉ phải từ chức phó hiệu trưởng Trường ĐH tổng hợp Tokyo. 

Còn tại Trung Quốc vào năm 2009, Zhang Kai (38 tuổi, ở tỉnh Vũ Hán) là một trong 80 bệnh nhân tại Bệnh viện thành phố Daye được cho là nhiễm HIV do bị truyền máu dương tính với virus này đã yêu cầu bệnh viện nơi đây phải bồi thường cho anh cùng các bệnh nhân khác. Người đàn ông này cho biết anh đã được truyền máu khi tham gia một cuộc phẫu thuật tại Bệnh viện số 2 ở thành phố Daye, tỉnh Hồ Bắc hồi tháng 9-2009. Sau khi nhận được đề nghị, bệnh viện Daye đã đồng ý đền bù cho anh Zhang Kai 14.600 USD và chịu toàn bộ chi phí cho việc điều trị bệnh của anh. 

Theo tờ People’s Daily của Trung Quốc số ra cuối tháng 2-2010, ông Xu Chunyang - Phó giám đốc Bệnh viện Daye - đã xác nhận số người bị nhiễm HIV do truyền máu nhiễm HIV trong giai đoạn 1996-1997 có thể lên đến 80 người. Do Bệnh viện Daye đã mua máu của 5 người dân, những người này sau đó bị phát hiện thấy HIV dương tính, số máu trên đã không được kiểm tra lại theo đúng quy trình nhưng vẫn được đưa vào truyền cho nhiều người tại bệnh viện này.

Và gần đây nhất, trong khoảng thời gian từ tháng 1 tới tháng 8-2011, 23 trẻ em đã bị truyền nhầm máu nhiễm HIV tại bang Gujarat. Các em đều là con nhà nghèo, mắc bệnh thiếu máu Thalassemia, một dạng rối loạn máu di truyền, và được tiếp máu tại một bệnh viện công ở quận Junagadh. 

Quay lại vụ việc của cháu bé 13 tuổi, theo lời luật sư của gia đình nạn nhân, ông Ibrahim al-Hakimi, gia đình sẽ kiện Bộ Y tế, “bắt đầu từ quan chức cấp cao nhất và những người liên quan đến sai sót này”. Trong một đoạn băng video chỉ vỏn vẹn 6 giây được phát tán rộng rãi trên mạng internet, em đã nhắn gửi tới mọi người rằng, “Cháu cần mọi người luôn ủng hộ và cầu nguyện cho cháu”.