Trung Quốc bất ngờ đi trước Mỹ, Nga khi ra mắt tiêm kích tàng hình 2 chỗ ngồi

ANTD.VN -  Biến thể hai chỗ ngồi tiêm kích tàng hình J-20 lần đầu xuất hiện khi chạy thử trên đường lăn tại sân bay ở Thành Đô. Như vậy Trung Quốc là nước đầu tiên quyết định chế tạo chiến đấu cơ tàng hình có hai chỗ ngồi.
Hình ảnh xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc ngày 27/10 cho thấy chiếc J-20 hai chỗ ngồi di chuyển trên đường lăn tại sân bay thử nghiệm của Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Thành Đô.
Chiếc J-20 trong video có buồng lái với nắp kính kéo dài và được sơn màu vàng, cho thấy đây là mẫu phi cơ thử nghiệm. Hiện chưa rõ chiếc máy bay này đã có thể cất cánh hay chưa.
Đây là lần đầu tiên phiên bản J-20 hai chỗ ngồi xuất hiện trên thực tế. Tổng công ty Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) hồi tháng 1 công bố video ca nhạc kỷ niệm 10 năm chiến đấu cơ J-20 cất cánh, trong đó có 4 tiêm kích tàng hình hai chỗ đang bay, nhưng đây chỉ là hình ảnh đồ họa.
Việc bổ sung thêm phi công phụ trên J-20 có thể giúp tổ bay khai thác tốt hơn các cảm biến và mạng thông tin khổng lồ của chiếc tiêm kích tàng hình.
Điều này giúp chiến đấu cơ J-20 có thể sử dụng nhiều loại vũ khí, hoặc hỗ trợ các loại khí tài khác, đa dạng hóa nhiệm vụ
Ngoài ra, biến thể J-20 hai chỗ ngồi có thể hỗ trợ quá trình huấn luyện phi công.
J-20 hai chỗ ngồi cũng có thể đóng vai trò trung tâm chỉ huy phi đội máy bay không người lái (UAV) trợ chiến.
Phi công thứ hai sẽ làm nhiệm vụ kiểm soát các UAV trợ chiến và điều khiển chúng phối hợp chiến thuật với các tiêm kích có người lái.

J-20 với biệt danh Uy Long là tiêm kích tàng hình do Trung Quốc phát triển, được cho là có khả năng tấn công chính xác và hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết.

Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-20 do Tập đoàn Chengdu của Trung Quốc phát triển từ năm 2011 và cất cánh lần đầu tiên vào ngày 31/10/2012.

Quân đội Trung Quốc biên chế J-20 từ năm 2017, song các chuyên gia vẫn đang nghi ngờ về khả năng chiến đấu thực sự của loại máy bay này.

Hiện tại J-20 của Trung Quốc vẫn đang sử dụng động cơ AL-31FM2 do Nga cung cấp, đây vẫn là chuẩn động cơ của chiến đấu cơ thế hệ thứ 4.
Trung Quốc vẫn đang chật vật để phát triển động cơ dành cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5. Phát triển động cơ vẫn là điểm hạn chế lớn nhất của công nghệ chế tạo máy bay chiến đấu của nước này.
Với thiết kế cánh tam giác và không cánh cân bằng ở phần đuôi, J-20 đạt được độ cơ động đáng nể dù kích thước có phần lớn hơn cả Su-57 của Nga và F-22, F-35 của Mỹ.
Trung Quốc luôn tự hào rằng loại tiêm kích này hoàn toàn có thể đối trọng với F-22 của Mỹ và vượt cả Su-57 của Nga.
Tuy nhiên, cây bút Dave Majumdar của National Interest nhận định, nếu J-20 thực sự mạnh như quảng bá, Trung Quốc chắc hẳn đã không phải ký hợp đồng mua tiêm kích thế hệ 4 là Su-35 của Nga như vậy.
Trung Quốc chưa công bố số lượng cụ thể tiêm kích J-20 trong biên chế, song một bài viết trên tạp chí Công nghệ Khoa học Quân khí cho biết khoảng 90 chiếc J-20 đã xuất xưởng,
Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc sẽ cần khoảng 400-500 tiêm kích J-20 để tiếp tục cuộc đua sức mạnh không quân với Nga và Mỹ.