Trực thăng tấn công LCH được Ấn Độ thử nghiệm chiến đấu

ANTD.VN - Trực thăng tấn công LCH do nền công nghiệp quốc phòng Ấn Độ phát triển, chúng được đánh giá là một trong số các dòng trực thăng tấn công hạng nhẹ uy lực nhất thế giới. 

Trực thăng tấn công LCH của không quân Ấn Độ vừa tiến hành khai hỏa rocket 70 mm và pháo cỡ nòng 20 mm lần đầu tiên, trong một cuộc diễn tập bắn đạn thật để kiểm tra tính năng chiến đấu.

Trung tướng AK Suri, Tổng cục trưởng Cục Hàng không Lục quân Ấn Độ cho biết, cuộc diễn tập đã thu được kết quả thành công tốt đẹp.
Cuộc thử nghiệm bắn đạn thật đã cho thấy khả năng trang bị vũ khí đáng gờm của trực thăng tấn công hạng nhẹ LCH.
Dự án trực thăng LCH hiện đã nhận được đơn đặt hàng từ cả Không quân và Lục quân Ấn Độ.
Đáng chú ý, trực thăng LCH tự hào có trần bay cao nhất trong số tất cả các máy bay trực thăng tấn công do quân đội Ấn Độ sở hữu.
Dòng trực thăng này có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, và có thể thực hiện tốt trong mọi điều kiện thời tiết.
Chiếc trực thăng này được trang bị khả năng bán tàng hình nhờ tính khí động học với các mặt cắt trong thiết kế cũng như lớp sơn phủ và vật liệu chế tạo không phản hồi sóng radar.
Động lực cho sự phát triển của trực thăng LCH xuất hiện sau Chiến tranh Kargil năm 1999, khi không quân Ấn Độ lúc đó không sở hữu trực thăng tấn công có trần bay cao, để có thể hoạt động ở khu vực đồi núi.
LCH được công ty HAL triển khai từ năm 2006 nhằm phát triển một dòng trực thăng mang tên lửa, bom, rocket trang bị cho Không quân và Lục quân Ấn Độ.
Nhằm tiết kiệm chi phí, trực thăng tấn công LCH được phát triển trên cơ sở khung thân trực thăng đa nhiệm HAL Dhruv.
Trực thăng tấn công LCH được thiết kế cho vai trò chống bộ binh và chống xe tăng, có thể hoạt động ở độ cao lớn.
LCH có đặc điểm thiết kế khung thân hẹp để tối ưu khả năng tàng hình, trang bị giáp bảo vệ một số bộ phận để tăng khả năng sống sót.
Ngoài ra, LCH còn có được sơn ngụy trang kỹ thuật số đặc biệt để giảm khả năng bị phát hiện.
Về động cơ, LCH dùng chung hệ thống động lực với HAL Dhruv gồm cặp động cơ tuốc bin trục HAL/Turbomeca Shakti với cánh quạt chính và cánh quạt đuôi 4 lá.
Máy bay có trọng lượng cất cánh tối đa chỉ khoảng 5,5 tấn, tốc độ tối đa 280 km/h, tầm bay 700 km.
Độ cao tối đa 6,5 km mà LCH hoạt động được cao hơn hẳn một loạt các trực thăng tấn công nổi tiếng của Mỹ - Nga. Ví dụ loại Mi-28 của Nga chỉ là 5,8 km, AH-1 của Mỹ là 3,5 km.
LCH được thiết kế buồng lái kính hai chỗ ngồi, phi công được trang bị mũ bay đặc biệt có tích hợp thiết bị hiển thị mục tiêu trên kính mũ.
Cảm biến trên máy bay tuy không có radar sóng mm nhưng có đầy đủ các thiết bị trinh sát và chỉ thị mục tiêu.
Cụ thể trực thăng LCH được trang bị hệ thống chỉ thị và bám bắt mục tiêu với cảm biến ảnh nhiệt nhìn trước; hệ thống đo xa laser; laser chỉ thị mục tiêu; camera CCD và hệ thống tác chiến điện tử với thiết bị cảnh báo sóng radar chiếu rọi, cảnh báo tia laser chiếu rọi và cảnh báo tên lửa tấn công...
Về hỏa lực, hiện chưa rõ tải trọng tối đa của LCH, nhưng trên thân được thiết kế hai cánh nhỏ với 4 giá treo cho phép mang được tên lửa, bom, rocket.
LCH có thể mang theo 8 tên lửa chống tăng LAHAT trang bị đầu dẫn laser bán chủ động...

Hoặc 8 tên lửa chống tăng Helina do Ấn Độ tự phát triển, có tầm phóng tới 10km, sử dụng đầu dẫn radar sóng mm hoặc đầu dẫn hồng ngoại chủ động.

Ngoài ra, trực thăng LCH mang được 4 pod rocket 70/80mm hoặc 4 bom chùm loại 250kg.

Trực thăng LCH cũng được trang bị pháo tự động THL-20 cỡ 20mm có tốc độ bắn 800 phát/phút.

Không quân Ấn Độ dự định sẽ trang bị tới 200 chiếc trực thăng LCH để nâng cao sức mạnh chiến đấu.

Ngoài sử dụng trong nước, dòng trực thăng này cũng được Ấn Độ đẩy mạnh xuất khẩu.