Cuộc diễn tập được tổ chức tại vịnh Bengal trong thời gian 4 ngày, với mục đích nhằm nâng cao khả năng hoàn thành hành động an ninh trên biển chung giữa hai nước trong tương lai. Khoa mục diễn tập bao gồm tác chiến chống cướp biển, diễn tập pháo binh, cất hạ trực thăng trên boong tàu và tác chiến chống ngầm.
Được biết, tàu hộ vệ tàng hình F-48 “INS Satpura”, tàu khu trục tên lửa D-55 “INS Ranvijay” do Ấn Độ chế tạo sẽ tham gia diễn tập. Còn phía Nhật sẽ điều tàu khu trục tên lửa DD-109 JS Ariake và DD-156 JS Setogiri tới Ấn Độ tham gia diễn tập.
Giai đoạn diễn tập trên biển bao gồm diễn tập đổ bộ tần suất cao lên tàu trong tình huống tác chiến chống cướp biển, diễn tập cứu hộ cứu nạn, ngoài ra còn tổ chức diễn tập chống hạm, chống ngầm và tác chiến phòng không.
Mặc dù truyền thông Ấn Độ cho rằng cuộc diễn tập này là tiêu chí hình thành trục chiến lược mới, nhưng trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên hai nước tổ chức diễn tập chung. Năm 2011, trong thời gian Bộ trưởng quốc phòng Ấn, AK Antony thăm Nhật đã đạt được thỏa thuận rằng, hai nước sẽ tổ chức diễn tập hải quân song phương theo định kỳ.
Cuộc diễn tập hải quân song phương lần thứ nhất diễn ra vào tháng 1 năm 2012 tại khu vực biển gần Nhật Bản, còn lần diễn này được coi như là một sự "đáp lễ". Còn sớm hơn một chút là vào năm 2007, lực lượng tự vệ Nhật đã từng tham gia diễn tập trên biển đa quốc gia “Marabel-07” do Ấn chủ trì.
Ngoài tiến hành diễn tập trên biển, mấy năm gần đây giao lưu hợp tác quân sự Nhật - Ấn ngày một thường xuyên hơn.
Theo báo “Tin tức nước Nga” (Известия) cho biết, quân đội Ấn Độ đang đề xuất mua radar khí tượng tầm cao và hệ thống điều khiển hỏa lực, hệ thống quang điện trên hạm của Nhật. Quân đội Ấn cho rằng, Nhật Bản có thể sẽ đồng ý bán cho mình hệ thống radar này, một khi mua thành công, Ấn Độ sẽ bố trí hệ thống này tại khu vực Ladakh thuộc Kashmir do Ấn Độ kiểm soát.
Hệ thống rada này không chỉ dùng vào việc nghiên cứu khoa học, nó còn là hệ thống rada cảnh giới tầm cao, tầm xa, quân đội Ấn sẽ sử dụng hệ thống này để không chỉ giám sát tình báo nước láng giềng Trung Quốc, Pakistan và Afghanistan gần khu vực Himalaya, mà còn có thể tăng cường khả năng giám sát tên lửa các quốc gia xung quanh Ấn Độ, đặc biệt là Trung Quốc và Pakistan.
Ngoài ra, theo “Thời báo Ấn Độ” (The Times of India) từng cho biết, cùng với việc quan hệ hợp tác quân sự Nhật - Ấn liên tục phát triển, trong tương lai, toàn bộ cảng biển của Ấn Độ sẽ mở rộng đối với tàu thuyền của Nhật, qua đó sẽ thực hiện chiến lược chia sẻ nguồn tài nguyên địa chính trị và quân sự giữa hai nước Nhật - Ấn, mở ra một trục chiến lược mới như bài báo đã nhận định.