Trong “sóng” dịch Covid-19: Công an Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ nhân dân (3): Nền tảng quan trọng xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhận thức đầy đủ tầm quan trọng, tính cấp bách trong nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, đồng thời xác định trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm chính trị, vừa là mệnh lệnh công tác và cũng là danh dự của lực lượng Công an nhân dân, Bộ Công an đã quyết liệt triển khai thành công 2 dự án Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân (CCCD). Đây chính là nền tảng số đặc biệt quan trọng, phục vụ xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, công dân toàn cầu…
Đồng chí Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định tầm quan trọng việc chuyển đổi số trong quản lý dữ liệu dân cư quốc gia
Đồng chí Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định tầm quan trọng việc chuyển đổi số trong quản lý dữ liệu dân cư quốc gia

Dữ liệu dân cư quốc gia phục vụ chuyển đổi số

Ngày 11-3-2020, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ngày 3-9-2020 phê duyệt dự án Sản xuất, cấp và quản lý CCCD. Đây là 2 dự án công nghệ thông tin lớn nhất từ trước tới nay, chưa có tiền lệ thực hiện, phạm vi triển khai rộng từ các cơ quan Trung ương đến 63 tỉnh, thành phố; hơn 700 quận, huyện và gần 1.000 xã, phường thị trấn trong toàn quốc. Trong khi đó, việc triển khai trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu đã đặt ra nhiều thách thức rất lớn, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao và hành động quyết liệt, sáng tạo mới có thể hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Nhận thức đầy đủ tầm quan trọng, tính cấp bách của 2 dự án và những khó khăn thách thức, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công an đã khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện, trong đó xác định việc xây dựng 2 dự án là trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm chính trị, vừa là mệnh lệnh công tác và cũng là danh dự của lực lượng CAND. Bộ Công an đã thành lập Ban chỉ đạo để triển khai do Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trực tiếp là Trưởng Ban, 3 đồng chí Thứ trưởng là Phó Trưởng ban và các Cục nghiệp vụ liên quan tham gia. Đồng thời, xác định việc thực hiện 2 dự án là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của toàn lực lượng, tập trung chỉ đạo thực hiện rất quyết liệt với lộ trình và bước đi cụ thể kèm theo các mốc thời gian tính theo từng ngày (trong đó xác định 48 nhiệm vụ lớn để thực hiện dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; 55 nhiệm vụ lớn để thực hiện dự án Sản xuất, cấp và quản lý CCCD; đồng thời yêu cầu các nhà thầu cũng phải xây dựng kế hoạch chi tiết với các mốc thời gian cụ thể), với tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, vượt lên chính mình để phấn đấu đạt mục tiêu đề ra.

Cán bộ, chiến sĩ luôn là cầu nối tương tác giữa chính quyền và nhân dân

Cán bộ, chiến sĩ luôn là cầu nối tương tác giữa chính quyền và nhân dân

Trong quá trình triển khai, Bộ Công an đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành theo tinh thần vướng mắc đến đâu các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành trực tiếp trao đổi giải quyết ngay đến đó. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, cơ quan và các doanh nghiệp công nghệ thông tin nghiên cứu các giải pháp, các bài toán ứng dụng công nghệ trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống, do đó đã bảo đảm nguyên tắc hiện đại, đồng bộ, bảo mật, tránh lãng phí trong suốt quá trình xây dựng 2 dự án. Các mục tiêu của 2 dự án cơ bản đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Ngày 26-2-2021, Bộ Công an đã tổ chức Lễ bấm nút khai trương hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý CCCD. Ngày 1-7-2021, đã hoàn thành và chính thức đưa 2 hệ thống trên vào vận hành. Đến thời điểm hiện nay, Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư đã chứa đựng thông tin cơ bản của hơn 98 triệu công dân Việt Nam, những thông tin này được cập nhật, bổ sung hàng ngày bởi hơn 45.000 cán bộ, chiến sĩ công an tại địa bàn cơ sở (bảo đảm trung bình mỗi xã 5 đồng chí).

Từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an đã cung cấp và thông báo mã số định danh cho 100% công dân, đồng thời hoàn thành việc thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp điện tử và mã QR cho hơn 60 triệu công dân trong toàn quốc, in và trả trên 55 triệu thẻ. Bộ Công an đang phấn đấu hoàn thành sớm nhất việc cấp thẻ căn cước mới cho 100% công dân đủ điều kiện để nhân dân sớm được hưởng những tiện ích do thẻ căn cước mới mang lại. Hệ thống bản đồ số tại Trung tâm dữ liệu Quốc gia về dân cư đã sẵn sàng cung cấp các thông tin đa dạng về dân cư trên toàn quốc và theo các vùng miền. Có thể nói, đến nay Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và CCCD gắn chíp đã sẵn sàng phục vụ các yêu cầu đa dạng về phát triển kinh tế - xã hội và quá trình xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Bộ Công an quyết tâm đi đầu trong thúc đẩy thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường

điện tử. Hiện nay, ngành công an đã đăng tải 304/304 thủ tục hành chính mức độ 2 (đạt 100%) thuộc 17 lĩnh vực xuyên suốt; 46 thủ tục hành chính đã nâng lên mức độ 3, 4. Trong quý I-2022, sẽ nâng cấp hết lên mức độ 4 đối với những thủ tục đủ điều kiện. Bộ Công an cũng đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ rà soát các dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin một cửa cấp bộ, cấp tỉnh để có lộ trình, thời gia cụ thể để nâng mức độ. Trước mắt, Bộ Công an sẽ đề xuất tái cấu trúc, đơn giản hóa, nâng cấp độ đối với tối thiểu 20 dịch vụ công thiết yếu thuộc các lĩnh vực hộ tịch, bảo hiểm xã hội, hành nghề cá nhân…

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc (Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an)

Trong phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Từ xu thế thế giới, thực tiễn đất nước, chuyển đổi số là yêu cầu, đòi hỏi khách quan. Chủ trương của Đảng đã xác định rõ, vấn đề là chúng ta tổ chức thực hiện cho thực sự có hiệu quả, đặc biệt trong thời điểm hiện nay, chuyển đổi số đang góp phần vào khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch có hiệu quả, bảo vệ an ninh quốc phòng của đất nước, tăng cường xu thế hội nhập, nâng vao vai trò, vị thế, tiềm lực và uy tín của đất nước”.

Cũng tại phiên họp này, Bộ Công an được Chính phủ đánh giá là cơ quan có bước chuyển đổi số mạnh mẽ trong thời gian qua. Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, kết quả nổi bật là hoàn thành hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp và quản lý CCCD. Đây là 2 dự án quan trọng, là tài nguyên quốc gia đắt giá, là dữ liệu gốc cho quá trình phát triển chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số. Đến nay, Bộ Công an đã và đang phát huy hiệu quả 2 dự án này. Bộ trưởng Tô Lâm kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp với Bộ Công an “làm giàu” cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội cũng như những mục tiêu quan trọng khác liên quan đến bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nâng cao thế và lực cho đất nước trong bối cảnh, tình hình mới...

Đặc biệt, trên cơ sở kết quả xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã chỉ đạo giao Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan xây dựng “Đề án đẩy mạnh ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và chuyển đổi số quốc gia”. Hiện nay, dự thảo đề án đang được lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện trình Thủ tướng phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện trong tháng 12-2021. Trong đó, nội dung của đề án đã xác định rất rõ lộ trình thực hiện với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể theo đúng phương châm chỉ đạo của Thủ tướng là làm dứt điểm từng việc để thấy được hiệu quả rõ nét. Định hướng đến năm 2025 là tập trung phát triển hệ sinh thái Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có sự chia sẻ, kết nối với các dữ liệu chuyên ngành và triển khai các ứng dụng phục vụ quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội với 5 nội dung trọng tâm.

Liên quan đến công tác đẩy mạnh chuyển đổi số, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trong quá trình thực hiện 2 dự án quan trọng, Bộ Công an đã phối hợp, trao đổi với nhiều bộ, ngành để cùng giải quyết khó khăn phát sinh, từ đó rút ngắn được thủ tục và thời gian. Trong quá trình thực hiện, Bộ Công an đã xây dựng được bản đồ số dân cư quốc gia, chứng minh rằng dữ liệu dân cư trên nền tảng số phục vụ chuyển đổi số. Đánh giá cao Bộ Công an trong việc triển khai mạnh mẽ ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Sản xuất, cấp và quản lý CCCD gắn chíp phục vụ chuyển đổi số quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, đây là câu chuyện mà tất cả những người làm công nghệ thông tin từ trước đến nay đều biết là vấn đề sống còn. Rõ ràng, những tiện ích nổi bật, có tính xuyên suốt, kết nối liên thông, rộng rãi… sẽ giúp người dân chỉ cần “một chạm” trên điện thoại thông minh hoặc CCCD gắn chíp là có thể giải quyết được tất cả những thủ tục hành chính, yêu cầu khác.

Hệ thống camera an ninh góp phần giúp cơ quan công an truy vết, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm

Hệ thống camera an ninh góp phần giúp cơ quan công an truy vết, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm

Lấy người dân làm trung tâm thụ hưởng

Trước chỉ đạo của Chính phủ giao Bộ Công an xây dựng Đề án đẩy mạnh ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá, đề án này được triển khai sẽ mang lại nhiều lợi ích cho hệ thống thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, dữ liệu dùng chung đảm bảo chính xác. Ngoài ra, có thể khai thác dữ liệu dân cư với các ngành, địa phương để phục vụ phát triển; các dữ liệu dân cư phục vụ khai thác chung, thu phí để tái đầu tư cho các trung tâm dữ liệu. Bộ Công an tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông xác thực những trường hợp cá nhân, doanh nghiệp đã tiêm vaccine hoặc đã xét nghiệm để đi lại… Các ứng dụng công nghệ thông tin ở lĩnh vực y tế, trước mắt có thể tập trung cho công tác phòng chống dịch Covid-19, nhưng về lâu dài phục vụ hiệu quả cho công tác khám, chữa bệnh, bảo đảm sức khỏe người dân.

Bám sát vào quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lấy người dân là trung tâm của chuyển đổi số, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, các tỉnh, thành phố triển khai mạnh mẽ, hiệu quả công tác kết nối, chia sẻ dữ liệu, phục vụ cho các lĩnh vực nêu trên. Đặc biệt, Chính phủ xác định những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cần ưu tiên chuyển đối số trước, bao gồm: Y tế, Giáo dục, Tài chính - Ngân hàng, Nông nghiệp, Giao thông vận tải và logistics, Năng lượng, Tài nguyên - môi trường và sản xuất công nghiệp. Bộ Công an tập trung bảo đảm an toàn, an ninh mạng và coi đây là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững. Đồng thời, đây cũng là thành phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số. Việc triển khai 2 dự án Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp và quản lý CCCD gắn chíp điện tử được Bộ Công an triển khai thực hiện với yếu tố bảo mật cao nhất.

Cùng với đó, mọi thiết bị, sản phẩm, phần mềm, hệ thống thông tin, dự án đầu tư về công nghệ thông tin dựa trên nền tảng này đều đặt ra yêu cầu cao nhất về bảo mật, an toàn, an ninh mạng ngay từ khi bắt tay vào thiết kế, thử nghiệm, ứng dụng và bảo đảm triển khai đồng bộ… Hệ thống camera quét mã QR cũng được triển khai xây dựng, thiết kế theo đúng những yêu cầu, tiêu chí khắt khe về mục tiêu chuyển đổi số trên của Chính phủ. Khi triển khai tại các đơn vị, cơ quan, khu vực nhà ga, bến xe… phục vụ nhân dân, hành khách, người dân hoàn toàn yên tâm tuyệt đối về công tác bảo mật, an toàn, an ninh.

Trong từng bước của quá trình xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông để bảo đảm sự kết nối đồng bộ với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác và các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương. Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý CCCD có thiết kế sẵn sàng tích hợp với các cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin của nội ngành và ngoại ngành thông qua các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, ngành, địa phương (LGSP) và cấp quốc gia (NGSP) theo quy định của Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ khi có yêu cầu. Đến nay, đã tiến hành kết nối với Văn phòng Chính phủ để xác thực, cung cấp thông tin phục vụ triển khai dịch vụ công với Bộ Tư pháp để cấp số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh; với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để xác thực thông tin người tham gia bảo hiểm; kết nối, liên thông kỹ thuật với các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương do Bộ Thông tin và Truyền thống quản lý...

Đồng thời, Bộ Công an đã chỉ đạo triển khai ngay ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp và quản lý CCCD phục vụ yêu cầu cấp bách phòng chống dịch bệnh theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với 4 phần mềm (Quản lý công dân vùng dịch; Quản lý công dân diện hỗ trợ chính sách theo Nghị quyết 08/NQ-CP của Chính phủ; Quản lý tiêm chủng vaccine phòng ngừa Covid-19; Quản lý công dân diện F0 và truy vết F1). Thực tế triển khai tại TP.HCM và một số địa phương đã mang lại hiệu quả tích cực. Thực hiện Nghị quyết số 128 ngày 10-11-2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế triển khai các biện pháp để thu thập thông tin tiêm chủng, làm sạch dữ liệu, ban hành quy trình tiêm chủng đảm bảo dữ liệu được cập nhật, xác thực cho 3 ứng dụng (VNEID, PC-Covid và Sổ sức khỏe điện tử) thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ quản lý đi lại của người dân trong điều kiện bình thường mới, bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi tối đa để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Từ việc phát triển hệ thống xác thực và định danh điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh, Bộ Công an đẩy mạnh thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo đúng lộ trình chuyển đổi số quốc gia, chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Kết quả đã góp phần tiết kiệm chi phí xã hội, bảo đảm thuận tiện nhất cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính, lấy người dân là trung tâm và người dân chỉ phải kê khai thông tin một lần đối với cơ quan nhà nước (ước tính tiết kiệm khoảng 9.000 tỷ đồng/năm chi phí tuân thủ khi thực hiện các thủ tục hành chính công trên toàn quốc).

Chuyển đổi sang làm việc trên môi trường công nghệ số là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022

Sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin góp phần cải cách thủ tục hành chính

Sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin góp phần cải cách thủ tục hành chính

Trong khuôn khổ chương trình làm việc của Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 77, sáng 27-12-2021, thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt Danh mục Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của ngành công an. Hiện ngành công an có 304 dịch vụ công thuộc 17 lĩnh vực, trong đó có 265 dịch vụ công thuộc 13/17 lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.

Cụ thể:

Công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội có 113 dịch vụ thuộc 3 lĩnh vực gồm: Đăng ký, quản lý cư trú và cấp, quản lý CCCD; Quản lý ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và con dấu; Quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Công tác quản lý xuất nhập cảnh có 35 dịch vụ thuộc 4 lĩnh vực gồm: Cấp giấy tờ cho người nước ngoài; Cấp giấy tờ cho người nước ngoài cư trú ở Việt Nam; Xác nhận thông tin liên quan đến xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam; Các thủ tục xuất nhập cảnh liên quan đến công dân Việt Nam. Công tác phòng cháy, chữa cháy có 46 dịch vụ thuộc 3 lĩnh vực gồm: Cấp các loại giấy đủ điều kiện trong công tác phòng cháy, chữa cháy; Công tác đào tạo, huấn luyện; Cấp giấy chứng nhận điều kiện phương tiện phòng cháy, chữa cháy và thẩm duyệt, nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.

Công tác quản lý trật tự, an toàn giao thông có 30 dịch vụ thuộc 3 lĩnh vực gồm: Đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Cấp giấy phép sử dụng thiết bị tín hiệu của xe được quyền ưu tiên; Thu nộp tiền phạt xử phạt vi phạm hành chính

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu cấp ủy, thủ trưởng công an các đơn vị, địa phương đẩy nhanh một bước nữa chuyển đổi trạng thái từ môi trường làm việc truyền thống sang môi trường điện tử, ứng dụng công nghệ số, nhất là tại những đơn vị thực hiện chức năng giải quyết thủ tục hành chính, phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022… Xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu trong nội bộ ngành công an và kết nối, chia sẻ dữ liệu an toàn với các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan. Trong năm 2022, phải đảm bảo kết nối, liên thông và thực hiện tích hợp, chia sẻ dữ liệu một cách thông suốt, đồng bộ, an ninh, an toàn với nền tảng chia sẻ dữ liệu quốc gia. Tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, biện pháp để người dân nắm bắt được tinh thần sẵn sàng phục vụ của lực lượng công an; để người dân đồng thuận, ủng hộ và tích cực sử dụng các dịch vụ công do ngành công an cung cấp.