Trong “sóng” dịch Covid-19: Công an Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ nhân dân (2): “Chìa khóa” vượt khó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 11-10-2021, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị quyết 128 về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã mở ra một giai đoạn mới trong phòng, chống dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Với sự hỗ trợ của Bộ Công an trên nền tảng dữ liệu quốc gia về dân cư và tính ưu việt của căn cước công dân gắn chíp, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đang triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng, chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia trong giai đoạn mới.

Nền tảng quan trọng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19

Trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, với tinh thần chủ động rất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Bộ Công an được kiện toàn rất sớm, cùng ngày thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia. Bộ Công an cũng là cơ quan đầu tiên thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương đặt tại TP.HCM trực tiếp chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phía Nam phòng, chống dịch Covid-19.

Bộ Công an đã phát động phong trào thi đua đặc biệt trong toàn lực lượng với chủ đề: “Lực lượng Công an nhân dân - Lá chắn phòng, chống dịch Covid-19 - Thanh bảo kiếm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội” với phương châm “Kiên định bản lĩnh chính trị người chiến sĩ Công an nhân dân, triệu trái tim, một ý chí, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”. Đây cũng là Bộ đầu tiên của Chính phủ tổ chức Lễ phát động hưởng ứng phong trào toàn dân đoàn kết phòng, chống đại dịch Covid-19 theo Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Bộ Công an với sự chủ động, trên cơ sở chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đã nhanh chóng triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch. Bộ Chỉ huy tiền phương Bộ Công an tại các tỉnh, thành phố phía Nam đã nhanh chóng được thành lập do Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an khi đó là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy tiền phương, trực tiếp có mặt tại TP.HCM để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bộ Chỉ huy tiền phương Bộ Công an đã thống nhất chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế từng địa bàn; đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ những vấn đề chiến lược, các giải pháp xử lý hiệu quả, ứng phó kịp thời trước diễn biến nhanh, phức tạp của dịch bệnh như chủ trương lấy xã, phường làm “pháo đài” chống dịch; chủ trương tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội triển khai tại TP.HCM và thực hiện đồng bộ tại các tỉnh, thành phố trong khu vực; tham mưu để các tỉnh, thành phố thực hiện ngay các khu cách ly và bệnh viện dã chiến; đẩy mạnh xử lý các thông tin độc hại trên không gian mạng về tình hình dịch bệnh Covid-19 gây hoang mang dư luận; tham mưu Ủy ban nhân dân các địa phương thành lập lực lượng liên ngành phản ứng nhanh trong truy vết, trong đó Công an là chủ công, triển khai công nghệ, kỹ thuật phối hợp với nhà mạng để kịp thời khoanh vùng, dập dịch hiệu quả...

Bộ Công an đẩy mạnh, triển khai công tác quản lý, phòng, chống dịch trên cả nước qua hệ thống camera quét mã QR từ căn cước công dân

Bộ Công an đẩy mạnh, triển khai công tác quản lý, phòng, chống dịch trên cả nước qua hệ thống camera quét mã QR từ căn cước công dân

Xác lập danh tính điện tử của công dân để thực hiện chuyển đổi số quốc gia

Một trong những nội dung tham mưu mang tính chiến lược của Bộ Công an với Chính phủ đó chính là ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học, công nghệ, kỹ thuật vào phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết 128 của Thủ tướng Chính phủ ban hành thêm một lần nữa nhấn mạnh trong tất cả biện pháp xử trí, ứng phó với các cấp độ dịch trên toàn quốc, ở các địa phương đều không thể thiếu biện pháp ứng dụng công nghệ thông tin áp dụng cả với tổ chức, cá nhân, đồng thời coi đây chính là một trong những “chìa khóa” quan trọng để mở ra, duy trì trạng thái an toàn, bình thường mới. Bám sát vào tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công an tiếp tục đẩy mạnh, triển khai, phục vụ công tác quản lý, phòng, chống dịch trên cả nước qua hệ thống camera quét mã QR từ căn cước công dân và điện thoại thông minh có cài “app PC-Covid” và “VNEID” hoặc sổ sức khỏe điện tử trên nền tảng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân gắn chíp.

Lực lượng chức năng hướng dẫn nhân dân quét mã QR khi đến làm thủ tục hành chính
Lực lượng chức năng hướng dẫn nhân dân quét mã QR khi đến làm thủ tục hành chính

Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ với tinh thần, trách nhiệm, quyết tâm chính trị cao nhất trước Đảng, Nhà nước và nhân dân của toàn lực lượng Công an nhân dân, từ ngày 1-7-2021, hai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân gắn chíp chính thức vận hành trên hệ thống. Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: “Hai hệ thống trên hoạt động, sẵn sàng và đang đẩy mạnh kết nối với các bộ, ngành, địa phương phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử và phục vụ nhân dân.

Việc sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử sẽ thay thế nhiều loại giấy tờ khác, đồng thời mở ra nhiều cơ hội trong triển khai các dịch vụ liên quan đến xác thực điện tử, phục vụ phòng, chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự... Hiện Bộ Công an đã xác lập dữ liệu dân cư của 98 triệu người, trên 50 triệu căn cước công dân và cấp mã định danh cho 100% trẻ em khi sinh. Đây cũng là cơ sở quan trọng để xác lập danh tính điện tử của công dân, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia”.

Để tạo thuận tiện hơn nữa, Bộ Công an đã chỉ đạo trong việc nghiên cứu, sản xuất thiết bị đầu đọc mã QR góp phần kiểm soát việc đi lại phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là những nơi công cộng tập trung đông người, bến tàu xe...

Hiện nay đang chủ động hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện, trước mắt là 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Được triển khai lắp đặt đầu tiên tại các tuyến đường, khu vực, đơn vị, cơ quan... ở TP.HCM giữa tâm dịch Covid-19 hoành hành, hệ thống camera quét mã QR từ căn cước công dân gắn chíp hoặc điện thoại thông minh có cài đặt phần mềm “VNEID” hoặc “app PC-Covid” đã phát huy hiệu quả rất lớn trong quản lý, phòng, chống dịch. Chỉ cần chưa tới 2 giây, các “mắt thần” của camera quét mã QR từ căn cước công dân gắn chíp hoặc điện thoại qua những phần mềm trên đã cập nhật thông tin về tiêm chủng vaccine, kết quả xét nghiệm Covid-19, kết quả điều trị Covid-19.

Qua hệ thống này, đã giải quyết hiệu quả tình trạng ùn tắc khi người dân khai báo y tế tại các ngã tư, tuyến đường, trụ sở, đồng thời xác minh rõ những trường hợp được phép ra đường hay không, hoặc những vấn đề có liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 của người dân…

Quy trình nhập dữ liệu sẽ được tiến hành thông qua các cán bộ cơ sở và được xử lý chuyển tải về trung tâm dữ liệu

Quy trình nhập dữ liệu sẽ được tiến hành thông qua các cán bộ cơ sở và được xử lý chuyển tải về trung tâm dữ liệu

Phục vụ nhân dân an toàn, nhanh chóng, thuận tiện

Sắp tới, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, các trụ sở Công an trên toàn quốc sẽ triển khai lắp đặt thiết bị này. Căn cứ vào những kết quả đạt được sau thời gian thử nghiệm, Công an các địa phương sẽ tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp triển khai lắp đặt, đưa vào sử dụng để bảo đảm công tác phòng, chống dịch trong điều kiện “bình thường mới”, cũng như rút ngắn thời gian khai báo khi đến làm thủ tục tại các cơ quan Nhà nước, hạn chế tối đa việc ùn ứ đông người tại những nơi này, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19. Cùng với đó, Công an các địa phương sẽ tiến hành khảo sát nhu cầu sử dụng thiết bị tại những nơi tập trung số lượng lớn người dân đến tham quan, vui chơi, mua sắm như siêu thị, trung tâm thương mại, bảo tàng, triển lãm… để sớm đưa những tiện ích của thiết bị này đến với xã hội, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân.

Hiện nay, Bộ Công an vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ban, ngành, hướng tới tích hợp thêm nhiều trường dữ liệu thông tin không chỉ liên quan đến phòng, chống dịch mà còn bảo đảm an sinh xã hội, y tế, giáo dục, cũng như các mặt đời sống của nhân dân vào thẻ căn cước công dân gắn chíp, phục vụ hiệu quả sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của đất nước.

Hà Nội tiên phong trong công tác chuyển đổi số

Theo tìm hiểu của phóng viên, 2021 là năm đầu tiên thực hiện chiến lược chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025. Nhiều địa phương cho biết, đã tập trung kiện toàn bộ máy thực hiện công tác này để vận hành trung tâm điều hành thông minh. Các địa phương khẳng định quyết tâm tạo bước chuyển biến căn bản về chuyển đổi số thời gian tới. Hà Nội là một trong những tỉnh, thành đi đầu trong công tác chuyển đổi số.

Ngày 5-6-2020, Thành ủy Hà Nội cùng với Bộ Thông tin - Truyền thông đánh giá trao đổi, tăng cường hợp tác, phối hợp thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới xây dựng chính quyền số và thực hiện chuyển đổi số. Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh việc phát triển khoa học công nghệ luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng với Thủ đô. Trong quá trình phát triển, Hà Nội đều đặt mục tiêu theo từng giai đoạn: Từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn phát triển giai đoạn 2030 - 2045. Cũng theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh là vấn đề Hà Nội đang tập trung phát triển. Đặc biệt trong diễn biến dịch Covid-19 vừa qua cho thấy tầm quan trọng của việc phát triển dịch vụ công trực tuyến là vô cùng quan trọng, cấp thiết.

Trên tinh thần, nội dung Nghị quyết 128 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 18-10-2021, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 4468 về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch số 225 của UBND TP ngày 8-10-2021 về triển khai ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quản lý, phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố, do đồng chí Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh làm Trưởng ban Chỉ đạo. Ban chỉ đạo 225 thành phố có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các sở, ban, ngành thành phố phối hợp Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện có hiệu quả các nội dung nhiệm vụ về triển khai ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quản lý xã hội, phòng, chống dịch Covid-19 và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP Hà Nội bảo đảm đúng quy định.

Cùng với đó, UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo xây dựng nội dung, chương trình công tác triển khai ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quản lý, phòng, chống dịch Covid-19 và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố phù hợp các điều kiện và quy định pháp luật trong từng giai đoạn. Chỉ đạo các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tổ chức triển khai thực hiện ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quản lý xã hội, phòng, chống dịch Covid-19 và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở Nghị quyết 128 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 29-10-2021, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 243 thực hiện quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19. Kế hoạch 243 quy định cụ thể, chi tiết về phân loại, đánh giá xác định cấp độ dịch và các biện pháp áp dụng theo cấp độ dịch khác nhau.

Trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch trên, UBND TP Hà Nội tiếp tục giao cụ thể nhiệm vụ cho CATP Hà Nội kết nối cơ sở dữ liệu dân cư với dữ liệu về tiêm chủng, xét nghiệm, quản lý người nhiễm Covid-19 khỏi bệnh để triển khai thống nhất việc ứng dụng mã QR trên thẻ căn cước công dân gắn chíp (hoặc hình thức phù hợp đối với những trường hợp chưa có thẻ căn cước công dân mới) phục vụ việc quản lý đi lại của người dân và công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đối với Sở Thông tin - Truyền thông, UBND TP Hà Nội chỉ đạo chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó tiếp tục triển khai sử dụng hiệu quả 3 nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung toàn quốc trong phòng, chống dịch Covid-19, phục vụ quản lý, theo dõi, giám sát theo quy định của pháp luật.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ngày 2-12-2021 đã có Công văn số 990-CV/VPTU chỉ đạo về triển khai thí điểm rà soát ra vào cơ quan bằng quét mã QR trên thẻ căn cước công dân gắn chíp thông qua thiết bị chuyên dụng của Bộ Công an. Tiếp tục thực hiện hiệu quả chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy, đồng thời nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát người ra vào trụ sở cơ quan, đơn vị góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn Thủ đô, ngày 17-12-2021, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn ký ban hành Công văn số 4568/UBND-NC về việc lắp đặt thiết bị quét mã QR trên thẻ căn cước công dân gắn chíp kiểm soát người ra vào cơ quan đơn vị trên địa bàn thành phố.

Tinh thần vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, trách nhiệm của Thành ủy, UBND TP Hà Nội và sự hỗ trợ của Bộ Công an trên nền tảng dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân gắn chíp đã và đang góp phần hỗ trợ Thủ đô ngăn chặn hiệu quả dịch Covid-19, phục vụ hiệu quả công tác phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc (Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an): Tận dụng tối đa thông tin trong “hệ sinh thái số” phục vụ quản lý xã hội

“Từ dữ liệu quốc gia về dân cư đã được thu thập, chuẩn hóa, các bộ, ngành, địa phương rà soát lại việc xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, nhất là các cơ sở dữ liệu được xác định trong Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, trên cơ sở tận dụng tối đa dữ liệu dân cư đã có, tránh trùng lặp, tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước, đồng thời làm giàu dữ liệu quốc gia về dân cư hướng tới hình thành bộ dữ liệu phong phú, phục vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh…

Khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư triển khai các dịch vụ có thu phí phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội theo quy định của Chính phủ. Nguồn kinh phí thu được sẽ được sử dụng để tái đầu tư, duy trì hoạt động của hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần tiết kiệm ngân sách Nhà nước. Triển khai các hoạt động định danh, xác thực điện tử phục vụ triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 28-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt, tiếp tục khẩn trương triển khai việc ứng dụng quốc gia về dân cư và căn cước công dân, tích hợp dữ liệu tiêm chủng, xét nghiệm Covid-19 và dữ liệu an sinh xã hội để phục vụ quản lý xã hội trong điều kiện “bình thường mới” theo tinh thần Nghị quyết 128/CP của Chính phủ về thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn: Triển khai lắp đặt các thiết bị quét mã QR trên thẻ căn cước công dân gắn chíp

“Từ dữ liệu quốc gia về dân cư đã được thu thập, chuẩn hóa, các bộ, ngành, địa phương rà soát lại việc xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, nhất là các cơ sở dữ liệu được xác định trong Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, trên cơ sở tận dụng tối đa dữ liệu dân cư đã có, tránh trùng lặp, tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước, đồng thời làm giàu dữ liệu quốc gia về dân cư hướng tới hình thành bộ dữ liệu phong phú, phục vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh…

Khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư triển khai các dịch vụ có thu phí phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội theo quy định của Chính phủ. Nguồn kinh phí thu được sẽ được sử dụng để tái đầu tư, duy trì hoạt động của hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần tiết kiệm ngân sách Nhà nước. Triển khai các hoạt động định danh, xác thực điện tử phục vụ triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 28-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt, tiếp tục khẩn trương triển khai việc ứng dụng quốc gia về dân cư và căn cước công dân, tích hợp dữ liệu tiêm chủng, xét nghiệm Covid-19 và dữ liệu an sinh xã hội để phục vụ quản lý xã hội trong điều kiện “bình thường mới” theo tinh thần Nghị quyết 128/CP của Chính phủ về thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”.

(Còn nữa)

Bài 3: Nền tảng quan trọng xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số