- Vợ chồng ông Khốn Khổ và chuyện gửi lại chức để cai nghiện
- Cùng cực cảnh đời người đàn ông có vợ và hai con mất tích trên sông Hậu
Hai vợ chồng ông Niết và bà Tý không ngờ rằng họ có thể gặp lại được nhau
Đã không còn hy vọng
Trải qua gần nửa thế kỷ, những người trong gia đình ông Nguyễn Niết (87 tuổi) và bà Phan Thị Tý (85 tuổi, quê ở xã Quế Thuận, Quế Sơn, Quảng Nam) đã được gặp lại nhau. Đây là điều tất cả mọi người trong gia đình ông bà đều không ai nghĩ tới. Bởi suốt một thời gian dài, trong tâm thức của mỗi thành viên đều đinh ninh rằng người thân của mình đã mất trong chuyến tàu vào Nam định mệnh năm 1975.
Trên chuyến đi năm đó gia đình ông Niết có tất cả 6 thành viên gồm 2 vợ chồng ông bà cùng 4 người con. Vì hoàn cảnh chen lấn và sự hoảng hốt nên 6 thành viên trong gia đình đã lạc nhau nhiều hướng. Mặc dù mỗi người đã cố gắng len lỏi trong dòng người đông đúc để tìm kiếm nhưng không tài nào tìm thấy được nhau. “Hồi đó gia đình chúng tôi bị lạc thành 4 ngả. Tôi và đứa con trai thứ hai đi một nơi, một đứa con trai khác thì lạc vào Sài Gòn. Con gái đầu cùng nhóm người khác vào Nha Trang còn bà nhà tôi và đứa con gái út, lạc đến Vũng Tàu, sau gần 3 tháng, hai mẹ con bà ấy quay về được địa phương. Thật may mắn là tất cả đều sống sót!”, ông Niết cho biết.
Cũng theo lời ông Niết thì sau khi tìm kiếm vợ con trên chuyến xà lan không thấy, ông và người con trai thứ hai tên Tuệ theo tàu lớn vào cảng Cam Ranh sống lang thang một thời gian. Tại đây, cứ lúc nào gặp người dân ở quê đến là ông đều hỏi thăm tin tức của vợ con. Suốt hơn 1 năm ròng rã, không có ngày nào mà ông không chờ chực ở cảng tàu để ngóng trong hy vọng sẽ có người biết được tung tích gia đình mình nhưng câu trả lời mà ông nhận được đều chỉ là những cái lắc đầu đầy tuyệt vọng.
Cho đến một lần, ông nghe được thông tin về vợ con mình nhưng tin này khiến ông như ngã quỵ. Họ cho ông biết rằng vợ và các con ông đã không may rơi xuống biển và chắc chắn đã chết. Đau buồn, ông lầm lũi dắt theo đứa con trai vào Cam Ranh lập nghiệp. “Tôi nghĩ rằng vợ con mình đã chết và về nhà lập bàn thờ rồi lấy ngày đi di tản hàng năm để cúng giỗ cho họ. Khi hòa bình lập lại, tôi cũng rất muốn về quê để sinh sống nhưng vì cảm thấy hổ thẹn với bản thân đã để vợ con mình chết, không biết phải ăn nói như thế nào với bà con cũng như đối diện với quá khứ đau lòng nên từ đó đến nay tôi không dám về quê. Vài năm sau, tôi kết hôn với một người khác và sinh thêm được 3 người con trai rồi định cư ở Khánh Hòa luôn!”, ông Niết tâm sự.
Về phần bà Tý và 3 người con còn lại, sau khi chiến tranh kết thúc, họ bắt đầu quay về xây dựng cuộc sống mới ở trên quê hương mình. Những người dân trước đây cũng lần lượt trở về quê cũ. Bà cố gắng hỏi thăm tin tức về chồng nhưng đa phần tất cả mọi người đều bảo rằng ông đã chết. Tuyệt vọng, bà chỉ còn biết nuốt nước mắt vào trong rồi về nhà lập bàn thờ để thờ cúng cho người chồng cùng đứa con trai xấu số.
“Nghe các chú các bác trong vùng nói thế nên mẹ con tôi ai cũng tin rằng cha đã mất. Hơn nữa nếu cha còn sống thì chắc chắn sẽ quay về nhưng đã nhiều năm qua không nghe tin tức gì của cha khiến chúng tôi càng nghĩ rằng cha và em mình đã không còn nữa. Cứ thế, hàng năm mẹ con chúng tôi đều làm vài mâm cơm đặt lên bàn thờ để tưởng nhớ ông. Cho đến cách đây hơn 2 tháng, trong lúc tôi đang bán hàng ở chợ thì nghe thông tin phong thanh từ một người thân cho rằng có khả năng cha mình vẫn còn sống. Thực sự tôi không tin nhưng cũng hy vọng đó là sự thật. Ngay lập tức, tôi chạy về nhà rồi gọi người em gái cùng đi tìm hiểu xem thực hư điều này là như thế nào”, chị Nguyễn Thị Ty (con gái ông Niết) kể lại.
Ngày gặp lại
Thông tin này xuất phát từ anh Lê Văn Can hiện đang làm công tác Đảng ở xã Quế Thuận. Anh Can cho biết có một thanh niên tên Nguyễn Văn Hải quê ở Cam Ranh (Khánh Hòa) đến UBND xã Quế Thuận xác minh lý lịch vào Đảng. Trong lý lịch này, anh Hải khai rằng cha mình có người ba nuôi tên là Lê Đó đang sinh sống ở địa phương. Vậy nhưng ở trong vùng, ông Đó lại được người dân gọi với một cái tên khác nên không ai để ý. Hơn nữa, ông Đó cũng xác nhận mình có một đứa con nuôi nên là Nguyễn Nết chứ không phải là Nguyễn Niết nên chính quyền xã không chấp thuận lý lịch mà anh Hải gửi tới.
Ở xã Quế Thuận, từ già tới trẻ, tất cả người dân đều gọi ông Đó với cái tên khác là ông Tình. Rất ít người biết tên trong khai sinh của ông là Lê Đó. Thế mà một người ở tỉnh khác cách mấy trăm cây số lại biết rõ tên của ông nên ông Đó mới thấy ngạc nhiên. Đồng thời, cha của người thanh niên tên Hải lại có cái tên gần giống với tên con nuôi của ông hồi trước (Nết và Niết) khiến ông Đó càng nghi ngờ hơn. Thấy thế nên ông Đó mới báo lại với chị Ty rồi bảo gia đình chị thử tìm hiểu xem thế nào. Nghe thế, chị Ty liền lên UBND xã xin xem lại hồ sơ lý lịch của người thanh niên tên Hải rồi lấy số điện thoại hỏi thăm.
Khi chị Ty gọi điện thì được biết rằng hồi trước đó cha của anh Hải cũng đã từng có vợ là Phan Thị Tý đồng thời hai vợ chồng ông bà có với nhau 4 người con nhưng đã mất 3 người rồi. Nghe đến đây, chị Ty không thể giữ được bình tĩnh nữa. Đến lúc này, chị mới tin chắc rằng cha mình còn sống. Tối hôm đó, chị nói chuyện với mẹ và chỉ mong trời sáng thật nhanh để bắt xe vào Khánh Hòa đón cha về.
Nghe tin ông Niết trở về, bà con hàng xóm đều tìm đến hỏi thăm và chúc mừng cho gia đình. Trong niềm hạnh phúc vì gặp lại vợ con sau hơn 40 năm xa cách, ông Niết tâm sự: “Thằng Hải là con riêng của tôi với bà vợ sau. Cũng may là nhờ nó về đây xác minh lý lịch mà chúng tôi mới có cơ hội gặp lại nhau. Còn về sự khác biệt giữa cái tên Nguyễn Niết và Nguyễn Nết là do đặc trưng về giọng nói ở hai vùng khác nhau. Tôi tên thật là Nguyễn Nết nhưng vào trong đó khi làm lại giấy khai sinh vì giọng Quảng Nam có phần nặng hơn nên họ ghi nhầm thành Nguyễn Niết rồi tôi cũng để như vậy luôn. Tôi bây giờ thành ra là người có đến 2 gia đình. Bởi thế mà tôi dự định sẽ ở lại đây một vài tháng với vợ con rồi sau đó vào lại trong kia. Chắc chắn rằng thời gian tiếp theo tôi sẽ ra vào thường xuyên bởi trách nhiệm của tôi bây giờ không chỉ có một nơi duy nhất. Chỉ mong rằng ông trời thương cho tôi sức khỏe để đi lại thôi”.
Trước những lời nói của chồng, bà Tý vui vẻ nói thêm: “Gặp lại ông là tôi vui rồi. Tôi biết là ông ấy cũng khó xử khi có 2 gia đình ở hai nơi. Biết thế nên tôi sẽ tôn trọng quyết định của ông ấy và không trách gì ông cả. Nhưng hiện tại, tôi muốn ông ấy ở đây với tôi vài tháng nữa. Hai vợ chồng chúng tôi đã xa cách nhiều năm nên có rất nhiều chuyện muốn nói với nhau”.