Trăm dâu đổ đầu xe buýt

ANTĐ - Lâu nay và nhất là mấy ngày này dư luận xôn xao về việc lái, phụ xe buýt tuyến Mỹ Đình - Gia Lâm có hành vi kém văn hóa, bắt khách quỳ xin mới được mở cửa xe cho xuống, kết quả là hai anh công nhân xe buýt ấy bị đuổi việc tức thời…

Lái xe buýt là nghề chịu nhiều áp lực tâm lý

Rồi bên cạnh đó xe buýt lại gây ra một số tai nạn chết người, rồi đi xe buýt dễ bị mất cắp, rồi xe buýt chạy chậm giờ, bỏ bến v.v… tất cả những “tội” đó xe buýt lĩnh đủ. Thật sự tất cả những “tội” ấy đều có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Báo chí nêu, “Xe buýt lại cán chết người…” mà không nêu rõ nguyên nhân vì sao, bạn đọc chỉ đọc cái “tít” như thế thì đã có ngay ý nghĩ “xấu” cho xe.

Cách đây vài hôm, 2 xe buýt cán chết người thì nguyên nhân không phải lỗi hoàn toàn của lái xe mà chính là sự khinh khi của nạn nhân, đi xe máy mà một tay cầm hoa, lao vào phía sau xe ngã lăn vào gầm phía sau, thì không một lái xe nào biết mà “phanh” kịp. Lại hôm sau một xe khác gây tai nạn cho một đứa trẻ vị thành niên ở ngã tư Lê Duẩn - Hai Bà Trưng, do nguyên nhân đứa trẻ này mắc chứng thiểu năng, khi qua đường cứ chạy ẩu không kiểm soát được hành vi nên cứ tự lao vào đầu xe và rồi xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Thế đấy, muôn vàn cảnh “hi hữu”. Theo tôi được biết, ngành vận tải hành khách bằng xe buýt luôn luôn có những quy định khắt khe đối với lái, phụ xe buýt. Những quy định về nghiệp vụ, hành vi, ứng xử với hành khách, chạy đúng giờ, đúng tuyến, không được bỏ bến, chỉ cần một phản ánh của hành khách là lái, phụ xe phải kiểm điểm và phạt lương, thưởng, trừ điểm thi đua, tái vi phạm là mất việc luôn.

Lái xe buýt là một nghề lao động cực nhọc. Đường sá của thành phố chật hẹp, ý thức người tham gia giao thông còn kém, xe quá đông, nhất là vào giờ cao điểm thì thật vất vả. Mùa đông còn đỡ, chứ mùa hè thì nóng bức gây ra bao nhiêu bực bội, nếu công nhân lái, phụ xe mà không chịu “nhịn” thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra…

Trở lại vụ việc hai anh công nhân lái, phụ xe vừa bị đuổi việc trên đây, thì nghe ra dư luận ai cũng “hả hê”, thế nhưng nhìn vào hoàn cảnh họ thì chưa ai biết. Chú công nhân bán vé mới 19 tuổi vừa vào ngành được một tháng, hoàn cảnh gia đình cực khổ, bố mất sớm, ít được học hành, chưa có thời gian rèn luyện và hành vi mất văn hóa của anh ta xảy ra thật bất ngờ vì quá “tức” câu gây gổ của khách, thế là phạm luật và phạm nội quy của xí nghiệp. Khi kiểm điểm, anh ta còn lơ ngơ không biết viết như thế nào.

Nhưng hành vi ấy bị lên án quá mức, không còn cho “tội đồ” cơ hội ăn năn, hối lỗi, nào là vài báo, rồi cấp trên, ông thanh tra, đến ông sở, ông ngành… hô lên “Đuổi việc ngay”! và nếu cần truy tố! Chao ôi, cả một “hệ thống ngành” đao to búa lớn, thử hỏi một công trình chậm trễ hàng chục năm, gây thiệt hại cho ngân sách hàng chục, hàng trăm tỷ đồng thì chẳng thấy các vị nào bị đuổi việc cả? Tất cả đều “đè” cái anh công nhân kia đi vào cõi bĩ cực. Có người bảo: Nước ta coi trọng văn hóa hơn tiền. Mất vài trăm tỷ không bằng mất một tí văn hóa. Mất hàng tỷ không vi phạm pháp luật nhưng mất văn hóa là bị truy tố ngay? Nói như vậy không có nghĩa là tôi “bênh” hành vi xấu xa của anh công nhân kia, mà tôi muốn nói, mọi việc cần phải bình tĩnh, xem xét từ hoàn cảnh nhân thân và trình độ nhận thức của người vi phạm và cả quá trình, động cơ vi phạm, thì khi ra kỷ luật ai đó người ta mới tâm phục khẩu phục. Nếu không cẩn thận thì dễ đẩy người vi phạm vào “đường hầm không lối thoát”.

Hệ thống vận tải khách của chúng ta còn rất nhiều khiếm khuyết. Nhìn chung xe buýt có rất nhiều cố gắng. Đại đa số công nhân lái, phụ xe đều “hiểu việc làm dâu trăm họ” nên hàng chục triệu lượt người đi xe buýt hàng năm đã đi đến nơi về đến chốn, được hưởng giá rẻ, vì vậy một số hành vi gây phản cảm chúng ta hãy xử lý với tấm lòng vị tha để chính hành động cao cả ấy sẽ là sự tha thứ và là lời kêu gọi mạnh mẽ, động viên anh chị em trong ngành vận tải xe buýt tự nhận thấy sự khoan dung ấy mà vươn lên. Tất nhiên sự thưởng phạt phải nghiêm minh chứ quyết không phải chỉ là “Cẩu đầu trảm”!

Đại đa số công nhân lái, phụ xe đều “hiểu việc làm dâu trăm họ” nên hàng chục triệu lượt người đi xe buýt hàng năm đã đi đến nơi về đến chốn, được hưởng giá rẻ, vì vậy một số hành vi gây phản cảm chúng ta hãy xử lý với tấm lòng vị tha để chính hành động cao cả ấy sẽ là sự tha thứ.