Trái phiếu doanh nghiệp “ấm lên”, giải pháp nào cho câu chuyện phát triển bền vững?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trên thị trường sơ cấp, 7 tháng đầu năm phát hành trái phiếu đạt hơn 174 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 2,78 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trên thị trường thứ cấp, đến hết tháng 7/2024, tổng giá trị giao dịch đạt gần 576 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi phiên đạt khoảng 4 nghìn tỷ đồng.

Thị trường đang “ấm lên”

Ông Tô Trần Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, UBCKNN cho biết, từ cuối năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có nhiều biến động, liên tiếp nhiều vi phạm trên thị trường bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý khiến cho niềm tin của nhà đầu tư bị suy giảm, khối lượng phát hành trái phiếu cũng sụt giảm.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp sửa đổi quy định pháp luật, tăng cường quản lý, giám sát, chấn chỉnh hoạt động trên thị trường TPDN riêng lẻ.

Với việc Hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ được đưa vào vận hành đã giúp tăng thanh khoản cho thị trường, thúc đẩy thị trường TPDN phục hồi và hoạt động ổn định, đồng thời góp phần ổn định tâm lý và tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Sau 1 năm đi vào vận hành, tính đến thời điểm cuối tháng 7/2024, về quy mô thị trường, giá trị trái phiếu doanh nghiệp niêm yết đạt khoảng 773 nghìn tỷ đồng, với 1.043 mã trái phiếu của 264 tổ chức phát hành được ghi nhận trên hệ thống giao dịch TPDN của Sở GDCK Hà Nội.

TPDN phát hành từ đầu năm 2024 đến nay có kỳ hạn phát hành bình quân 4,2 năm và lãi suất phát hành bình quân 6,63%/năm.

Trên thị trường sơ cấp, giá trị phát hành thành công trong 7 tháng đầu năm đạt hơn 174 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 2,78 lần so với cùng kỳ năm 2023 trong đó giá trị phát hành riêng lẻ chiếm 87% và giá trị phát hành ra công chúng chiếm 13%.

Khối tổ chức tín dụng chiếm đa số với tỷ trọng phát hành chiếm hơn 69% trong khi khối sản xuất chỉ đạt 0,47%, tỷ trọng thấp nhất trong tất cả các lĩnh vực.

Trên thị trường thứ cấp, theo số liệu báo cáo giao dịch của SGDCK Hà Nội, tính đến hết tháng 7/2024, tổng giá trị giao dịch đạt gần 576 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi phiên đạt khoảng 4 nghìn tỷ đồng/phiên.

Mặc dù vậy, thị trường vẫn còn một số tồn tại hạn chế. Đó là tình hình tài chính không ổn định, thiếu minh bạch về thông tin tài chính của một số tổ chức phát hành. Điều này dẫn đến nguy cơ không trả được nợ khi đến hạn, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.

Các vụ việc doanh nghiệp vỡ nợ hoặc chậm trả lãi đã làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường. Trong năm 2023, theo báo cáo của Sở GDCK Hà Nội, có 139 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi TPDN với tổng giá trị khoảng 83,6 nghìn tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2023, có 33 doanh nghiệp đã hoàn thành việc thanh toán gốc, lãi với khối lượng khoảng 5,7 nghìn tỷ đồng; 38 doanh nghiệp có phương án đàm phán với nhà đầu tư với khối lượng khoảng 26,1 nghìn tỷ đồng.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang dần tích cực hơn

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang dần tích cực hơn

Cơ cấu nhà đầu tư chưa đa dạng, số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân chiếm 99,73% tổng số tài khoản đăng ký; nhà đầu tư tổ chức chỉ chiếm 0,27% tổng số tài khoản đăng ký.

Tuy nhiên, điểm tích cực là tỷ trọng mua lớn nhất vẫn thuộc về khối nhà đầu tư là các tổ chức tín dụng, chiếm 56,55%.

Một hạn chế nữa là năng lực của các tổ chức trung gian còn hạn chế. Có hiện tượng lách quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không cung cấp đầy đủ thông tin về TPDN, mời chào nhà đầu tư chuyển tiền gửi tiết kiệm sang mua TPDN, sản phẩm tiết kiệm linh hoạt…

Thiếu các tổ chức trung gian, độc lập đủ uy tín tham gia vào quá trình xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, định giá trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc một số TPDN thanh khoản thấp, điều này gây khó khăn cho nhà đầu tư khi cần bán trái phiếu trước hạn để thu hồi vốn.

Xem xét phá sản doanh nghiệp không trả nợ được trái phiếu

Để phát triển, lành mạnh hóa thị trường TPDN Việt Nam, theo chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, trước tiên, đến hết năm 2024 và cả năm 2025 là tiếp tục củng cố, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và phục hồi thị trường TPDN.

Trong trung - dài hạn, cần tổ chức thực hiện tốt Chiến lược tài chính đến năm 2030 cùng với việc ưu tiên hoàn thiện thể chế.

Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng TTCK nói chung và thị trường TPDN nói riêng, nhất là nâng cao chất lượng hệ thống các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở thông tin - dữ liệu về thị trường trái phiếu, về nhà đầu tư, tài sản đảm bảo...

Ngoài ra cần liên tục mở rộng và nâng cao chất lượng nhà đầu tư; hoàn thiện cơ chế và năng lực quản lý và giám sát thị trường; việc quản lý, định hướng phát triển thị trường này cần được gắn chặt với việc quản lý, giám sát rủi ro hệ thống tài chính.

Bản thân doanh nghiệp, tổ chức phát hành cũng cần đa dạng hóa nguồn vốn; quan tâm quản lý rủi ro; chủ động xếp hạng tín nhiệm, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, tăng cường công khai minh bạch, quan tâm tăng trưởng xanh, tài chính xanh.

Về phía nhà đầu tư, cần trau dồi kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, tìm hiểu đầy đủ thông tin về tổ chức phát hành; có thể thông qua nhà đầu tư tổ chức (công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, NHTM…) để đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn, phù hợp.

Còn theo TS Lê Xuân Nghĩa, dư địa của thị trường vốn hiện nay là rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều hồ sơ phát hành trái phiếu, hồ sơ niêm yết còn tồn đọng. Điều này có thể một phần xuất phát từ số lượng nhân sự cơ quan quản lý còn hạn chế, là điều cần khắc phục.

Đối với vấn đề xử lý các vụ việc không trả nợ gốc/lãi trái phiếu đúng hạn làm mất niềm tin nhà đầu tư, vị chuyên gia cho rằng giải pháp khắc phục cơ bản nhất là phá sản. “Doanh nghiệp nào không thể trả được nợ, tình trạng quá tệ nên cho phá sản và nhà đầu tư cần học cách chấp nhận rủi ro, thiệt hại” – ông Nghĩa nói.