Fed mạnh tay giảm 0,5% lãi suất, thị trường tài chính biến động mạnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giảm lãi suất 50 điểm cơ bản (0,5%). Thị trường vàng, chứng khoán và giá vàng đồng loạt biến động mạnh sau quyết định này.

Ngày 18/9, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã có quyết định quan trọng, giảm lãi suất tham chiếu 50 điểm cơ bản (0,5%), về 4,75-5%. Đây là lần giảm lãi suất đầu tiên của ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới kể từ năm 2020.

"Hội đồng ngày càng tin tưởng lạm phát hạ nhiệt bền vững, hướng về 2%. Xác suất thị trường lao động và lạm phát đạt mục tiêu là ngang nhau", Fed cho biết trong thông báo.

Ngân hàng trung ương này cũng nhấn mạnh "luôn sẵn sàng điều chỉnh chính sách tiền tệ nếu có rủi ro phát sinh" và các quan chức Fed dự báo lãi suất tham chiếu giảm thêm 0,5% cuối năm nay và 1% vào năm sau. Sang 2026, họ sẽ hạ tiếp 0,5% để đưa lãi suất về 2,75-3%.

Đây là lần giảm lãi suất đầu tiên của Fed sau 4 năm

Đây là lần giảm lãi suất đầu tiên của Fed sau 4 năm

Sau quyết định của Fed, thị trường tài chính thế giới đã biến động rất mạnh. Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã đồng loạt thiết lập mức cao nhất mọi thời đại mới nhưng sau đó nhanh chóng điều chỉnh.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/09, chỉ số Dow Jones rớt 103,08 điểm (tương đương 0,25%) xuống 41.503,10 điểm. Trước đó, chỉ số này đã tăng tới gần 376 điểm ngay sau quyết định của Fed.

Tương tự, sau khi đạt mức cao kỷ lục, S&P 500 quay đầu giảm và mất 0,29% còn 5.618,26 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm 0,31% xuống 17.573,30 điểm khi chốt phiên.

Tương tự, giá vàng cũng phá kỷ lục ngay sau khi thông tin được công bố, vượt mức 2.595 USD/ounce trước khi nhanh chóng lùi sâu trở lại. Chốt phiên, vàng giao ngay trên Kitco đứng ở mức giá quanh 2.558 USD/ounce, thấp hơn mức giá mở cửa một chút.

Mặc dù Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng ông không thấy bất cứ điều gì trong nền kinh tế hiện nay cho thấy khả năng suy thoái đang gia tăng, tuy nhiên, điều đó dường như chưa đủ củng cố niềm tin của giới đầu tư.

Cùng với đó, các nhà kinh tế học cho rằng phải mất ít nhất là 1 năm, tác động từ việc điều chỉnh lãi suất này mới rõ rệt trong nền kinh tế. Trên thực tế, Mỹ đã tăng từ đầu 2022, nhưng lạm phát nước này vẫn dai dẳng, phải khoảng 1 năm sau mới bắt đầu hạ nhiệt.

Fed đã nâng lãi suất 11 lần kể từ tháng 3/2022 đến tháng 7/2023 để hạ nhiệt lạm phát. Đến tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 2,5%, giảm đáng kể so với mức đỉnh 9% vào năm 2022.