Trả lại “nhà” cho muông thú

ANTĐ - Chính quyền các địa phương miền núi đã có nhiều giải pháp căn cơ để bảo vệ ĐVHD. Những việc làm dù muộn, nhưng đó là cách duy nhất để đáp lại tiếng kêu cứu từ đại ngàn.

Thời gian qua, các ngành hữu quan và chính quyền các địa phương miền núi Quảng Nam đã nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học, xây dựng chiến lược bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) trước mắt lẫn lâu dài nhằm cứu một số loài thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Những việc làm dù muộn, nhưng đó là cách duy nhất để đáp lại tiếng kêu cứu từ đại ngàn.

Việc Quảng Nam chính thức thành lập Khu Bảo tồn (KBT) sao la, trực thuộc Chi cục Kiểm lâm (KL) tỉnh đã thực sự mở ra cơ hội lớn trong bảo tồn loài sao la - một loài đặc hữu vô cùng giá trị của vùng sinh thái dãy Trường Sơn. Sao la là ĐVHD đặc biệt quý hiếm, được tìm thấy lần đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1992 tại Hà Tĩnh, hiện đang được xếp hạng vào nhóm các loài đang bị đe dọa tuyệt chủng trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới.

Rừng nguyên sinh như lá chắn bảo vệ sự đa dạng sinh học, ngôi nhà chung cho các loài ĐVHD (trong ảnh: Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam tuần tra, bảo vệ rừng)

 Rừng nguyên sinh như lá chắn bảo vệ sự đa dạng sinh học, ngôi nhà chung cho các loài ĐVHD
(trong ảnh: Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam tuần tra, bảo vệ rừng)

Để ra đời KBT này, trước đó Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) phối hợp với các nhà khoa học và  các ngành liên quan của Quảng Nam tiến hành khảo sát, thu thập thông tin về số lượng quần thể và khoanh vùng bảo tồn ưu tiên. KBT loài sao la nằm trên địa phận 2 huyện Đông Giang và Tây Giang rộng 16.500ha, nơi cao nhất có độ cao 1.298m so với mực nước biển. Nơi đây có các thung lũng hẹp với dòng chảy và thác dốc.

Không chỉ tạo ra “vùng lõi” an toàn cho sao la sinh sống, KBT còn là ngôi nhà bảo tồn hệ sinh thái rừng nhiệt đới, đa dạng hệ động thực vật ở dãy Trường Sơn.

Ông Đặng Đình Nguyên - Phó Chi cục trưởng Chi cục KL Quảng Nam kiêm Giám đốc KBT loài sao la cho biết: “Với nguồn vốn tài trợ khá lớn, cùng với sự vận hành của bộ máy Ban Quản lý chắc chắn sẽ bảo tồn có hiệu quả loài sao la. Ngoài ý nghĩa giúp loài thú này thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng, còn có giá trị lâu dài đối với việc phát triển kinh tế vùng cao và duy trì tính đa dạng sinh học cho khu vực”.

Còn bà Trần Minh Hiền - Giám đốc WWF Chương trình Việt Nam khẳng định: KBT sao la tại Quảng Nam cùng với KBT sao la tại TT-Huế và khu vực mở rộng của Vườn Quốc gia Bạch Mã sẽ tạo ra vệt hành lang đa dạng sinh học nối liền các cánh rừng Trường Sơn được bảo tồn từ bờ Đông của Việt Nam với khu vực phía Tây Vườn Quốc gia Xe Sap của Lào, hình thành một sinh cảnh lớn cho sao la và các loài thú lớn khác sinh sống. Ngoài ra, việc bảo tồn và gìn giữ vùng sinh cảnh rừng này sẽ góp phần không nhỏ vào cuộc chiến giảm thiểu tối đa thiệt hại do biến đổi của khí hậu.

Một con sơn dương vừa bị “dính” bẫy trong KBTTN Sông Thanh. Ảnh: H.P.

Một con sơn dương vừa bị “dính” bẫy trong KBTTN Sông Thanh. Ảnh: H.P. 

 WWF vừa quyết định tài trợ 1,796 triệu EUR để tập trung bảo vệ quần thể sao la tại vùng Trường Sơn thuộc địa bàn Tây Giang và Đông Giang. Dự án thực hiện trong 4 năm (2011 - 2014), chủ yếu tập trung tăng cường năng lực bảo tồn cho KBT sao la và phục hồi rừng hành lang bảo tồn đa dạng sinh học.

Chiến lược “giải cứu” nhiều loài ĐVHD quý hiếm trên đà diệt chủng chính là bảo tồn đa dạng sinh học, giữ cho được rừng ở dải Trường Sơn mà cụ thể là tránh tác động, xâm hại xấu vào các KBT. Nằm giáp biên giới nước Lào, KBTTN Sông Thanh có tổng diện tích hơn 93.200ha vùng lõi và gần 108.400ha vùng đệm.

Theo khảo sát của WWF - Đông Dương và Viện Điều tra quy hoạch rừng Việt Nam, hệ động vật rừng ở đây rất đa dạng với danh mục gồm 53 loài thú, 183 loài chim, 44 loài bò sát, 21 loài lưỡng cư, 25 loài cá... Kết quả khảo sát cũng cho thấy sự hiện diện của nhiều loài thú lớn và hiếm như hổ, báo, voi, voọc chà vá chân nâu, voọc chà vá chân xám...

Trong giai đoạn này, lãnh đạo chính quyền Quảng Nam cũng đang quy hoạch, đề xuất thành lập các KBT voi Nông Sơn, KBT Ngọc Linh, KBT Cù lao Chàm. Các chính sách, kế hoạch, hành động bảo tồn đa dạng sinh học đã vạch sẵn, tăng cường các biện pháp quản lý rừng bền vững, mạnh dạn triển khai giao đất giao rừng cho cộng đồng dân cư. Ngoài ra, còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp cộng đồng dân cư hiểu ý nghĩa của bảo tồn đa dạng sinh học, nhất là giúp người dân không săn bắn, tiêu thụ các sản phẩm từ ĐVHD không rõ nguồn gốc. 

Sao la đang được trả lại “nhà” nhờ Quỹ WWF tài trợ.

Sao la đang được trả lại “nhà” nhờ Quỹ WWF tài trợ. 

 Một động thái tích cực khác, UBND tỉnh Quảng Nam đã xây dựng “Chiến lược bảo tồn tài nguyên và đa dạng sinh học tầm nhìn đến năm 2020”.

Theo đó, đã thông qua 204 quy ước quản lý rừng dựa vào cộng đồng, thành lập 204 tổ quản lý bảo vệ rừng tại 26 xã miền núi trọng điểm. Chính quyền các địa phương miền núi đã có nhiều giải pháp căn cơ để bảo vệ ĐVHD, xây dựng hương ước cho các thôn bản cấm săn, bẫy bắt, đốt phá rừng làm nương rẫy và ổn định sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, kêu gọi các dự án, tổ chức phi chính phủ đầu tư bảo tồn đa dạng sinh học.

Quảng Nam là một trong 3 tỉnh (cùng với TT-Huế và Quảng Trị) chính thức được Ngân hàng Phát triển Châu Á tài trợ hơn 34 triệu USD cho Dự án “Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng Mê Kông mở rộng giai đoạn 2”, nhằm phục hồi sinh cảnh trên các vùng đất rừng bị suy thoái, cải thiện sinh kế lâu dài cho đồng bào để tránh nguy cơ xâm hại rừng, săn bắn ĐVHD.

Chúng tôi xin mượn lời của bà Trần Minh Hiền để kết thúc loạt bài viết này, và đó là thông điệp được đưa ra: Rừng Trung Trường Sơn là một trong số ít nơi còn sống sót một số động vật quý hiếm. Mục đích chính khi các dự án mạnh dạn tài trợ khu vực này là bảo vệ cho bằng được vùng sinh cảnh, “ngôi nhà” lớn cho các loài muông thú tồn tại. Nói rộng ra, chính quyền tỉnh Quảng Nam cần quy hoạch nhất quán, đồng bộ khi phát triển KT-XH ở miền núi, hạn chế tối đa phá vỡ cảnh quan sinh thái. Như vậy, chúng ta mới có hy vọng “giải cứu” muông thú quý hiếm thoát khỏi bờ diệt vong.