Tổng thống Peru nhờ tổ chức khu vực can thiệp vì nguy cơ “đảo chính”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) đã có động thái ủng hộ Chính phủ của Tổng thống Peru Pedro Castillo sau khi nhận được văn bản đề nghị trợ giúp vì nguy cơ “đảo chính”.
Tổng thống Peru Pedro Castillo

Tổng thống Peru Pedro Castillo

Hội đồng thường trực của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) đã kích hoạt Hiến chương Dân chủ liên Mỹ để ủng hộ Tổng thống Peru Pedro Castillo và quyết định cử một phái đoàn cấp cao đến phân tích tình hình chính trị ở Peru. Nghị quyết của OAS được đưa ra trong một phiên họp bất thường ngày 21-10, sau khi ông Castillo đề nghị tổ chức giúp đỡ để vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị của đất nước. Chính phủ của ông Castillo đã gửi văn bản cho OAS bày tỏ rằng, họ muốn “duy trì thể chế dân chủ và việc thực thi quyền lực một cách hợp pháp”.

Tuần trước, ông Patricia Benavides - Tổng Chưởng lý Peru đã đệ đơn khiếu nại dài 376 trang cáo buộc Tổng thống nhận “lại quả” cho các hợp đồng cơ sở hạ tầng và cầm đầu một tổ chức tội phạm trong chính phủ. Ông Patricia Benavides nhấn mạnh rằng, các nhà điều tra đã tìm thấy “những dấu hiệu rất nghiêm trọng về một tổ chức tội phạm đã bám rễ trong chính phủ”. Tổng thống hiện đang bị Bộ Công chính điều tra vì các cáo buộc này. Đơn kiện được đưa ra chỉ vài giờ sau khi cơ quan chức trách bắt giữ 3 cố vấn của ông Castillo và 3 giám đốc điều hành kinh doanh bị cáo buộc bí mật tài trợ cho chiến dịch của ông vào năm ngoái.

Tổng Chưởng lý Patricia Benavides còn đang yêu cầu Quốc hội Peru dỡ bỏ quyền miễn trừ của Tổng thống Pedro Castillo chỉ 14 tháng sau khi ông nhậm chức, dọn đường cho việc truy tố hình sự và khả năng bị phế truất. Trước đó, ông Castillo - một người theo chủ nghĩa dân túy - trở thành Tổng thống đã vượt qua 2 cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm khi các nhà lập pháp không tập hợp được 2/3 số phiếu cần thiết. Nhưng giờ đây, Quốc hội do phe đối lập kiểm soát hoàn toàn có thể đình chỉ chức vụ hoặc phế truất hoàn toàn ông Castillo.

Ông Pedro Castillo đã lên án cái mà ông gọi là “cuộc đảo chính” chống lại chính phủ đương nhiệm do Văn phòng Tổng Chưởng lý và Quốc hội do phe đối lập kiểm soát dàn dựng. Do vậy, nhiệm kỳ ngắn ngủi, hỗn loạn của Castillo đã bị chi phối bởi những cáo buộc về sự kém cỏi và sai phạm trong điều hành. Kể từ khi nhậm chức vào tháng 7-2021, người cựu giáo viên nông thôn và lãnh đạo phong trào đình công đã điều hành đất nước trên nền tảng khiêm tốn về mặt kỹ trị.

Tỷ lệ ủng hộ ông ngày càng giảm sút, một phần bởi ông không giải quyết được lời hứa cải thiện cuộc sống của người nghèo. Một nửa trong số 33 triệu người của Peru đang gặp phải tình trạng mất an ninh lương thực, gấp đôi mức trước đại dịch và dự kiến sẽ tiếp tục tăng do cạn nguồn phân bón thường nhập khẩu từ Ukraine và Nga không được thay thế. Thực ra, những tin tức như vậy không còn xa lạ đối với người dân Peru.

Với các cuộc khủng hoảng chính trị liên tiếp, quốc gia Nam Mỹ này có thể đã lập kỷ lục thế giới về việc đưa các cựu Tổng thống ra trước công lý. Ít nhất 5 cựu Tổng thống Peru gần đây vướng vòng lao lý: 1 người đang thụ án tù, 1 người khác đang chống lại việc dẫn độ từ Mỹ, 2 người khác đang chờ xét xử các vụ án tham nhũng. Nhân vật thứ năm đã tự tử vào năm 2019 khi cảnh sát ập vào nhà bắt ông ta vì tội hối lộ.

Bà Alexandra Ames - nhà khoa học chính trị tại Đại học Thái Bình Dương ở Thủ đô Lima (Peru) thừa nhận rằng, việc để một tổng thống có khả năng phạm tội tại vị sẽ gây tổn hại thêm cho đất nước. Nhưng bà cảnh báo rằng, việc loại bỏ nhà lãnh đạo bằng một cơ chế bất hợp pháp có thể dẫn đến tình huống cực đoan hơn. “Đất nước ngày càng suy thoái. Trong bối cảnh phân cực cực đoan, không bên nào đưa ra các giải pháp thực sự. Mọi người nhìn vào giới lãnh đạo, nhưng không ai nhận ra cuộc khủng hoảng của các thể chế và chính sách công”.