Vợ chồng cựu Tổng thống Peru hầu tòa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tòa án Peru tuần vừa rồi đã mở phiên tòa xét xử tội danh tham nhũng đối với vợ chồng cựu Tổng thống Ollanta Humala. Cả 2 đều bị cáo buộc rửa tiền trong vụ bê bối mà “gã khổng lồ” xây dựng Brazil Odebrecht liên đới tới các nhà lãnh đạo cao nhất ở đất nước Nam Mỹ này trong 20 năm qua.
Vợ chồng cựu Tổng thống Peru Ollanta Humala

Vợ chồng cựu Tổng thống Peru Ollanta Humala

Ông Ollanta Humala là cựu lãnh đạo Peru đầu tiên hầu tòa trong vụ bê bối tham nhũng lớn nhất Mỹ Latinh, mặc dù 3 cựu tổng thống khác cũng dính líu đến vụ này. Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài trong vài tháng. Cơ quan công tố đã đưa ra danh sách 285 nhân chứng, bao gồm cựu Chủ tịch Odebrecht Marcelo Odebrecht hiện đang ở tù cùng các cựu giám đốc điều hành của công ty này là Luiz Mameri và Jorge Barata. Phiên tòa diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Các công tố viên cáo buộc ông Humala và vợ nhận hơn 3 triệu USD từ Odebrecht cho các chiến dịch tranh cử tổng thống của ông vào năm 2006 và 2011. Nhà chức trách từ đó đề nghị bản án 20 năm tù cho nhà cựu lãnh đạo và 26 năm cho vợ ông - bà Nadine Heredia, người bị cáo buộc đã sử dụng tiền hối lộ để mua một số tài sản riêng. Tuy nhiên ,cả 2 đều phủ nhận mọi hành vi sai trái.

Ông Humala vốn là một cựu đại tá quân đội, dù thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2006 nhưng đã giành chiến thắng ở kỳ bầu cử 5 năm sau đó. Ông đã kết thúc nhiệm kỳ của mình với tỷ lệ ủng hộ thấp vào năm 2016, mặc dù chính sách của ông là tích cực ủng hộ đầu tư tư nhân và bắt đầu các chương trình xã hội cho người nghèo. Vợ chồng cựu Tổng thống Humala bị bắt vào năm 2017 như một biện pháp phòng ngừa, nhưng được thả vào năm 2018. Giờ đây, cựu Đệ nhất phu nhân đang bị quản thúc tại gia và cựu Tổng thống được tự do, mặc dù hàng tháng ông phải đến tòa án trình diện và ký trước thẩm phán.

Trước đó, Công ty Odebrecht thừa nhận trong một thỏa thuận nhận tội với Bộ Tư pháp Mỹ về việc trả 800 triệu USD hối lộ cho các quan chức cấp cao trong khu vực để đổi lấy các hợp đồng công trình công cộng béo bở. Chỉ riêng Peru, gã khổng lồ xây dựng có trụ sở tại São Paulo đã giành được các hợp đồng công khai với tổng trị giá 25 tỷ USD trong hơn 30 năm. Theo lời khai từ cựu Chủ tịch Marcelo Odebrecht, công ty của ông đã đưa tiền mặt cho tất cả các ứng cử viên chính trị lớn ở Peru. Thời điểm sự việc vỡ lở năm 2017 khi dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt trị giá 7 tỷ USD của công ty Brazil bị tê liệt. “Hiệu ứng Odebrecht”, trong đó có sự mất niềm tin của các nhà đầu tư đã kéo giảm tăng trưởng GDP của Peru.

Ở hầu hết các quốc gia, việc bắt giữ một cựu nguyên thủ quốc gia với cáo buộc tham nhũng sẽ gây náo động. Còn ở Peru, cựu Tổng thống Ollanta Humala và Phu nhân Nadine Heredia bị đưa ra xét xử đến nay gần như không khiến dư luận bất ngờ. Bởi gần như mọi cựu tổng thống còn sống của nước này hiện đang bị điều tra. Trong số này, cựu Tổng thống Alejandro Toledo (tại vị từ năm 2001 đến 2006) đã bị cáo buộc nhận tiền bất hợp pháp từ Odebrecht và đang phải đối mặt với quá trình dẫn độ từ Mỹ. Một cựu lãnh đạo khác là Pedro Pablo Kuczynski (rời nhiệm sở vào năm 2018) cũng đang bị quản thúc tại gia vì các cáo buộc tương tự. Danh sách còn bao gồm cựu Tổng thống Alan García (nhiệm kỳ từ năm 2006 đến 2011). Ông này đã tự sát vào năm 2019 khi nhà chức trách đến nhà riêng để bắt giữ vì liên quan đến cuộc điều tra Odebrecht.