Tổng thống Mỹ xuống tay chi 500 triệu cho 25.000 tay súng đối lập Syria, khiến Nga lo lắng

ANTD.VN - Ngày 12-12 Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký duyệt ngân sách Quốc phòng Mỹ năm 2018. Trong đó có 500 triệu USD sẽ được Mỹ chi cho các trang bị và đào tạo cần thiết tại Syria cho khoảng 25.000 chiến binh thuộc các nhóm đối lập. Việc này gây cho Nga mối lo ngại sâu sắc.

Cũng như Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ rất coi trọng sự ảnh hưởng tại Syria, vì địa thế rất quan trọng của quốc gia này tại khu vực Trung Đông. Dù trước đó Mỹ từng hứa ngừng cung cấp vũ khí cho người Kurd theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên tình thế mới lại khiến Mỹ rút lại quyết định trên để can thiệp sâu hơn vào cuộc chiến tại đây.

Sau khi hỗ trợ hết mình cho các cánh quân đối lập, đặc biệt là lực lượng Dân chủ Syria (SDF) trong việc đánh bại IS, Mỹ vẫn đưa ra tuyên bố còn duy trì sự hỗ trợ cho phe đối lập tại Syria.

"Chúng tôi phải hỗ trợ thêm khí tài - nhưng rất hạn chế, cực kỳ hạn chế và tất cả chúng đều rất minh bạch với Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh NATO". Tuyên bố của người đại diện Mỹ được đưa ra trong một cuộc họp báo đặc biệt diễn ra vào ngày 21-12 nhằm xoa dịu Ankara.

Trước đó trong tháng 6-2017, Mỹ đã từng hứa với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tiếp tục cung cấp vũ khí cho nhóm người Kurd thuộc lực lượng dân quân YPG (lực lượng này luôn xung đột quyền lợi với Thổ Nhĩ Kỳ) tại bắc Syria sau khi IS bị tiêu diệt.

Nhưng những diễn biến thay đổi liên tục tại chiến trường khiến Mỹ tiếp tục gửi vũ khí tới Syria trong năm nay. Số vũ khí này bao gồm hàng nghìn súng phóng rocket chống tăng, tên lửa tầm nhiệt và nhiều vũ khí bộ binh khác.

Ngoài ra còn có 300 phương tiện vận chuyển không tác chiến, 60 xe bọc thép hạng nhẹ, 30 xe vận tải hạng nặng để xây dựng các tiền đồn hoặc các hoạt động xây dựng, giải tỏa trong khu vực.

Bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết, Mỹ sẽ chi khoảng 500 triệu USD để cung cấp vũ khí và huấn luyện cho các đồng minh tại Syria.

Đồng minh của Mỹ tại Syria chính là lực lượng SDF với vai trò nòng cốt là các chiến binh người Kurd.

Theo danh sách của ngân sách hỗ trợ đồng minh này thì có đến 25.000 chiến binh sẽ được cung cấp vũ khí cũng như huấn luyện.

Và con số này có thể tăng lên tới trên 30.000 chiến binh vào giữa năm 2018.

Talal Sillo - cựu sĩ quan cao cấp, người phát ngôn của lực lượng SDF do Mỹ hậu thuẫn đã đào ngũ và trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng trước. Ông đã tiết lộ bằng chứng về việc Mỹ đang vũ trang cho các nhóm người Kurd.

Việc Mỹ hỗ trợ này không những khiến Thổ Nhĩ Kỳ phật ý mà còn làm Nga hết sức lo lắng.

Hiện Nga vẫn đang tích cực hỗ trợ tích cực cho quân đội Syria (SAA) chống lại các tổ chức khủng bố và lực lượng đối lập.

Trong đó SDF được coi là nhóm đối lập lớn nhất và có số lượng chiến binh mạnh nhất hiện nay tại Syria.

Giao chiến hiện nay giữa SDF và SAA đang tạm lắng do Syria đang tập trung tiêu diệt lực lượng khủng bố HTS nổi lên mạnh mẽ sau khi IS bị tiêu diệt và lực lượng quân đội Syria tự do (FSA) sau khi bị Mỹ bỏ rơi.
Một lý do nữa khiến liên quân Nga-Syria chưa vội tấn công SDF là do Mỹ đang hỗ trợ tích cực và sẵn sàng trả đũa mạnh mẽ nếu lực lượng này bị tấn công.

Trước tình thế Mỹ tiếp tục đổ tiền và vũ khí vào Syria cho lực lượng đối lập SDF khiến cả Nga và Syria phải có những bước đi chiến lược trước viễn cảnh SDF ngày một lớn mạnh.

Như vậy, Mỹ không chỉ đang duy trì sự hiện diện quân sự tại Syria và tạo ra những đội quân mới để chống lại chính phủ Syria.

Chiến trường những ngày qua với sự thất trận liên tục của SAA tại một số vùng chiến sự ven thủ đô Damascus trước phiến quân FSA và khủng bố HTS.

Không những vậy, mới đây Nga còn bị phiến quân tấn công thẳng vào sân bay khiến 7 máy bay chiến đấu các loại của Nga bị hư hỏng.

Đây được coi là thiệt hại chưa từng có đối với lực lượng quân sự Nga kể từ khi cuộc chiến tại Syria bắt đầu.

Giới quan sát nhận định, trong năm nay với cuộc chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống Nga khiến ông Putin không thể mạnh tay chi tiêu ngân sách cũng như gửi quân và trang thiết bị sang Syria.

Thậm chí nhiều ý kiến cho rằng động thái tuyên bố thắng khủng bố và rút quân vừa qua của ông Putin chủ yếu mang tính chiến thuật để lấy lòng cử tri Nga hơn là mang một ý nghĩa chiến lược.

Sự rút quân của Nga tại Syria khiến quân đội Syria chịu những tổn thất không nhỏ.

Một số trận chiến tại thủ đô Damascus còn khốc liệt hơn cả những trận chiến với khủng bố IS trước đây.

Điều này buộc Nga phải sử dụng tới những vũ khí cực mạnh như bom nhiệt áp, bom cháy, và cả hỏa thần nhiệt áp TOS-1A để bù đắp cho việc rút bớt cường độ không kích.

Dù đã mạnh lên rất nhiều do được Nga bơm vũ khí, nhưng quân đội Syria vẫn chưa đủ sức để đương đầu với các đối thủ tại chiến trường này.

Vì vậy nếu SDF lớn mạnh do Mỹ bơm tiền và vũ khí sẽ càng khiến cuộc tình hình khó khăn hơn cho Nga và Syria.

Trước mắt tình hình có thể sẽ bất lợi cho quân đội Syria ít nhất cho đến khi cuộc bầu cử Tổng thống Nga ngã ngũ, và dường như với tỷ lệ ủng hộ hiện nay thì gần như chắc chắn ông Putin sẽ tiếp tục cương vị người đứng đầu nước Nga nhiệm kỳ tới.