Tổng thống Mỹ kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cam kết chấm dứt đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tổng thống Mỹ Joe Biden thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới cùng cam kết tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho 70% dân số thế giới chỉ trong vòng 1 năm tới.

* Đảm bảo 70% dân số thế giới được tiêm chủng

Thế giới đặt mục tiêu tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho 70% dân số toàn cầu trong năm 2022

Thế giới đặt mục tiêu tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho 70% dân số toàn cầu trong năm 2022

Mục tiêu mới cho toàn thế giới chấm dứt đại dịch

Mục tiêu đầy tham vọng trên dự kiến sẽ được Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố trong cuộc họp thượng đỉnh thảo luận về đại dịch Covid-19 mà Mỹ sẽ đứng ra tổ chức vào tuần tới. Nhà Trắng coi sự kiện này là cơ hội để đặt ra các mục tiêu mới cho toàn thế giới nhằm chấm dứt đại dịch dưới sự lãnh đạo của Mỹ. “Mục tiêu 70% là tham vọng nhưng phù hợp với các mục tiêu hiện có” - Nhà Trắng tuyên bố. Dự kiến, tại hội nghị thượng đỉnh được tổ chức theo hình thức trực tuyến, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ kêu gọi nguyên thủ các quốc gia, người đứng đầu Chính phủ, các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các doanh nghiệp và tổ chức từ thiện cùng nhau cam kết chấm dứt đại dịch Covid-19.

Trong thư mời dự hội nghị, Mỹ yêu cầu những quốc gia tham dự hội nghị liệt kê danh sách cung cấp 1 tỷ liều vaccine bổ sung và đẩy nhanh việc phân phối 2 tỷ liều vaccine theo cam kết - dự kiến sẽ được đưa ra trong cuộc họp trên. Mỹ cũng kêu gọi các quốc gia đảm bảo 3 tỷ USD sẵn có trong năm nay và chuẩn bị 7 tỷ USD vào năm 2022 để tài trợ cho công tác sẵn sàng và quản lý vaccine, chống lại sự chần chừ và việc phải mua vaccine lại từ các nguồn cung cấp phụ trợ.

Được biết, Mỹ đã yêu cầu các quốc gia tham gia hội nghị trên sẽ phải gửi trước danh sách các mục tiêu phòng, chống Covid-19 của mình trong thời gian tới, bao gồm các mục tiêu về tiêm chủng, giải quyết tình trạng thiếu oxy và đảm bảo tất cả các quốc gia được tiếp cận với phương pháp trị liệu để điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Đồng thời kèm theo gửi một đoạn video ngắn trình bày cách thức dự định đạt được các mục tiêu này.

Để đảm bảo 70% dân số thế giới được tiêm chủng

Hội nghị thượng đỉnh thảo luận về đại dịch Covid-19 được tổ chức đúng vào thời điểm diễn ra cuộc họp thường niên của Đại Hội đồng Liên hợp quốc diễn ra tại New York (Mỹ) vào tuần tới. Mỹ cho biết các cuộc họp thảo luận về đại dịch Covid-19 bổ sung cũng đã được lên kế hoạch ở các cấp cao nhất vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Tiến sĩ Vivek Murthy - Tổng Y sĩ Mỹ cho biết: “Sẽ có nhiều hành động đối phó với đại dịch Covid-19 hơn nữa mà chúng tôi tiếp tục thực hiện trong những ngày tới, và đặc biệt là trên mặt trận toàn cầu. Tổng thống Joe Biden sẽ đưa ra thông báo trước Đại hội đồng Liên hợp quốc về các biện pháp bổ sung mà chúng tôi đang tham gia hỗ trợ công tác tiêm chủng trên thế giới”.

Phát ngôn viên Tổng thống Mỹ Karine Jean-Pierre cho hay: “Chúng tôi đang tích cực thúc đẩy các kế hoạch về việc đối phó đại dịch Covid-19 bên lề tuần lễ cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Đây là một phần trong nỗ lực không ngừng của Tổng thống Joe Biden nhằm kêu gọi thế giới chấm dứt đại dịch này”.

Hiện Mỹ đã tài trợ hoặc vận chuyển hơn 140 triệu liều vaccine Covid-19 cho các quốc gia khác, chủ yếu thông qua liên minh vaccine toàn cầu COVAX. “Chúng tôi đã dẫn đầu thế giới về việc chấm dứt đại dịch Covid-19 và sẽ tiếp tục làm như vậy. Chúng tôi đang có các cuộc thảo luận tích cực về cách tốt nhất để chấm dứt đại dịch. Chúng tôi sẽ tiếp tục tập hợp cộng đồng quốc tế để nâng cao mức độ mong muốn giải quyết đại dịch của toàn cầu và thực hiện các hành động khẩn cấp khi thấy phù hợp” - bà Jean-Pierre khẳng định.

Ông Krishna Udayakumar - Giám đốc Trung tâm Đổi mới y tế toàn cầu, trường Đại học Duke, North Carolina (Mỹ) cho biết, kế hoạch của Tổng thống Joe Biden là điểm khởi đầu tốt để giải quyết những thách thức. Điều này là cần thiết để đảm bảo rằng 70% dân số thế giới được tiêm chủng. Được biết, hồi tháng 6 vừa qua, lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tiền tệ Thế giới (IMF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đặt mục tiêu 60% dân số thế giới được tiêm chủng vào giữa năm 2022.

“Chúng tôi đang tích cực thúc đẩy các kế hoạch về việc đối phó đại dịch Covid-19 bên lề tuần lễ cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Đây là một phần trong nỗ lực không ngừng của Tổng thống Joe Biden nhằm kêu gọi thế giới chấm dứt đại dịch này”.

Bà Karine Jean-Pierre (Người phát ngôn Nhà Trắng)

“Sẽ có nhiều hành động đối phó với đại dịch Covid-19 hơn nữa mà chúng tôi tiếp tục thực hiện trong những ngày tới, và đặc biệt là trên mặt trận toàn cầu. Tổng thống Joe Biden sẽ đưa ra thông báo trước Đại hội đồng Liên hợp quốc về các biện pháp bổ sung mà chúng tôi đang tham gia hỗ trợ công tác tiêm chủng trên thế giới”.

Tiến sĩ Vivek Murthy (Tổng Y sĩ Mỹ)

“Kế hoạch của Tổng thống Mỹ Joe Biden là điểm khởi đầu tốt để giải quyết những thách thức. Điều này là cần thiết để đảm bảo rằng 70% dân số thế giới được tiêm chủng”.

Ông Krishna Udayakumar (Giám đốc Trung tâm Đổi mới y tế toàn cầu, trường Đại học Duke, North Carolina, Mỹ)