Tối đa 6 doanh nghiệp sẽ được lựa chọn đưa lao động sang Australia làm việc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thực hiện Chương trình Di chuyển lao động giữa Australia và Việt Nam trong ngành nông nghiệp, năm đầu tiên, tối đa 6 doanh nghiệp sẽ được lựa chọn đưa lao động sang Australia làm việc.

Thực hiện Chương trình Di chuyển lao động giữa Australia và Việt Nam (Chương trình PALM) trong ngành nông nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH cho biết trong năm đầu tiên (năm 2024), sẽ có tối đa 6 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được lựa chọn tham gia.

Các doanh nghiệp dịch vụ tham gia chương trình phải đáp ứng các tiêu chí, bao gồm: Có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm về đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (tính từ ngày người lao động đầu tiên xuất cảnh).

Có ít nhất 3 cán bộ chuyên trách thị trường Australia đã tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp tối thiểu từ 6 tháng trở lên. Trong đó, 1 nhân viên tìm kiếm, phát triển thị trường, và 1 nhân viên quản lý lao động có trình độ tiếng Anh 6.5 IELTS, hoặc tương đương trở lên; 1 nhân viên thực hiện nghiệp vụ giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc tại Australia có trình độ tiếng Anh 5.0 IELTS, hoặc tương đương trở lên.

Trong 2 năm gần nhất, doanh nghiệp không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Việc lựa chọn doanh nghiệp theo nguyên tắc lấy từ điểm cao nhất trở xuống. Trong trường hợp doanh nghiệp có số điểm bằng nhau, thì thứ tự ưu tiên để lựa chọn như sau: Trong 5 năm gần nhất, doanh nghiệp đưa được số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài lớn hơn.

Trong 5 năm gần nhất, doanh nghiệp đưa được lao động đi làm việc ở nhiều nước/vùng lãnh thổ trong ngành nông nghiệp hơn. Doanh nghiệp có cán bộ chuyên trách thị trường Australia có kinh nghiệm học tập, làm việc, hoặc cư trú tại Australia.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng nêu rõ các trường hợp doanh nghiệp không được tiếp tục tham gia chương trình.

Cụ thể, trong thời gian 6 tháng kể từ khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình, doanh nghiệp không đàm phán, ký kết được Hợp đồng cung ứng lao động. Cơ quan quản lý lao động sẽ lựa chọn, giới thiệu doanh nghiệp khác tham gia thay thế.

Trường hợp khác là trong quá trình tham gia, doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở Australia.

Doanh nghiệp cũng có thể sẽ không được tiếp tục tham gia, nếu cơ quan liên quan của Việt Nam hoặc Australia có đề nghị, bao gồm cả đề nghị về việc rà soát và/hoặc đình chỉ việc tham gia vào chương trình của doanh nghiệp đó.

Phía Việt Nam sẽ thông báo cho phía Australia trong trường hợp có doanh nghiệp không được tiếp tục tham gia, để lựa chọn doanh nghiệp khác.