Toàn cảnh về ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump

ANTD.VN - Hôm nay 20-1-2025 diễn ra lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump tại Washington, D.C, đánh dấu việc ông chính thức trở lại Nhà Trắng trên cương vị người quyền lực nhất nước Mỹ. Dưới đây là những điều cần biết về ngày nhậm chức này: gồm sự kiện chính nào, ai được mời và do ai trả tiền?

Công tác chuẩn bị cho ngày nhậm chức của ông Donald Trump - Tổng thống 47 của nước Mỹ - đã sẵn sàng

Ngày nhậm chức bất di bất dịch

Lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ luôn diễn ra vào ngày 20-1 kể từ những năm 1930. Sự kiện chỉ chuyển sang ngày hôm sau nếu ngày 20 là chủ nhật và điều này mới xảy ra 4 lần. Khi đó, Tổng thống đắc cử vẫn tuyên thệ vào chủ nhật một cách riêng tư và lặp lại trước công chúng vào ngày hôm sau.

Mỗi Tổng thống Mỹ đều có một lễ nhậm chức để đánh dấu sự khởi đầu của một nhiệm kỳ 4 năm tiếp theo, ngay cả khi vẫn tiếp tục tại vị. Gần đây nhất, các Tổng thống Ronald Reagan, Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama đã có hai lễ nhậm chức.

Ông Donald Trump, Tổng thống thứ 45, giờ đây sẽ có lễ nhậm chức lần thứ hai, trở thành Tổng thống thứ 47. Ông là người thứ hai trở lại nhiệm sở sau 4 năm gián đoạn, giống ông Grover Cleveland vào những năm 1890.

Nơi nhậm chức đôi khi ngoài kế hoạch

Kể từ năm 1801, hầu hết các lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ đều được tổ chức tại Tòa nhà Quốc hội ở Washington, D.C. Tuy nhiên, đã có 9 lễ nhậm chức diễn ra ở nơi khác, vào giữa nhiệm kỳ vì Tổng thống qua đời hoặc từ chức.

Đơn cử, ông Lyndon Johnson trở thành Tổng thống Mỹ sau lễ tuyên thệ trên chuyên cơ Không lực Một do người tiền nhiệm John F. Kennedy bị ám sát, trong khi ông Gerald Ford nhậm chức tại Nhà Trắng sau khi ông Richard Nixon từ chức.

Sân khấu của lễ nhậm chức được dựng lên trong khuôn viên Tòa nhà Quốc hội Mỹ

Do dự báo thời tiết giá lạnh bất thường ở Thủ đô Washington (nhiệt độ có thể xuống tới âm 13 độ C), lễ nhậm chức của ông Trump sẽ được chuyển vào trong nhà, thay vì ở phía ngoài mặt tiền phía Tây tòa nhà Quốc hội như dự định trước đó.

Lịch trình buổi lễ

Theo thông lệ, Tổng thống đắc cử sẽ đến thăm Nhà Trắng và đi cùng Tổng thống sắp mãn nhiệm đến Điện Capitol để công khai thể hiện sự chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Ông Trump đã bỏ qua bước này vào năm 2021, nhưng ông Joe Biden có thể sẽ duy trì truyền thống.

Tổng thống Donald Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức vào giữa trưa 20-1 giờ Washington, sau khi Phó Tổng thống JD Vance đọc lời tuyên thệ

Buổi lễ bắt đầu trước buổi trưa và Phó Tổng thống đắc cử JD Vance sẽ tuyên thệ nhậm chức trước.

Vào buổi trưa, ông John Roberts, Chánh án Tòa án Tối cao, sẽ điều hành buổi tuyên thệ nhậm chức của ông Donald Trump. Nội dung của lời tuyên thệ này được nêu rõ trong Hiến pháp: “Tôi long trọng tuyên thệ rằng tôi sẽ trung thành điều hành Văn phòng Tổng thống Mỹ và sẽ hết sức có thể để duy trì, bảo vệ Hiến pháp Mỹ”.

Ban nhạc Thủy quân Lục chiến sẽ biểu diễn bản nhạc vinh danh Tổng thống. Sau đó, 21 phát súng chào mừng vang lên và tân Tổng thống sẽ đọc diễn văn nhậm chức.

Những việc làm đầu tiên của tân Tổng thống

Sau buổi lễ, tân Tổng thống Donald sẽ hộ tống cựu Tổng thống Biden đến buổi lễ chia tay ở phía bên kia tòa nhà Quốc hội, nơi một chiếc trực thăng sẽ đưa ông Biden về nhà.

Bên trong tòa nhà Quốc hội, các nhà lập pháp cấp cao sẽ ăn trưa cùng nhau, sau đó là một cuộc diễu hành dọc theo Đại lộ Pennsylvania đến Nhà Trắng.

Nhưng lần này, cuộc diễu hành chủ yếu sẽ diễn ra trong nhà vì trời lạnh. Đó là Cung thể thao cách Điện Capitol vài dãy nhà, có sức chứa hơn 20.000 người. Toàn bộ buổi lễ sẽ được phát trực tiếp và Tổng thống Trump đã báo trước rằng ông sẽ không dự hoạt động đó.

Ông Donald Trump chính thức trở lại Nhà Trắng trên cương vị người quyền lực nhất nước Mỹ

Tại Nhà Trắng, Tổng thống mới dự kiến ​​sẽ ký một loạt sắc lệnh hành pháp đầu tiên. Tổng thống và Đệ nhất phu nhân xuất hiện trong tiệc chào mừng vào buổi tối.

Thú vị về người tham dự và cả người vắng mặt

Hầu hết các lễ nhậm chức đều có sự tham dự của cựu Tổng thống, Đệ nhất phu nhân và Phó Tổng thống của nước Mỹ. Điều đó có nghĩa là các ông Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama và Joe Biden dự kiến ​​sẽ đến cùng phu nhân của họ. Nhưng bà Michelle Obama xác nhận sẽ không tham dự sự kiện này.

Buổi lễ không chỉ có sự tham dự của các cựu Tổng thống mà còn có các nghị sĩ, quan chức quân đội, chính khách và người nổi tiếng

Cho đến nay, các nguyên thủ quốc gia chưa tham dự bất kỳ lễ nhậm chức nào của Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng ông Trump đã gửi lời mời đến các nhà lãnh đạo Trung Quốc, El Salvador và Argentina, Italia và Hungary. Tổng thống Argentina Javier Milei xác nhận tham dự sự kiện này.

Những người không đến dự cũng gây tò mò không kém. Năm 2017, 67 đảng viên Dân chủ đã tẩy chay lễ nhậm chức đầu tiên của ông Trump. Năm nay, cựu chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi dự báo sẽ không xuất hiện.

Một nhân vật cực kỳ quan trọng khác cũng không tham dự là “người sống sót được chỉ định”. Người này, được giữ bí mật danh tính, được Tổng thống lựa chọn và thường là thành viên Nội các trong danh sách kế nhiệm ông.

Người này tránh xa các sự kiện tập trung hầu hết quan chức hàng đầu của chính phủ Mỹ. Bởi nếu xảy ra tình huống thảm họa có thể khiến chính phủ không thể hoạt động, người này sẽ trở thành quyền Tổng thống.

Ai trả tiền cho Ngày nhậm chức?

Chính phủ Mỹ tổ chức và trả tiền cho lễ tuyên thệ tại Điện Capitol. Chính phủ cũng trả tiền cho công tác đảm bảo an ninh, đây là khoản chi lớn nhất cho toàn bộ sự kiện. Đối với lễ nhậm chức năm 2017, khoảng 28.000 nhân sự bảo vệ, bao gồm Mật vụ, FBI và Vệ binh Quốc gia được điều động, ước tính mất hơn 100 triệu USD và do ngân sách chi trả.

Một ủy ban nhậm chức do Tổng thống đắc cử chỉ định lên kế hoạch và tài trợ cho hầu hết hoạt động diễu hành và khiêu vũ. Ủy ban này được tài trợ bằng các khoản đóng góp mà không có giới hạn nào.

Lực lượng an ninh cảnh giác mức cao nhất để lễ nhậm chức diễn ra thành công

Các hãng lớn của Mỹ như Ford, GM, Uber và Amazon đều đã đồng ý quyên góp ít nhất 1 triệu USD tiền mặt hoặc dịch vụ cho Ủy ban nhậm chức của ông Donald Trump. Có thông tin cho biết, Mark Zuckerberg - CEO của Meta, và Sam Altman - CEO của OpenAI, đã đích thân gửi 1 triệu USD.

Tờ New York Times cho hay, tổng số tiền tài trợ dành cho Ủy ban nhậm chức của ông Donald Trump lần này vượt trên 150 triệu USD, vượt lên kỷ lục 107 triệu USD được quyên góp cho lễ nhậm chức lần đầu của ông năm 2017 và bỏ xa so với số tiền 62 triệu USD mà ông Joe Biden quyên góp được cho lễ nhậm chức của mình.