Lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ nhằm vào Nga đã gây ra tác động rất tiêu cực tới nguồn cung trên toàn thế giới và hậu quả là mức giá dầu liên tiếp leo thang.
Cụ thể, giá dầu giao dịch đã tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng qua, ngay sau khi Mỹ đưa ra các lệnh trừng phạt mới đặc biệt cứng rắn nhằm vào ngành năng lượng của Nga.
Những hạn chế này có nguy cơ làm giảm nguồn cung dầu trên thị trường thế giới, từ đó gây ra thêm lo ngại cho thị trường, bởi nó nhắm trực tiếp vào các tàu chở dầu thuộc "Hạm đội bóng tối" cũng như khách hàng mua dầu Nga.
Hãng tin Bloomberg tổng hợp số liệu từ sàn giao dịch thông báo, dầu thô Brent đã tăng lên mức gần 81 USD/thùng sau khi leo thang 4% vào hôm 10/1/2025 - phiên cuối cùng của tuần giao dịch trước.
Các chuyên gia năng lượng nhận xét điều này là do hành động của Washington, khi Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt mạnh mẽ nhất đối với các nhà xuất khẩu dầu Nga, gây ảnh hưởng đến nhiều công ty bảo hiểm và hơn 150 tàu vận tải tham gia chuyên chở nguyên liệu thô.
Lệnh trừng phạt lần này nhằm mục đích "bóp nghẹt" hơn nữa thu nhập của Nga từ xuất khẩu dầu thô, đây là một phần trong chiến lược trên diện rộng nhằm gây áp lực lên nền kinh tế nước này, nhất là khi cuộc xung đột Ukraine đang diễn ra ngày càng quyết liệt.
Gói biện pháp hạn chế mới khiến các công ty năng lượng Nga gặp khó khăn hơn trong việc bán dầu thô cũng như sản phẩm tinh chế trên thị trường thế giới, khi tạo thêm rào cản đối với hậu cần cũng như bảo hiểm hàng hóa.
Bước đi này của Mỹ khiến các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ và Trung Quốc - những nước nhập khẩu dầu lớn nhất từ Nga buộc phải khẩn trương phân tích những hậu quả dự kiến xảy ra nếu vi phạm lệnh trừng phạt mới nhất.
Theo nhận xét, động thái vừa được Mỹ đưa ra sẽ làm tăng chi phí vận chuyển dầu thô, cũng như buộc khách hàng lớn nhất của Nga phải khẩn trương tìm kiếm nguồn cung cấp thay thế.
Mặc dù vậy một số chuyên gia lại nhận xét Nga có thể đưa ra mức chiết khấu đáng kể hơn cho dầu thô của mình, chấp nhận giảm lợi nhuận để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường châu Á.
Nhưng cần phải nhấn mạnh, phản ứng của thị trường thể hiện rõ nhất mối lo ngại về tình trạng thiếu nguồn cung dự kiến xảy ra trong tương lai gần.
Nga vẫn là một trong những nhà cung cấp dầu lớn nhất thế giới và khả năng Moskva bị loại khỏi thị trường năng lượng sẽ gây ra phản ứng dây chuyền ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.
Đây là điều mà những đối thủ của Nga cũng phải tính toán thật kỹ để tránh hậu quả và đặc biệt là gây ra tình trạng "phản tác dụng" đối với chính nền kinh tế dễ bị tổn thương của mình.
Điển hình như Mỹ sẽ phải nỗ lực cân bằng giá xăng dầu trong nước giữa nguy cơ thiếu hụt nguồn cung, bước đi mà Washington đưa ra nhiều khả năng sẽ là tăng cường khai thác và mở kho dự trữ chiến lược.