Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sau khi trở lại nắm quyền có thể dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế đối với việc Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí do nước này viện trợ.
Ý kiến trên được đưa ra bởi Nghị sĩ đảng Cộng hòa Mike Waltz, khi chính trị gia này nhấn mạnh rằng bước đi trên có thể trở thành một phần trong chiến lược gây áp lực cứng rắn hơn đối với Moskva.
Theo ông Waltz, việc Tổng thống đắc cử Trump siết chặt các lệnh cấm vận đang có hiệu lực cũng như tăng cường hỗ trợ quân sự sẽ củng cố vị thế của Ukraine trong cuộc đàm phán với Nga.
Đặc biệt, ông Waltz cho rằng, việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí hiện đại do Mỹ cung cấp để tấn công rộng rãi các mục tiêu trên lãnh thổ Nga sẽ trở thành công cụ giúp đẩy nhanh việc chấm dứt xung đột và buộc Moskva phải đàm phán.
Bên cạnh đó, vị nghị sĩ lưu ý rằng việc ông Trump trở lại cương vị tổng thống sẽ đi kèm với việc đưa ra hàng loạt biện pháp trừng phạt mới, cứng rắn hơn nhiều trong lĩnh vực năng lượng.
Những bước đi như vậy hướng tới việc làm giảm doanh thu từ dầu khí của Nga, khi đây là một trong những nguồn tài trợ chính cho chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này.
Nếu ông Trump cho phép Ukraine tấn công rộng rãi bằng tên lửa ATACMS, điều này gây ra phản ứng trái chiều. Một mặt, những người ủng hộ Ukraine coi đây là bước đi tiềm năng nhằm tăng cường khả năng phòng thủ cũng như tấn công của họ.
Ở chiều ngược lại, một số nhà phân tích cảnh báo rằng việc mở rộng quyền sử dụng vũ khí Mỹ viện trợ Ukraine chắc chắn sẽ dẫn đến leo thang xung đột và gia tăng rủi ro đối với an ninh toàn cầu.
Nhưng hầu hết ý kiến đều cho rằng việc dỡ bỏ hạn chế tấn công vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa Mỹ sẽ là một bước đi chưa từng thấy, dẫn đến việc thay đổi hoàn toàn động lực của cuộc chiến.
Bên cạnh khả năng dỡ bỏ hạn chế sử dụng vũ khí, ông Donald Trump còn cho biết bản thân ủng hộ ý tưởng tịch thu tài sản đang bị đóng băng của Nga để gia tăng áp lực lên Moskva.
Chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Joe Biden cũng đang tích cực thuyết phục các đồng minh châu Âu sử dụng khoảng 300 tỷ USD bị đóng băng trong tài khoản vốn thuộc về chính phủ Nga để buộc Điện Kremlin phải đàm phán hòa bình với Ukraine.
Ông Biden đã đề xuất tạo một tài khoản ký quỹ đặc biệt để gửi tài sản của Nga vào đó, lệnh phong tỏa chỉ được dỡ bỏ nếu các điều khoản của thỏa thuận hòa bình với Ukraine được đáp ứng.
Phần lớn số tiền của Nga được giữ tại các kho lưu ký ở châu Âu, bao gồm 190 tỷ euro tại Euroclear của Bỉ. Nhà Trắng đang tích cực thảo luận kế hoạch này với các đồng minh, nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động tập thể.
Một quan chức cấp cao giấu tên của chính quyền Mỹ giải thích rằng việc Nga bị mất tài sản dự trữ sẽ gửi tín hiệu rõ ràng tới Moskva: “Nếu muốn lấy lại tiền, họ sẽ phải thương lượng”.
Trong lúc này, các đồng minh của ông Trump, bao gồm Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Mike Waltz - người được Tổng thống Mỹ đắc cử đề cử vào các chức vụ Ngoại trưởng và Cố vấn An ninh Quốc gia, đã tích cực ủng hộ sáng kiến này.
Hai chính trị gia nói trên tin rằng biện pháp quyết liệt như vậy có thể đẩy nhanh quá trình giải quyết xung đột và tạo thêm áp lực mạnh mẽ đối với Moskva.
Trong trường hợp Nga không đáp ứng yêu cầu, số tiền trên sẽ được sử dụng để tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine nhằm tránh gây ra gánh nặng tài chính cho Mỹ cũng như các đồng minh.
Trước diễn biến trên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga - ông Alexander Grushko nhấn mạnh Moskva sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình bằng mọi biện pháp pháp lý và cảnh báo phương Tây không nên để căng thẳng leo thang bằng cách thực hiện bước đi như vậy.