Tổ hợp phòng không Stormer HVM bắn hạ hàng loạt máy bay Nga ngay khi tham chiến?

ANTD.VN - Tổ hợp phòng không Stormer HVM do Anh chuyển giao cách đây ít lâu đã có màn ra mắt thành công rực rỡ trên chiến trường Ukraine.

Lực lượng phòng không Ukraine tại khu vực miền Đông cho biết, họ đã bắn hạ 4 máy bay không người lái Orlan-10 và 1 chiếc cường kích Su-25 của Nga bằng tổ hợp phòng không Stormer HVM chỉ trong ngày 13/8.

Hình ảnh cho thấy khoảnh khắc hệ thống phòng không tầm thấp do Anh viện trợ Ukraine phóng đạn đánh chặn đã được đăng tải, đi kèm với đó là những mảnh vỡ của máy bay Nga bị bắn rơi.

Như vậy hệ thống phòng không Stormer HVM đã có màn ra mắt cực kỳ ấn tượng trên chiến trường Ukraine, chỉ ít lâu sau khi chính thức được bàn giao, nối tiếp thành công rực rỡ của tên lửa vác vai STARStreak.

Theo thông báo, hiện tại chính phủ Anh đã cung cấp cho Ukraine tổng cộng 6 tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp Stormer HVM, do số lượng dư thừa còn khá lớn nên khả năng cao sẽ có thêm những đợt chuyển giao mới trong tương lai.

Vũ khí của Anh mặc dù không được quảng cáo rộng rãi nhưng đã thể hiện tính năng kỹ chiến thuật rất đáng gờm. Trước đó tên lửa chống tăng NLAW, Brimstone hay tên lửa phòng không STARStreak đã gây ra những thiệt hại rất lớn cho quân Nga.

Stormer HVM (High Velocity Missile) là một hệ thống phòng không tầm ngắn được chế tạo để giúp các đoàn xe cơ giới đối phó với mối đe dọa từ trực thăng tấn công cũng như máy bay bay thấp.

Hệ thống tên lửa phòng không Stormer HVM chính thức phục vụ trong Quân đội Anh từ năm 1997, số lượng trong biên chế vào thời điểm trực chiến là 151 tổ hợp, ngoài ra vũ khí này còn có mặt trong Quân đội Oman.

Sức mạnh của Stormer HVM nằm ở tên lửa phòng không cực nhanh STARStreak. Bệ phóng được đặt ở phía sau xe cùng với cảm biến chỉ thị mục tiêu. Trước đó loại đạn này đã được Anh cung cấp cho Ukraine nhưng dưới dạng bệ phóng vác vai.

Tên lửa STARStreak sử dụng động cơ nhiên liệu rắn 2 giai đoạn và có tốc độ lên tới Mach 3,5. Trong mỗi tên lửa chứa 3 mũi tên mật độ cao với ngòi tiếp xúc và đầu đạn nổ nhằm tăng xác suất tiêu diệt mục tiêu. Các mũi tên được phóng ra trong giai đoạn 2 của hành trình.

Tầm bắn của STARStreak nằm trong khoảng 1.500 - 5.500 m (có nguồn tin cho biết cự ly tối đa lên tới 7 km) và trần bay 1.000 m, chuyên dùng để chống lại máy bay bay thấp có độ cơ động cao.

Tên lửa STARStreak sử dụng phương thức dẫn đường bám chùm laser theo đường ngắm thẳng bán tự động, nó được chỉ thị đối tượng tấn công thông qua hệ thống ngắm quang học có ổn định với cảm biến đo xa laser.

Loại đạn phòng không còn phát huy hiệu quả trong việc chống lại mục tiêu mặt đất. Giới truyền thông ước tính các mũi tên của nó đủ động năng để xuyên thủng giáp trước một chiếc xe chiến đấu bộ binh (IFV).

Có tổng cộng 8 tên lửa sẵn sàng bắn được lắp trên bệ phóng và 12 tên lửa nạp lại đặt bên trong xe. Điều đáng nói là STARStreak còn có thể bắn đi từ giá phóng hạng nhẹ lắp 3 đạn, hoặc bệ phóng vác vai.

Xe có một module chiến đấu dạng tháp pháo gắn trên nóc đi kèm thiết bị chuyên dụng để nhận dạng mục tiêu và ưu tiên cảnh báo. Hệ thống phòng không Stormer HVM có khả năng tham chiến nhanh chóng với xác suất tiêu diệt mục tiêu cao.

Kíp chiến đấu của Stormer HVM bao gồm 3 người: chỉ huy, xạ thủ và lái xe. Hệ thống phòng không tầm ngắn này sử dụng khung gầm xe bọc thép Alvis Stormer sửa đổi, trái tim là động cơ diesel tăng áp Perkins công suất 250 mã lực, nó có thể lội nước với sự chuẩn bị trước.