Tổ chức OPEC+ chìm sâu vào khủng hoảng khi buộc phải hoãn tăng sản lượng

ANTD.VN - Vấn đề tăng hay giảm sản lượng là tranh cãi lớn trong Tổ chức OPEC+ suốt thời gian qua, nhất là khi nhiều quốc gia đã tự ý đi ngược đường lối chung.

Tổ chức OPEC+, cụ thể là Liên minh các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và đối tác đang đối diện một cuộc khủng hoảng nặng nề về đường lối chung để duy trì hoạt động.

Theo thông báo mới nhất, Liên minh OPEC+ một lần nữa buộc phải trì hoãn việc tăng sản lượng khai thác dầu thô và tung ra thị trường theo kế hoạch vào tháng 12 tới đây trong bối cảnh cuộc khủng hoảng dư thừa đang nổi lên rộng khắp.

Tình trạng nhu cầu yếu nhất trong một thập kỷ tại Trung Quốc và nguồn cung dầu thô cao kỷ lục từ Mỹ đã khiến Tổ chức OPEC+ này gần như rơi vào tình trạng bế tắc và không nhìn thấy triển vọng cho một tương lai xán lạn với mức giá cao như kỳ vọng, tờ OilPrice nhận xét.

Ngoài yếu tố thị trường, quyết định của ban lãnh đạo OPEC+ còn bị ảnh hưởng bởi tình hình địa chính trị, đặc biệt là kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đi kèm với lo ngại về tình trạng giá dầu giảm sâu hơn nữa do dư cung trong tương lai.

Giới chuyên gia thậm chí dự đoán giá dầu thô có thể giảm xuống còn 60 USD/thùng vào năm 2025, viễn cảnh trên thực sự là ác mộng đối với Saudi Arabia - thành viên cốt lõi của Tổ chức OPEC+, cũng như một số nhà cung cấp dầu thô chủ đạo khác.

Trong lúc này nhiều ý kiến cho rằng bất chấp sự dè dặt và cố gắng giữ thể diện cho OPEC+, tình hình thực tế của thị trường năng lượng đã đánh bại dự định và kế hoạch của những quốc gia muốn giữ giá dầu ở mức cao.

Mặc dù đang đối diện nhiều bất lợi nhưng mới đây 8 quốc gia thành viên OPEC+ đã tái khẳng định cam kết của họ trong việc tuân thủ đầy đủ Tuyên bố hợp tác chung, bao gồm điều khoản tùy chỉnh sản lượng.

Mặc dù nhiều người cho rằng OPEC+ muốn tăng mạnh sản lượng để giành lại thị phần của mình, nhưng thực tế nhiệm vụ chính của tổ chức có lẽ vẫn là kiểm soát chặt hơn trữ lượng dầu.

Chính vì vậy, giờ đây đường lối chủ đạo của OPEC+ sẽ căn cứ vào diễn biến sau khi kết thúc cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ và tình hình căng thẳng ở Trung Đông giữa Israel với Iran.

Theo dự báo, OPEC+ có lẽ vẫn sẽ phải nhượng bộ khi tình hình trở nên khó khăn, nếu đối diện bối cảnh thị trường quá căng thẳng, họ sẽ phải đồng ý không tăng sản lượng mà thậm chí còn cắt giảm nhiều hơn vào năm tới.

Nếu viễn cảnh trên xảy ra, đây thực sự sẽ là một đòn giáng rất mạnh vào nền kinh tế của các nước xuất khẩu dầu mỏ, cũng như hình ảnh của họ trên trường quốc tế.

Kế hoạch tăng sản lượng khai thác của Tổ chức OPEC+ còn bị ảnh hưởng bởi thực tế là khối lượng bán ra đã tăng 370 nghìn thùng/ngày trong tháng 10/2024. Con số này vượt xa hạn ngạch thống nhất phân bổ cho từng thành viên trong Liên minh.

Trong bối cảnh sản lượng thực tế vượt xa hạn ngạch, thị trường năng lượng đang rơi vào hỗn loạn khi giá dầu thô Brent giảm gần 19% kể từ đầu tháng 4, xuống dưới 74 USD/thùng.

Một số thành viên trong tổ chức đã vội vàng lợi dụng điều kiện thị trường và tăng sản lượng trước khi có sự chấp thuận chính thức của lãnh đạo OPEC+, vi phạm mọi kế hoạch, đây là đòn giáng mạnh vào quyết tâm của Liên minh.

Với mức giá chỉ 74 USD/thùng, nhiều quốc gia OPEC+ sẽ gặp khó khăn hoặc không thể trang trải đầy đủ chi tiêu chính phủ, đây là cơn ác mộng thậm chí có thể dẫn tới tan rã tổ chức.