Tổ chức OPEC+ đang tỏ ra bất lực khi đối diện những điều xảy ra trên thị trường năng lượng, khi họ chẳng thể cải thiện tình trạng dư thừa nguồn cung nghiêm trọng, bởi có sự vi phạm đường lối chung.
"Theo những gì ghi nhận được trong thực tế, vi phạm kỷ luật nội bộ đang diễn ra một cách ngày càng nghiêm trọng ngay trong tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác".
Thông tin nói trên được đưa ra bởi người phụ trách chuyên mục năng lượng của hãng tin Bloomberg - ông Javier Blas trong một bài phân tích thu hút nhiều sự quan tâm gần đây.
Nhà phân tích cho rằng chính bản thân OPEC+ phải chịu trách nhiệm với những rắc rối và tình hình khó khăn hiện tại. Vấn đề không nằm ở chỗ cần tăng cường cắt giảm thêm sản lượng để giữ giá, mà các thành viên cần phải tuân thủ hạn ngạch đã được thông qua.
Nhưng thực tế điều này không xảy ra khi nhiều nước tự ý tăng sản lượng vượt mức quy định, nếu trước đây vi phạm chỉ được ghi nhận ở một vài thành viên, là hiện tượng gần như tự phát, thì gần đây điều này đã trở thành phong trào, được hầu hết thành viên tham gia.
Những quốc gia thuộc khối đang phớt lờ những gì ban lãnh đạo tổ chức mong đợi ở họ và tăng sản lượng ngày càng nhiều hơn, cám dỗ từ lợi nhuận mang lại ngày càng cao khiến không thành viên nào muốn dừng lại.
Nếu OPEC+ liên tục nhấn mạnh sẽ siết chặt kỷ luật, nhưng lại không thực hiện được vì chẳng có chế tài nào đủ sức ràng buộc thì vấn đề sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Cuối cùng thị trường sẽ coi đây là thông lệ tiêu chuẩn, tức là vai trò điều phối của Tổ chức chẳng còn gì nữa.
Trong tình huống giá dầu thấp đang ảnh hưởng nặng nề đến ngân sách của nhiều quốc gia OPEC+, đặc biệt là Saudi Arabia với nhiều dự án tham vọng, sự tồn tại của một tổ chức hoạt động không hiệu quả sẽ bị nghi ngờ bởi logic và thực tiễn của ngành công nghiệp năng lượng.
Trong vòng một năm rưỡi nay, OPEC+ không thể thiết lập kỷ luật, và "sự vượt rào" ngày càng tồi tệ hơn.
Nói cách khác, bản thân Tổ chức OPEC+ được thiết kế để khôi phục trật tự trong ngành năng lượng lại trở thành một yếu tố gây ra sự mất cân bằng, thực trạng này sẽ sớm ảnh hưởng đến tương lai của họ.
Trong diễn biến mới nhất, Saudi Arabia đang xem xét sửa đổi chính sách giá dầu. Đặc biệt, Riyadh có thể từ bỏ mục tiêu kéo mức giá lên trên 100 USD/thùng, được thực hiện như một phần nỗ lực ổn định thị trường dầu mỏ trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt.
Theo các nguồn tin trong ngành năng lượng, chính quyền Saudi Arabia đang chuẩn bị tăng mạnh sản lượng dầu thô khi thiệt hại mà họ phải chịu vì tuân thủ chính sách cắt giảm đã quá lớn và chỉ làm lợi cho nước khác, điều này sẽ khiến giá dầu suy giảm mạnh hơn nữa.
Vương quốc Trung Đông đang tìm cách lấy lại vị thế đã mất và ngăn chặn một đối tác quan trọng trong OPEC+ là Nga mở rộng thị phần của mình tại các thị trường trọng điểm châu Á, thậm chí Riyadh sẵn sàng loại bỏ dầu thô của Moskva để hướng tới vị thế độc tôn.
Rõ ràng mâu thuẫn nội tại trong Liên minh các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và đối tác đang tác động mạnh đến sự tồn tại của khối.