Tiêm kích Ukraine như 'hổ mọc thêm cánh' nhờ loạt tên lửa nâng cấp

ANTD.VN - Sau khi hoàn thành chương trình nâng cấp, các tiêm kích Ukraine của Không quân Ukraine đã nhận được các tên lửa không đối không R-27 và R-73 loại mới.

Tên lửa không đối không loại R-27 và R-73 được nâng cấp sẽ giúp cải thiện đáng kể năng lực tác chiến cho các tiêm kích Ukraine, đây là điều mà lực lượng hàng không vũ trụ Nga phải đặc biệt quan tâm.

Trong thời gian qua, Không quân Ukraine đã nhận hàng trăm tên lửa không đối không loại R-27 và R-73 do các quốc gia NATO từng là thành viên khối quân sự Warsaw trao tặng để tích hợp trên các tiêm kích của nước này.

Mặc dù giữ vai trò vũ khí không chiến chủ lực của chiến đấu cơ Su-27 cũng như MiG-29, tuy nhiên các tên lửa R-27 và R-73 mà Không quân Ukraine nhận được đều là loại lạc hậu, tính năng kỹ chiến thuật có nhiều bất cập.

Chính vì vậy để nâng cao hiệu quả tác chiến, các nhà máy công nghiệp quốc phòng Ukraine đã tiến hành đợt nâng cấp lớn đối với số tên lửa nói trên và theo thông báo mới nhất, quá trình này đã hoàn thành.

Được biết nội dung nâng cấp sẽ chủ yếu tập trung vào việc hiện đại hóa đầu dò hồng ngoại của tên lửa R-27T và R-73, giúp tăng cường khả năng chống nhiều cũng như nâng tầm phát hiện mục tiêu lên gấp 1,5 lần.

Với số vũ khí nói trên, Không quân Ukraine khẳng định họ đủ sức đối đầu trực diện với những chiến đấu cơ hiện đại hơn của lực lượng hàng không vũ trụ Nga và thậm chí sẽ giành chiến thắng giòn giã với chiến thuật hợp lý.

Vympel R-27 (tên ký hiệu của NATO AA-10 Alamo, ký tự Cyrillic P-27) là một loại tên lửa không đối không tầm trung của Liên Xô, nó được sử dụng chủ yếu trong Không quân Nga và các quốc gia thuộc Liên Xô, cũng như xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới.

Gia đình tên lửa không đối không R-27 gồm 2 phiên bản chính: loại dẫn đường bằng tia hồng ngoại IR (R-27T) và sử dụng radar bán chủ động (R-27R).

Tên lửa R-27R có chiều dài 4,08 m; đường kính thân 0,23 m; sải cánh 0,77 m; trọng lượng 254 kg; vận tốc tối đa Mach 2,5 - 4; tầm bắn 0,2 - 80 km (130 km với bản R-27ER); mang theo đầu đạn trọng lượng 39 kg gồm thuốc nổ và mảnh văng.

Trong khi đó tên lửa R-27T có chiều dài 3,08 m; đường kính thân 0,23 m; sải cánh 0,77 m; trọng lượng 245 kg; vận tốc tối đa Mach 4; tầm bắn 0,5 - 70 km (120 km với bản R-27ET); nó cũng mang theo đầu đạn nặng 39 kg.

Trong khi đó R-73 (tên ký hiệu NATO AA-11 Archer) được Vympel NPO phát triển, đây là một loại tên lửa tầm ngắn khá hiện đại, nó được thiết kế để sử dụng trong các cuộc không chiến tầm gần nhằm thay thế cho Molniya R-60 (AA-8 Aphid).

Điểm độc đáo của tên lửa R-73 là đầu dò của nó có góc quan sát lên đến 60 độ, có thể hiển thị lên trên màn hình gắn ở mũ phi công (HMS), cho phép tăng khả năng tiêu diệt mục tiêu trong không chiến quần vòng cự ly ngắn.

Tên lửa R-73 có chiều dài 2,93 m; đường kính thân 0,165 m; sải cánh 0,51 m; trọng lượng 105 kg; vận tốc tối đa Mach 2,5; tầm bắn 0,3 - 30 km (40 km với bản R-74); mang theo đầu đạn nặng 7,4 kg.

Mặc dù có ưu thế về tầm bắn nhưng R-73 và R-27T vẫn bị nhận xét là thua xa các dòng tên lửa dẫn đường hồng ngoại thế hệ mới như Python-5 của Israel hay AIM-132 ASRAAM của châu Âu do thiếu chức năng khóa mục tiêu sau khi phóng.