Tiêm kích Su-30M2 gây thất vọng khi 'mất tích' trên chiến trường Ukraine

ANTD.VN - Việc Nga không cho tiêm kích Su-30M2 tham chiến tại Ukraine đã làm phát sinh rất nhiều câu hỏi liên quan đến năng lực thực sự của chiếc máy bay này.

Tiêm kích Su-30M2 đã được Lực lượng hàng không vũ trụ Nga điều động tới đóng quân trên bán đảo Crimea với số lượng rất lớn từ trước khi bùng phát dung đột, nhưng rốt cuộc chúng vẫn hoàn toàn "mất tích" trong hơn 2 tháng qua.

Không quân Nga từng gây ngạc nhiên khi thông báo chủng loại tiêm kích chủ lực được họ điều tới bán đảo Crimea để tạo ưu thế trước Không quân Ukraine lại là Su-30M2 chứ không phải Su-30SM hay Su-35S.

Trong bộ ba tiêm kích Flanker của Không quân Nga thì Su-30M2 bị đánh giá thấp nhất, tuy nhiên trước lực lượng Không quân Ukraine chỉ được trang bị Su-27P/UBM1 hay MiG-29MU1 thì Su-30M2 vẫn vượt trội.

Mặc dù vậy, trong khi cả Su-35S lẫn Su-30SM đều tham chiến trong nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không lẫn tấn công mục tiêu mặt đất thì Su-30M2 lại chưa từng được ghi nhận có mặt trên chiến trường, dẫn tới rất nhiều câu hỏi về năng lực thực sự của chúng.

Cần nhắc lại, Su-30M2 chính là biến thể nội địa hóa dựa trên Su-30MK2 dùng cho xuất khẩu, sức mạnh của Su-30M2 theo đánh giá từ nhiều chuyên gia quân sự thì nhỉnh hơn tiêm kích chiếm ưu thế trên không Su-27SM3.

Máy bay được lắp đặt radar mảng pha thụ động N001VE-Pero có thể điều khiển tên lửa tấn công đồng thời 6 mục tiêu trên không hoặc 4 mục tiêu mặt đất, tầm phát hiện tiêm kích là 190km so với chỉ 150km của N001VEP trang bị cho Su-30MK2.

Động cơ của Su-27M2 là AL-31FM1 có lực đẩy 135 kN (so với 123 kN của AL-31F trên Su-30MK2), hệ thống điện tử hàng không của Su-30M2 cũng đạt hiệu suất hoạt động cao và tin cậy hơn Su-30MK2.

Hiện tại trong Không quân Nga, vai trò chính của Su-30M2 bên cạnh trực ban tác chiến đó là dùng để đào tạo phi công lái Su-27SM3 và Su-35S nhờ kết cấu buồng lái 2 chỗ ngồi của nó.

Một điều đáng chú ý nữa đó là thời gian gần đây Nga đã tiến hành một chương trình nâng cấp thử nghiệm cho Su-30M2, để nó có năng lực chiến đấu tương đương Su-30SM hay Su-35S.

Đầu tiên chính là việc trang bị cho Su-30M2 radar mảng pha quét thụ động N035 Irbis (loại lắp trên Su-35S) thay cho N001VE-Pero, khí tài mới đã chứng tỏ độ tương thích cao khi cả Su-30M2 lẫn Su-35S đều là sản phẩm của tổ hợp KnAAPO.

Tiếp đó, Su-30M2 còn chứng minh có thể dễ dàng tiếp nhận động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều AL-41F1S của Su-35S, các thử nghiệm đã cho kết quả rất khả quan.

Với cấu hình gắn được cả radar N035 Irbis lẫn động cơ AL-41F1S, sức mạnh của Su-30M2 đã không còn thua kém Su-35S ở bất cứ điểm nào nữa, nó thậm chí đã được gọi bằng cái tên không chính thức là Su-35UBM.

Việc Không quân Nga chưa sử dụng đến Su-30M2 có thể là bởi họ nhận định Su-35S và Su-30SM vẫn có đủ số lượng để thực hiện các nhiệm vụ chủ chốt, chưa cần thiết phải huy động một chiếc tiêm kích tính năng kém hơn.

Bên cạnh đó, những thiệt hại đối với cả Su-30SM, Su-34 lẫn Su-35S trước lực lượng phòng không Ukraine rõ ràng cũng khiến Nga ái ngại khi phải tung Su-30M2 vào chiến trường.

Một số chuyên gia quân sự dự đoán rằng có lẽ chiếc tiêm kích đa năng này chỉ tham chiến trong trường hợp những chiến đấu cơ khác thuộc dòng Flanker đã bị thiệt hại nặng nề mà thôi.