Tiêm kích Nhật Bản bị bật tung kính buồng lái khi lao lên chặn ‘máy bay nghi vấn‘

ANTD.VN - Một chiếc tiêm kích hạng nhẹ F-2 của không quân Nhật Bản đã gặp sự cố bật tung kính buồng lái khi nó lao lên ngăn chặn máy bay nghi của Nga.

Hôm 11/10, truyền thông Nhật Bản đưa tin, chiếc tiêm kích Mitsubishi F-2 của Không quân Nhật Bản (JASDF) đã gặp sự cố khi ngăn chặn máy bay quân sự nước ngoài trên bầu trời tại tỉnh Fukuoka.

Căn cứ vào nguồn tin và vị trí địa lý, nhiều khả năng chiếc "máy bay nước ngoài" nói trên là một tiêm kích chưa rõ chủng loại thuộc Không quân Vũ trụ Nga (VKS) hoặc lực lượng không quân thuộc Hạm đội Thái Bình Dương - Hải quân Nga.
Được biết khi chiếc tiêm kích Nhật Bản cố gắng bắt kịp chiếc máy bay của đối phương thì bất ngờ cửa kính buồng lái đã bị văng ra khỏi máy bay, sự cố cực nguy hiểm khiến phi công của chiếc F-2 phải khẩn cấp quay trở lại căn cứ.
Hiện tại các chuyên gia đang nỗ lực tìm kiếm phần kính buồng lái dài 150 cm, rộng 90 cm, cao 80 cm và nặng khoảng 90 kg, nhằm tìm hiểu hoàn cảnh diễn ra vụ việc.
F-2 là máy bay tiêm kích do tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries của Nhật Bản phát triển với sự trợ giúp trực tiếp từ hãng Lockheed Martin của Mỹ.
Ngoài ra máy bay này được được các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới về công nghệ như General Electric, Kawasaki, Honeywell, Raytheon, NEC, và Kokusai Electric tham gia sản xuất các cấu kiện.
F-2 là loại máy bay đa năng, sản xuất bắt đầu năm 1996 và chiếc đầu tiên được đưa vào phục vụ năm 2000.
Về bản chất F-2 được phát triển từ F-16 Agile Falcon, đây chính là phiên bản mở rộng của F-16 vào những năm 1980, khi mà Lầu Năm Góc đang dành sự thiện cảm cho chương trình máy bay chiến đấu mới (Joint Strike Fighter).
Tuy được phát triển dựa trên tiêm kích F-16, nhưng nhiều chuyên gia nhận định F-2 có tính năng chiến đấu nhỉnh hơn cả phiên bản gốc.
F-2 có diện tích cánh lớn hơn 25% so với F-16, đuôi ngang máy bay lớn hơn, cửa lấy khí rộng hơn. Do đó chiếc máy bay này cho khả năng ổn định và cơ động hơn nguyên mẫu.
Đồng thời các thông số quan trọng khác của máy bay cũng được cải thiện rõ rệt giúp cho F-2 có lực nâng và góc tấn tốt hơn.
Về hỏa lực, tiêm kích F-2 bố trí một pháo đa nòng cỡ 20mm M61A1 trong thân dùng cho không chiến tầm gần.
Trên thân và cánh máy bay có 13 giá treo mang 8 tấn vũ khí gồm: tên lửa đối không tầm ngắn AIM-9L (hoặc AAM-3 của Nhật Bản), đối không tầm trung AIM-7F/M (hoặc AAM-4 của Nhật Bản), tên lửa không đối hạm Type 80 (tầm bắn 50km) hoặc Type 93 (tầm bắn 170km), bom có điều khiển các loại.

Về hệ thống điện tử, F-2 được trang bị radar mảng pha chủ J/APG-2, theo một số nguồn tin, nó có khả năng phát hiện mục tiêu là máy bay chiến đấu từ cự ly 190km và có thể phát hiện đồng thời 10 mục tiêu cùng lúc.

Các thông số cho thấy, radar J/APG-2 của tiêm kích F-2 có tính năng tương đương với radar APG-79 được trang bị trên tiêm kích tàu sân bay F/A-18E/F Super Hornets của Mỹ.

Máy bay được trang bị các hệ thống kháng nhiễu điện tử, thông tin liên lạc hiện đại đã đem lại cho tiêm kích F-2 khả năng tác chiến vượt trội so với các đối thủ cùng loại.

Tuy được đánh giá cao hơn cả F-16 nhưng F-2 lại có điểm yếu là giá thành đắt đỏ khi lên tới gần 127 triệu USD/Chiếc (thời giá năm 2009).
Chính vì giá thành quá đắt đo nên chỉ có 98 chiếc F-2 được sản xuất và chúng hiện vẫn đang có trong biên chế của không quân Nhật Bản.