Thụy Điển từ chối giao pháo tự hành Archer vô tình ‘giúp’ Ukraine có loại DITA 'mạnh vượt trội'

ANTD.VN - Pháo tự hành DITA do Cộng hòa Séc sản xuất nhiều khả năng sẽ thay thế loại Archer của Thụy Điển trong thành phần tác chiến của Quân đội Ukraine.

Ukraine đang đàm phán với công ty Excalibur của Cộng hòa Séc để nhận những tổ hợp pháo tự hành DITA nhằm thay thế vai trò của tổ hợp Archer do chính phủ Thụy Điển từ chối bàn giao.

Thụy Điển vừa công bố gói viện trợ quốc phòng lớn nhất cho Ukraine cho đến nay với số tiền lên tới 287 triệu USD - điều này đã được Thủ tướng Ulf Kristersson công bố, hãng thông tấn Reuters đưa tin.

Theo ông Kristersson: Gói viện trợ quốc phòng này sẽ lớn hơn cả 8 gói trước cộng lại. Đây là đợt hỗ trợ lớn nhất mà chúng tôi đã thực hiện và rõ ràng Stockholm đang theo dõi danh sách ưu tiên của Ukraine về những gì họ cần" .

Theo ghi nhận của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thụy Điển Pal Johnson, gói viện trợ quân sự mới bao gồm các hệ thống phòng không và đạn dược từ kho dự trữ của chính lực lượng vũ trang nước này.

Đây là những thứ cần thiết để bảo vệ Ukraine khỏi tên lửa của Nga, cũng như các phương tiện vượt địa hình, kính nhìn đêm, trang thiết bị cá nhân để người lính hoạt động trong mùa đông, lều và lưới ngụy trang...

Nhưng vũ khí Ukraine muốn nhận được nhất từ Thụy Điển là pháo tự hành Archer thì vẫn "bặt vô âm tín". Trước tình hình trên, Kyiv có vẻ đã "buông xuôi" và lựa chọn thay thế của họ chính là DITA, cuộc đàm phán theo thông báo diễn ra rất thuận lợi và tổ hợp sẽ sớm được bàn giao.

Pháo tự hành (SPH) bánh lốp DITA cỡ 155 mm ra mắt vào tháng 2/2021 trong khuôn khổ triển lãm IDEX-2021. Nhờ tầm bắn xa và tự động hóa cao, nó có thể đóng vai trò như một phương tiện phản công hiệu quả trong "lực lượng đặc nhiệm pháo binh" với PzH 2000 và CAESAR.

Nếu nói về các đặc điểm của DITA một cách chi tiết hơn thì loại pháo tự hành này có nòng dài gấp 47 đường kính (L/47) với góc nâng lên tới 70 độ, mang lại tầm bắn tối đa 39 km (khi sử dụng đạn pháo thông thường).

Để so sánh, pháo tự hành 2S19M2 Msta-S mới nhất của Nga có tầm bắn tối đa với đạn thường là 25 km, trong khi con số này ở pháo xe kéo 2A65 Msta-B cũng chỉ lên đến 28 km.

Nhờ vậy, DITA có thể tiêu diệt pháo binh đối phương khi ở ngoài tầm bắn của đại đa số các loại pháo mà Quân đội Nga được trang bị, nó chỉ thua kém về lý thuyết so với Koalitsiya-SV hiện vẫn chưa vượt qua đầy đủ các bài thử nghiệm.

Điểm đặc biệt của DITA là kar năng tự động hóa tất cả các quy trình, nhờ đó tổ hợp vũ khí này có thể được vận hành bởi kíp chiến đấu chỉ có hai người, ít nhất so với tất cả các loại pháo tự hành khác.

Tháp pháo của DITA là loại "không người điều khiển", với chức năng nạp tự động (không giống như CAESAR vẫn sử dụng cơ chế nạp đạn bán tự động). Đây là một yếu tố bổ sung quan trọng cho năng lực tác chiến.

Tổ hợp pháo tự hành DITA được trang bị hệ thống chiến đấu với tổ hợp điều khiển hỏa lực kỹ thuật số cực kỳ hiện đại, đặc biệt cung cấp khả năng lựa chọn đạn dược và kiểm soát việc khai hỏa vào từng mục tiêu cụ thể.

Ngoài ra hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến này có khả năng tiếp nhận tham số mục tiêu từ máy bay không người lái trinh sát, cho phép tạo ra mô hình cộng sinh theo kiểu "SPH + UAV".

Nhờ vậy hệ thống pháo đã cải thiện tốc độ bắn đạt 6 phát/phút. Chỉ mất 45 giây để rời khỏi vị trí sau khi hoàn thành đọt khai hỏa, điều này giúp tăng khả năng sống sót của DITA trên chiến trường.

Xét về mức độ tự động hóa, chúng ta có thể nói rằng ở một số khía cạnh, DITA thậm chí còn tốt hơn những "loại pháo tự hành bán chạy nhất" hiện có trên thị trường vũ khí thế giới.

Ngoài ra DITA còn nhận được một hệ thống tự chẩn đoán sự cố đi kèm điều hòa không khí, có khả năng bảo vệ kíp chiến đấu trước tác động của vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Điều quan trọng nữa là DITA đặt trên khung gầm Tatra T815 VP31M 8 × 8, cũng được sử dụng cho pháo tự hành Zuzana-2 do Slovakia sản xuất, đã có trong đội hình chiến đấu của Lực lượng vũ trang Ukraine, tạo ra sự thân thuộc trong vận hành.

Pháo tự hành DITA có trọng lượng chiến đấu 29 tấn, có thể di chuyển với tốc độ lên tới 25 km/h trên thực địa và 90 km/h trên đường cao tốc, phạm vi hoạt động trong khoảng 300 đến 600 km, tùy thuộc vào điều kiện vận hành cụ thể.