Thương vụ mua F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ 'thoát hiểm' ở Thượng viện Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Mỹ sẽ xúc tiến thương vụ bán tiêm kích F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi Thượng viện nước này bác dự thảo nghị quyết yêu cầu chặn thương vụ này của Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rand Paul.

Chính phủ Mỹ tháng trước phê chuẩn thương vụ trị giá 23 tỷ USD bán tiêm kích F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, thương vụ gặp trở ngại lớn khi thượng nghị sĩ Cộng hòa Rand Paul ngày 29/2 trình Thượng viện dự thảo nghị quyết yêu cầu chặn thỏa thuận này.

Ông Paul cho rằng việc bán F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khuyến khích Ankara tiếp tục thực hiện các hành vi liên quan đến vi phạm nhân quyền, cũng như có thể gây ra tác động mang tính chiến lược với cục diện quân sự khu vực.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rand Paul
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rand Paul

Tuy nhiên, chỉ có 13 thượng nghị sĩ đồng ý với dự thảo nghị quyết của ông Paul. 79 thành viên Thượng viện Mỹ bỏ phiếu chống, giúp thương vụ tiếp tục được xúc tiến.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Ben Cardin, người tháng trước "bật đèn xanh" cho thương vụ F-16, nhấn mạnh tầm quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với NATO, nói thêm rằng nước này cần được hiện đại hóa quân đội trong bối cảnh tình hình an ninh diễn biến phức tạp sau khi Nga mở chiến dịch ở Ukraine.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Ben Cardin

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Ben Cardin

Theo Đạo luật Kiểm soát Xuất khẩu Vũ khí của Mỹ, các thương vụ bán vũ khí lớn cho nước ngoài có thể bị chặn nếu Thượng viện và Hạ viện thông qua nghị quyết phản đối, song tới nay chưa có nghị quyết nào như vậy được phê chuẩn.

Thổ Nhĩ Kỳ đặt hàng hơn 100 tiêm kích tàng hình F-35A do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ chế tạo, nhưng bị loại khỏi dự án năm 2019 sau khi mua tổ hợp phòng không S-400 do Nga sản xuất.

Thổ Nhĩ Kỳ đã bị loại khỏi chương trình tiêm kích F-35A do mua hệ thống phòng không S-400 của Nga
Thổ Nhĩ Kỳ đã bị loại khỏi chương trình tiêm kích F-35A do mua hệ thống phòng không S-400 của Nga

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 26/1 thông báo phê duyệt hợp đồng tiềm năng trị giá 23 tỷ USD để cung cấp tối đa 40 tiêm kích đa năng F-16 Block 70/72 (hay còn được biết tới với định danh F-16V), cùng phụ tùng, thiết bị kỹ thuật và hỗ trợ huấn luyện. Trong hợp đồng này, Washington cũng đồng ý hiện đại hóa 79 máy bay F-16 trong biên chế của Ankara lên chuẩn F-16V hiện đại nhất thế giới.

Thổ Nhĩ Kỳ đã phê duyệt Thụy Điển vào NATO

Thổ Nhĩ Kỳ đã phê duyệt Thụy Điển vào NATO

Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua thương vụ F-16 với Thổ Nhĩ Kỳ chỉ một ngày sau khi nước này hoàn tất quá trình phê duyệt Thụy Điển vào NATO, chấm dứt nhiều tháng trì hoãn khiến một số đồng minh của Ankara thất vọng.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/2 cho biết Washington đã gửi cho Ankara dự thảo về thỏa thuận bán F-16 để nước này xem xét, trước khi giới chức hai bên gặp nhau nhằm hoàn tất các chi tiết liên quan.

Tiêm kích F-16 của Mỹ
Tiêm kích F-16 của Mỹ

F-16 Block 70/72 là phiên bản mới nhất và mạnh nhất trong gia đình chiến đấu cơ F-16. Cốt lõi của phiên bản này là radar quét mảng pha quét điện tử chủ động tiên tiến Northrop Grumman AN/APG-80, vốn dựa trên công nghệ lấy từ F-22 và F-35.

Ngoài ra, máy bay cũng được trang bị hệ thống tác chiến điện tử tối tân, buồng lái được gắn màn hình độ phân giải cao, mũ phi công đời mới nhất JHMCS II... Sức mạnh của phiên bản này được cho là đủ sức đối đầu với phiên bản Su-35S xuất khẩu của Nga.

Tiêm kích F-16 của Mỹ
Tiêm kích F-16 của Mỹ

Các nhà phân tích nhận định radar trên F-16 Block 70/72 nhạy và có tầm quét tốt hơn so với Su-35. Về trang bị vũ khí, tuy F-16 Block 70/72 có một động cơ nhưng chúng có thể mang vác tới 7,9 tấn vũ khí trong khi Su-35S dù trang bị hai động cơ, to lớn hơn nhưng cũng chỉ có khả năng mang theo 8 tấn vũ khí. Điểm nội trội nữa là chi phí khai thác của F-16 một động cơ luôn rẻ hơn so với Su-35 hai động cơ.